Kỹ thuật nuôi cua hai giai đoạn
Chuẩn bị ao
Ao sử dụng ương cua bột là ao đất, diện tích thích hợp khoảng 200 - 500 m2, sâu 0,8 - 1,2 m. Ao ương tốt nhất là vùng cửa sông, đầm phá…, đây là những khu vực có độ mặn phù hợp với đặc tính sinh học của cua. Nền đáy ao, đầm nên là loại đất thịt pha sét hay cát, không quá nhiều bùn nhão (lớp bùn không quá 15 cm). Ao phải có cống cấp thoát nước và chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều, thuận tiện cho việc thay nước, kích thích sự lột xác của chúng.
Sau khoảng 3 - 4 tháng nuôi, có thể thu hoạch cua. Ảnh: Minh Triết
Tiến hành cải tạo ao kỹ, sau mỗi vụ nuôi cần phải ủi hoặc nạo vét sạch bùn đáy ao, gia cố bờ ao. Bón vôi CaO lượng 15 - 20 kg/1.000 m2, phơi đáy ao 2 - 3 ngày sau đó tiến hành bơm nước từ ao lắng vào ao nuôi. Dùng lưới có kích thước mắt lưới 2a = 2 cm chắn xung quanh bờ ao, có góc nghiêng vào bên trong ao so với bờ ao là 450 nhằm tránh cua thất thoát.
Ngoài ra, trong ao nuôi cần thả chà (có thể bằng cành cây khô hoặc lá dứa) làm nơi trú ẩn cho cua khi lột xác, tránh hiện tượng ăn lẫn nhau.
Sử dụng lưới lọc nước vào ao nuôi, khi mực nước đạt 0,6 - 0,8 m, có độ mặn 12 - 20‰, pH = 7,5 - 8,5, các yếu tố khác đảm bảo thì mới tiến hành thả cua bột. Ao được chuẩn bị ít nhất 7 - 10 ngày trước khi thả cua bột xuống ương.
Chọn giống
Hiện nay nguồn cua giống cung cấp cho người nuôi chủ yếu từ nguồn sản xuất giống nhân tạo. Vì vậy, cần chọn giống ở những cơ sở sản xuất có uy tín, con giống phải đồng cỡ, đồng màu, có phản ứng nhanh, các phụ bộ đầy đủ. Cua con khi cho vào khay phải phân bố đều, không bị dồn cục và khi đổ nước vào phải phân tán đều khay và khả năng đeo bám giá thể tốt.
Cua chuyển từ trại sản xuất giống vào ao nuôi được thuần hóa độ mặn trước, bởi đây là hai môi trường khác nhau. Công đoạn này trại sản xuất giống cần chủ động tiến hành, người nuôi thông báo độ mặn ao ương cho trại, tránh trường hợp sốc cho cua khi thả. Độ mặn chênh lệch không quá 5‰.
Thời điểm: Nên thả cua vào buổi sáng hoặc chiều lúc trời mát.
Khi vận chuyển cua giống nên cho vào khay nhựa có kích thước 20 x 40 cm có lót cỏ và giá thể hoặc cho vào túi nhựa nilon có ôxy, tùy khoảng cách giữa trại giống đến ao ương.
Mật độ ương nuôi: 200 con/m2.
Khi thả, cần rải đều cua bột quanh ao theo số lượng đã tính trước. Thao tác thực hiện cần nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương cua.
Cho ăn
Thức ăn chủ yếu cho cua là thức ăn tự chế bao gồm các loại bột thịt cá, tôm, cua, còng, nhuyễn thể xay nhỏ, hấp cho ăn.
Ngoài ra, người nuôi cũng có thể gây màu nước cho động vật phù du phát triển có tác dụng bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên cho cua.
Trong 3 - 5 ngày đầu, cho cua ăn với khẩu phần gồm: trứng gà 30%; thịt cá, tôm, cua bóc vỏ 50%; bột 15%; nhuyễn thể: mực, hàu 5%; vitamin. Tất cả trộn đều và xay mịn sau đó hấp cách thủy, để nguội dùng mắt lưới nhỏ xa thức ăn tạo thành viên cho cua ăn.
Cho ăn với lượng thức ăn khoảng 1 - 1,5 kg/10.000 cua bột/ngày.
Sau ngày thứ 5 trở đi cho ăn bằng thịt cá tạp, nhuyễn thể, giáp xác hấp cách thủy rồi băm nhỏ cho cua ăn. Lượng thức ăn 10 - 15% trọng lượng cua thả. Số lượng thức ăn tăng dần theo sinh trưởng, tăng trọng của cua.
Khi cho ăn, thức ăn cần được rải đều ven ao. Mỗi ngày cho ăn 2 lần vào sáng và chiều tối.
Chăm sóc, quản lý
Kiểm tra khả năng bắt mồi và sức khỏe của cua bằng sàng ăn. Cách làm như sau: Bỏ khoảng 2 - 3% lượng thức ăn trong mỗi lần ăn vào sàng ăn và kiểm tra sàng sau 1,5 - 2 giờ. Theo tình hình thực tế để điều chỉnh lượng thức ăn vào những lần sau. Bổ sung khoáng chất, dinh dưỡng và Vitamin C, tỏi tươi với lượng 5 - 10 g/kg thức ăn để giúp cua tăng sức đề kháng và tăng trưởng tốt.
Sau 5 ngày kể từ ngày thả giống, tiến hành thay 1/3 lượng nước trong ao để kích thích cua lột xác phát triển. Từ ngày thứ 10 trở đi, cứ 5 ngày tiến hành thay nước 1 lần, mỗi lần thay 1/2 lượng nước hoặc thay nước theo thủy triều; nhằm kích thích quá trình lột xác diễn ra dễ dàng hơn, cường độ bắt mồi tốt hơn và khả năng tăng trưởng nhanh.
Hàng ngày, kiểm tra các thông số môi trường như pH, ôxy, nhiệt độ, độ mặn; Kiểm tra bờ ao, chống xói lở, hỏng rào chắn, bệnh và các địch hại vào trong ao. Khoảng 10 ngày cần tiến hành xác định tỷ lệ sống, khả năng tăng trưởng của cua một lần.
Định kỳ 10 - 15 ngày thay 20 - 30% lượng nước trong ao nuôi, sau 1 - 2 ngày tiến hành diệt khuẩn bằng Iodine hoặc BKC (liều lượng tùy theo từng dòng sản phẩm). Sau khi diệt khuẩn 2 - 3 ngày, tiến hành cấy vi sinh và bón vôi CaCO3 10 - 15 kg/1.000 m3 để cải tạo đáy ao giúp tăng cường vi sinh có lợi phát triển và ổn định các yếu tố môi trường.
Thu hoạch
Sau 25 - 30 ngày cua đạt cỡ 2,5 - 3,0 cm (theo chiều rộng mai), trọng lượng khoảng 5 g/con. Tỷ lệ sống có thể đạt 40 - 50%. Cỡ cua này có thể chuyển sang ao lớn để nuôi cua thương phẩm.
Có thể thu hoạch theo hai cách: Thu cua bằng vó: Cho thức ăn vào vó, nhử cua vào vó sau đó kéo lên chọn những con đạt tiêu chuẩn để thả nuôi cua thương phẩm. Thu toàn bộ: Tháo cạn nước để bắt toàn bộ cua giống.
Nếu ao nuôi thương phẩm cách xa ao ương thì có thể vận chuyển cua giống trong các túi cước với số lượng khoảng 500 con/túi, cho thêm ít cỏ, rong để cua bám và giữ ẩm, đặt vào thùng xốp hoặc các giỏ, sọt... vận chuyển đến ao nuôi.
Nuôi thương phẩm
Cua được nuôi trong ao với mật độ 1 con/m2.
Lưu ý ở giai đoạn này, để tránh tình trạng cua bắt cặp sớm, lên gạch khi chưa đạt kích cỡ thương phẩm và cua ăn thịt lẫn nhau thì nên thả cua theo tỷ lệ 10 cua cái : 3 cua đực.
Trong quá trình nuôi, quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, bổ sung vôi, Dolomite giúp cua sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao.
Sau thời gian khoảng 3 - 4 tháng, khi cua đạt cỡ khoảng 0,3 kg/con thì có thể thu hoạch.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao