Nuôi bò Kỹ thuật trồng một số loại cây làm thức ăn cho gia súc - Phần 2

Kỹ thuật trồng một số loại cây làm thức ăn cho gia súc - Phần 2

Author Hoa Thông, publish date Thursday. May 5th, 2016

Kỹ thuật trồng một số loại cây làm thức ăn cho gia súc - Phần 2

2. Kỹ thuật trồng cỏ Ghinê

Cỏ Ghinê là loại cây hoà thảo, lâu năm (còn gọi là cỏ sả, một số nơi còn gọi là cỏ Tây Nghệ An hay cỏ sữa). Có hai loại cỏ Ghinê: loại lá lớn và loại lá nhỏ.

Loại lá lớn cho năng suất cao, nên trồng để cho bò ăn tươi hoặc ủ chua dự trữ với cỏ voi.

Loại lá nhỏ cho năng suất thấp hơn, nhưng có khả năng chịu dẫm đạp, chịu hạn tốt, rất thích hợp cho việc trồng để tạo nên bãi chăn thả và chống xói mòn cho đất. Thời gian trồng từ tháng 2 - 4.

Tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa để bảo đảm tỷ lệ sống cao.

Thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11.

Chu kỳ kinh tế 4 - 5 năm hoặc dài hơn (6 - 7 năm).

• Chuẩn bị đất

Cỏ Ghinê phù hợp với chân ruộng cao, loại đất cát pha, không bị ngập nước hoặc ẩm nhiều.

Cần cày vỡ đất ở độ sâu 20 cm, sau đó bừa và cày đảo (cày 2 lần), làm sạch cỏ dại và san phẳng đất.

Trong trường hợp trồng bằng hạt thì đất phải làm tơi nhỏ hơn.

• Phân bón

Cho mỗi hecta cần: 10-15 tấn phân chuồng hoai mục - bón lót toàn bộ theo hàng rạch; 200-250 kg super lân - bón lót toàn bộ theo hàng rạch; 150-200 kg sulphat kali - bón lót toàn bộ theo hàng rạch; 200-300 kg sulphat đạm - chia đều để bón thúc sau mỗi lần thu hoạch. 

• Cách trồng và chăm sóc

Có thể trồng bằng hạt, hoặc dùng khóm thân rễ, trồng theo bụi.

Nếu trồng bằng khóm theo bụi thì sau khi làm đất kỹ như nêu trên, dùng cày rạch thành hàng cách nhau 40 - 50 cm, sâu 15 cm.

Trong trường hợp gieo bằng hạt thì chỉ cần rạch hàng sâu 10 cm.

Mỗi hecta cần lượng khóm 5 - 6 tấn, lượng hạt 5 - 6kg.

 Cách chuẩn bị khóm giống như sau: cắt bỏ phần ngọn các khóm cỏ sả giống trên ruộng và để lại chiều cao khóm khoảng 25 - 30 cm.

Dùng cuốc đánh gốc cỏ lên, rũ sạch đất, cắt phạt bớt phần rễ già.

Sau đó tách thành những khóm nhỏ, mỗi khóm 3 - 4 nhánh đem trồng. Sau khi rạch hàng và bón lót phân, tiến hành trồng bằng cách đặt các khóm vào rãnh, ngả cùng một phía và vuông góc với thành rãnh, cách nhau 35 - 40 cm, lấp đất sâu khoảng 10 - 15 cm (1/2 độ dài của thân cây giống) và lưu ý dậm chặt đất, tạo điều kiện có độ ẩm, cây chóng nảy mầm và có tỷ lệ sống cao.

Nếu trồng bằng hạt thì gieo rải đều theo hàng rạch và dùng đất nhỏ mịn lấp dầy 5 cm.
Trong trường hợp trồng xen với cây ăn quả, trồng ven đường hoặc xung quanh bờ ao thì đào hốc sâu 15 cm với khoảng cách hàng 40 - 50 cm và hố nọ cách hố kia 15 - 20 cm.
Sau khi trồng 15 - 20 ngày kiểm tra khả năng ra mầm chồi và nếu cần thiết thì trồng dặm lại.

Đồng thời lúc này xới xáo qua, làm cỏ dại và bón thúc bằng đạm urê.

Nếu gieo bằng hạt thì chỉ tiến hành chăm sóc và trồng tỉa bổ sung khi cây mọc và có thể phân biệt rõ để tránh nhầm lẫn với cỏ dại.

Sau mỗi lần cắt và khi thảm cỏ nảy mầm xanh lại làm sạch cỏ dại rồi dùng phân đạm bón thúc. 

• Thu hoạch và sử dụng

 Sau khi trồng được 60 ngày thì thu hoạch lứa đầu, cắt phần trên, cách mặt đất 10 cm.

Các lứa thu hoạch sau cách nhau 40 - 45 ngày.

Mỗi năm cắt dọn gốc già một lần. Trong trường hợp trồng cỏ Ghinê để chăn thả thì hai lứa đầu tiên vẫn cắt bình thường, bắt đầu từ lứa thứ ba mới đưa gia súc nhai lại vào chăn thả.

Tốt nhất là chăn thả khi thảm cỏ có độ cao 35 - 40 cm.

Muốn vậy phải bảo đảm chu kỳ chăn thả luân phiên (thời gian nghỉ để cỏ tái sinh) khoảng 25 - 35 ngày vào mùa mưa và 40 - 45 ngày vào mùa khô.

Thời gian chăn thả liên tục trên một thửa cỏ không quá 4 ngày. Cỏ Ghinê ăn rất ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, không bị giảm chất lượng nhanh như cỏ voi. 


Kỹ thuật trồng một số loại cây làm thức ăn cho gia súc - Phần 1 Kỹ thuật trồng một số loại cây làm… Thiết bị giúp tăng sản lượng bò thịt ở Ác-hen-ti-na Thiết bị giúp tăng sản lượng bò thịt…