Kỹ thuật xử lý nhãn Ido cho năng suất cao
Theo các nhà khoa học, tại những vùng thâm canh tổng hợp nhãn Ido thì những kiến thức về kỹ thuật canh tác, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa, quản lý dinh dưỡng và dịch hại hợp lý rất quan trọng.
Vì việc này sẽ quyết định năng suất, chất lượng trái. Do đó, quá trình canh tác, bà con cần lưu ý nắm vững kỹ thuật sau:
- Cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, ốm yếu, bị che khuất bên trong tán cây nhằm tạo cho tán cây thông thoáng, kích thích cây ra nhiều chồi mới.
- Bón phân kích thích các cơi đọt ra tập trung phát triển tốt: Bón phân chuyên dùng cho cây ăn trái hoặc NPK có hàm lượng đạm cao như NPK Đầu Trâu 20-20-15+TE. Kết hợp bón phân hữu cơ, với liều lượng 2 tấn/ha sẽ giúp cây cho ra đọt non mập.
- Cần chú ý phun thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại khi ra đọt non
Giai đoạn xử lý ra hoa cần chú ý:
- Khi cơi đọt thứ ba chuyển sang màu xanh đọt chuối (tức từ 37 - 39 ngày tuổi) tiếp tục phun MKP nồng độ 0,5% (40g/8 lít nước), sẽ giúp cây cho lá già đồng loạt.
- Sau khi phun MKP được từ 5 - 7 ngày, lúc này lá chuyển từ màu xanh đọt chuối sang màu xanh nhạt thì cần dọn sạch lá, cỏ xung quanh gốc, tưới nước trước khi xử lý 1 - 2 ngày để tạo độ ẩm cho gốc. Sau đó, hoà tan 300 – 400 gram kali clorat (KClO3) vào 35 - 40 lít nước, tưới đều xung quanh tán cây, tưới nước đảm bảo độ ẩm đất giúp thuốc ngấm đều vào vùng rễ cây.
- Khi cây ra hoa cần phun ngừa một số sâu, bệnh như sâu ăn bông, bệnh khô cháy hoa. Chú ý chỉ phun thuốc trước khi ra hoa nở 5 - 7 ngày. Không nên phun thuốc trừ sâu, bệnh khi hoa đang nở sẽ làm rụng hoa.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý: Do sau khi xử lý thuốc đầu rễ của cây đã bị chết, nên khả năng hút chất dinh dưỡng cho cây, nuôi trái kém đi. Để trái được cây nuôi dưỡng tốt cần phải tạo thuận lợi cho ra rễ mới bằng cách tưới vào vùng tán cây đã tưới thuốc chất kích thích ra rễ các loại phân hữu cơ khoáng.
Các nhà khoa học cũng lưu ý, cây nhãn với đặc tính ra hai cơi đọt mới ra hoa, vì vậy, nhà vườn có thể bón thêm một lần phân gốc khi cơi đọt 1 đã già, cơi đọt 2 chuẩn bị nhú.
Cụ thể, để dưỡng đọt, bà con nên bổ sung thêm các loại phân bón lá có tác dụng kích phát đọt như 30-30-30 +TE, phân amino acid… nhằm giúp đọt phát triển mạnh và cân đối, nhanh bước vào thời kỳ ra hoa.
Để kích thích cây phân hóa mầm hoa và ra hoa tốt, bà con cần bón phân gốc với tỷ lệ lân và kali cao, đạm thấp vào thời điểm cơi đọt 2 chuyển già. Đồng thời cần xiết nước để hạn chế phát đọt mới và phun bổ sung phân bón lá có hàm lượng lân cao như 6-30-30 +TE và phân có vi lượng Bo cao để kích thích phân hóa tạo mầm hoa và kích thích hạt phấn phát triển.
Sau đậu trái khoảng 1 tuần cần phun phân bón lá có hàm lượng Bo cao để chống rụng trái non. Sau đậu trái khoảng 1 tháng cần bón phân NPK Đầu Trâu 16-16-16 hoặc Đầu Trâu AT3 để dưỡng trái. Việc bón phân gốc cần định kỳ 1,5 - 2 tháng/lần cho đến trước thu hoạch 1 tháng. Trong thời kỳ cây mang trái cần phun bổ sung các loại phân bó có đạm và kali cao như 10-5-45 và các loại phân có hàm lượng canxi cao nhằm giúp trái lớn đều, chống nứt, nám, thối trái.
Cây nhãn Ido thường đậu trái rất sai, cần tiến hành tỉa bớt trái ở thời điểm 1 tháng sau đậu trái. Các chùm trái được tỉa bỏ bao gồm các chùm trên các cành nhỏ khuất trong tán, chùm trỗ trước hoặc sau lứa rộ, chùm ở đỉnh ngọn. Số trái chừa lại ở nhãn 3 năm tuổi khoảng 25 kg trái/cây.
Ngoài tỉa bỏ các chùm trái ở vị trí xấu, còn tỉa bỏ các trái đèo trên chùm hoặc tỉa bớt trái trên các chùm quá sai để đảm bảo độ lớn và đồng đều của trái đạt tiêu chuẩn thị trường yêu cầu. Đồng thời cũng cần chằng chống, nhất là vào mùa mưa để tránh cây bị gãy cành, đảm bảo năng suất.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao