Liên kết tiêu thụ hàng hóa - Đầu ra bền vững cho nông sản
Theo Sở Công thương tỉnh Long An, Long An là địa phương sản xuất hàng hóa lớn nhưng hầu hết nông sản đều tiêu thụ thông qua thương lái nên không tránh khỏi cảnh được mùa - rớt giá.
Nuôi heo theo tiêu chuẩn sạch, an toàn ở Long An. Ảnh: MAI HƯƠNG
Từ sự thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TPHCM, Long An xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản với các nhà phân phối lớn: Satra, Saigon Co.op và nhiều đơn vị khác, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân.
Hàng hóa dồi dào
Long An vốn là vùng đất trù phú, thích hợp chuyên canh nhiều loại nông sản như thanh long, rau ăn lá, rau gia vị, khoai mỡ, lúa và các giống vật nuôi như bò, heo, gà, vịt. Ngành nông nghiệp tỉnh bước đầu hình thành và hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung tại các địa phương: thanh long (huyện Châu Thành, Tân Trụ và TP Tân An), chanh (huyện Bến Lức, Thạnh Hóa), rau ăn lá (huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa)... Theo thống kê của ngành nông nghiệp, bình quân hàng năm, nông dân tại Long An sản xuất trên 180.000 tấn rau, 300.000 tấn hoa quả, sản lượng thịt hơi các loại trên 72.000 tấn, 160 triệu quả trứng gia cầm…
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương Long An, cho biết: “Qua các lần xúc tiến thương mại nông sản, năm 2016, có 10 hợp đồng được ký kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ nông sản và các hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, THT). Lượng nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng chưa nhiều so với thực tế nhưng bước đầu rất khả quan, nông dân phấn khởi tăng gia sản xuất. Hiện nay, ngành công thương cùng với ngành nông nghiệp tiếp tục xúc tiến thương mại đã mở lối ra bền vững cho nông sản. Chuỗi sản xuất của HTX sản xuất kinh doanh rau củ quả an toàn Tân Hiệp có vùng nguyên liệu tại các xã Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Đức Hòa Thượng (huyện Đức Hòa), có diện tích 5ha, được cấp chứng nhận VietGAP trên tổng diện tích sản xuất gần 9ha.
Đại diện HTX, bà Nguyễn Thị Thơm, cho biết: “HTX nhận được sự hỗ trợ, kết nối của các ngành chức năng với các doanh nghiệp đầu mối thu mua: Saigon Co.op, Công ty TNHH Aeon Việt Nam. Hàng ngày, HTX cung cấp cho các đơn vị đầu mối thu mua khoảng 1,5 tấn rau củ quả: sả, lá giang, mướp, đậu que, đậu bắp, bầu, bí xanh, đậu phộng...”.
Hiện tại, hầu hết sản phẩm cung cấp cho các đơn vị đầu mối được HTX sơ chế, đóng gói tại ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ. Nhà sơ chế đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Bà Thơm cũng cho biết thêm: “Ngoài tiêu thụ sản phẩm thông qua các doanh nghiệp đầu mối, thời gian qua, HTX còn được tham gia giới thiệu và bán rau củ quả tại phiên chợ nông sản an toàn trong khu vực công viên Hồ Kỳ Hòa (TPHCM) nên tiếp cận được thêm các đầu mối tiêu thụ nông sản. Từ đó, nguồn hàng cung cấp có lúc gần như không thể đáp ứng hết nhu cầu. Do vậy, hiện tại, HTX tiếp tục mở rộng gần 7ha sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP”.
Sản phẩm đạt chuẩn an toàn là giấy thông hành
Thời gian qua, các sở, ngành địa phương ở Long An đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị bàn về giải pháp tiêu thụ nông sản hàng hóa chủ lực. Tại các cuộc hội nghị, hội thảo đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp lớn như Saigon Co.op, Satra và vấn đề được tập trung bàn luận vẫn là sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, an toàn thực phẩm, đây là giấy thông hành tốt nhất để tiêu thụ”.
Điển hình như sản phẩm của HTX Thanh long Long Trì (Châu Thành) thời gian qua, sản xuất theo chương trình VietGAP với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Võ Mai (Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam), bước đầu được tiêu thụ khá tốt. Hiện tại, HTX tiêu thụ thanh long qua hệ thống siêu thị tại TPHCM, khoảng 60 cửa hàng bán lẻ tại TPHCM và các tỉnh, thành khác. Từ đó, các xã viên cũng như thành viên liên kết có thu nhập khá ổn định.
Tháng 4 vừa qua, Sở Công thương Long An phối hợp UBND huyện Bến Lức tổ chức Hội thảo Kết nối giao thương và tiêu thụ sản phẩm chanh không hạt. Qua hội thảo liên kết này, có 9 biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác cung ứng tiêu thụ chanh không hạt giữa 4 doanh nghiệp và các HTX, cơ sở thu mua và nông dân. Nhờ vậy, gần 4.800ha trồng chanh trên địa bàn huyện đã được tiêu thụ kịp thời.
Đối với mặt hàng thịt heo, trước áp lực đàn heo thịt quá nhiều, vượt nhu cầu của các đầu mối tiêu thụ khiến người chăn nuôi điêu đứng, thua lỗ, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan vừa có cuộc xúc tiến tiêu thụ đàn heo của tỉnh với Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan).
Tại cuộc làm việc, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan Nguyễn Đăng Phú cho biết, mỗi ngày Vissan tiêu thụ 1.500 con heo. Để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi heo thịt, Vissan có thể tiêu thụ thêm tối đa 200 con heo/ngày của Long An, nhưng đó phải là heo đạt tiêu chuẩn VietGAP, nằm trong Dự án Lifsap, phải gắn vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Phú, với nhu cầu phát triển trong năm 2017, sản lượng heo tiêu thụ mỗi ngày của Vissan lên đến 2.000 con và sẽ tăng thêm 35% vào các năm tiếp theo. Đồng thời với việc đưa vào hoạt động cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Bến Lức vào cuối năm 2018 thì việc tiêu thụ thịt heo cho địa phương sẽ cao hơn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho Long An là cần quy hoạch lại quy trình sản xuất của nông dân, sản xuất sản phẩm đạt chuẩn VietGAP hoặc cao hơn để có thể cung ứng nguồn heo chất lượng cho Vissan. Việc làm này của các đơn vị đầu mối thu mua như một thông điệp gửi đến nông dân rằng, nếu kiên trì thực hành sản xuất nông nghiệp theo đúng quy trình an toàn thì sẽ có đầu ra, có giá bán tốt.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao