Lúa Nhị Ưu 838 Bị Lẫn Giống
Trong những ngày qua, hàng trăm hộ dân ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, Bình Định) xôn xao chuyện giống lúa Nhị ưu 838 sản xuất vụ thu 2011 tại địa phương bị lẫn giống. Chúng tôi đã có cuộc khảo sát tìm nguyên nhân.
Theo chân anh Huỳnh Xuân Mỹ - Phó Chủ nhiệm HTXNN Ân Tường I, chúng tôi đến các cánh đồng: Mường Cát, Khổng Lồ, Đồng Đầy và Đồng Lớn của xã Ân Tường Tây. Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Phú Khương (xã Ân Tường Tây) phản ánh: Vụ thu 2011, gia đình bà có 3 sào đất được huyện hỗ trợ giống Nhị ưu 838 để sản xuất. Đến thời điển này (sau gieo sạ 80- 85 ngày), giống Nhị ưu 838 đang trổ bông. Nhưng trước đó, khoảng 65 ngày sau sạ đã có 5-10% lúa trổ khác giống Nhị ưu 838. Bà Quách Thị Reo (56 tuổi) ở thôn Phú Khương, sản xuất 3 sào giống Nhị ưu 838 cũng phản ánh như bà Lan và còn cho biết lúa bị lép. Hiện ruộng lúa của bà đang giai đoạn trổ nhưng thiếu nước hơn 1 tuần qua.
Ông Nguyễn Hữu Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây cho biết, được sự hỗ trợ giá giống 35% của tỉnh và huyện, vụ thu 2011 toàn xã gieo sạ 122,4 ha giống lúa Nhị ưu 838 (do xã nhận từ Trung tâm Giống cây trồng Bình Định), gần 300 hộ nông dân tại 2 thôn Phú Khương và Hà Tây thực hiện mô hình. Hiện có khoảng 60% diện tích trên bị lẫn giống từ 5-10%. Xã đã báo cáo, đề nghị ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, có hướng giải quyết cho bà con nông dân. Ông Quốc cũng cho biết hiện có khoảng 53 ha lúa Nhị ưu 838 trong mô hình bị thiếu nước do hồ đập cạn kiệt, địa phương đang triển khai chống hạn.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Phong - Phó Tổng giám đốc Cty CP Giống cây trồng miền Nam (đơn vị sản xuất và cung ứng giống Nhị ưu 838 cho tỉnh Bình Định) cho biết: “Ngay khi có thông tin về tình trạng lúa lẫn ở xã Ân Tường Tây, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định và các chuyên gia cây lương thực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ để khảo sát các vùng có sử dụng lúa lai Nhị ưu 838 do Cty cung ứng để tìm nguyên nhân. Giống lúa Nhị ưu 838 do Công ty chúng tôi sản xuất liên ruộng, có sự cách ly tốt và ở vùng sản xuất không có các giống chủ lực là các giống phát hiện lẫn trên đồng ruộng ở An Tường Tây, hơn nữa nếu có sự lẫn giống lúa khác thì nông dân rất dễ phân biệt ngay khi mở bao bì ra xem vì hình dạng giống lúa Nhị ưu rất đặc trưng”.
Ngày 9/8, Sở NN-PTNT Bình Định đã tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình phản ánh giống lẫn tạp và bàn biện pháp chống hạn. Tham dự có lãnh đạo, cán bộ Sở; Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ; Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh; Trung tâm Giống cây trồng Bình Định; Phòng NN- PTNT huyện Hoài Ân; đại diện địa phương xã Ân Tường Tây…
TS. Lại Đình Hoè - Viện phó Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ nhận định, đầu vụ thu năm nay tại Bình Định bị hạn, thiếu nước. Nông dân không có đủ nước để ngâm ruộng, cày ải, nên hạt lúa của vụ đông xuân trước rơi rớt lại gây nên lẫn nền. “Việc lẫn tạp trên ruộng sản xuất lúa giống Nhị ưu 838 tại xã Ân Tường Tây là do lẫn nền, có thể không phải do giống” - TS. Hoè nhận định.
Hiện nay, giống lúa Nhị ưu 838 đang giai đoạn trổ nhưng nhiều diện tích lúa bị thiếu nước nghiêm trọng nên việc tập trung chống hạn, cung cấp đủ nước là rất quan trọng để lúa có thể phát triển tốt và cho năng suất cao. |
Ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Bình Định cho biết, thực hiện kế hoạch của Sở NN-PTNT, vụ thu 2011 Trung tâm hợp đồng cung ứng 43,8 tấn lúa giống Nhị ưu 838 cho 7 huyện trong tỉnh, diện tích gieo sạ giống lúa này khoảng 1.000 ha. Các xã trong các huyện khác không có phản ánh gì về chất lượng giống Nhị ưu 838.
Ông Hồ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của địa phương, ngày 7/8 Sở đã tổ chức đoàn xuống tại ruộng của 3 xã trong huyện Hoài Ân để kiểm tra. Thực tế cho thấy trên đồng ruộng có lẫn tạp, nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến năng suất. Trong đó lẫn nền do lúa của các vụ trước là chủ yếu, thứ 2 là lẫn do cơ giới; còn lẫn do giống Nhị ưu 838 hay không còn phải chờ kết quả kiểm nghiệm.
Sở đề nghị Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng Bình Định lấy mẫu giống Nhị ưu 838 (đã lưu giữ trước đây) gửi ra Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng miền Trung - Tây Nguyên để kiểm nghiệm, khi nào có kết quả sẽ trả lời địa phương.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao