Tin nông nghiệp Mía trẻ lâu nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật

Mía trẻ lâu nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật

Author Đoàn Thư, publish date Thursday. May 17th, 2018

Mía trẻ lâu nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật

Thu hoạch mía nguyên liệu xong, người trồng mía ở các địa phương đã bắt tay ngay vào chăm sóc mía lưu gốc, tiến hành trồng lại, trồng mới diện tích mía nhằm ổn định vùng mía nguyên liệu.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, thôn 3, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang)

Gắn bó với cây mía chục năm, ông Nguyễn Văn Thắng, thôn 3, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đã có nhiều kinh nghiệm chăm sóc mía lưu gốc. Ông Thắng cho biết, ngay khi thu hoạch xong là vệ sinh ruộng đốt sạch lá, cỏ tạp, sau đó cày móc hai bên luống mía. Cày móc sẽ làm đứt bớt rễ cũ, kích thích gốc mía phát triển rễ mới, thúc mía nảy mầm, làm đất tơi xốp, thoáng khí. Khi mía lên mầm 20 cm đến 40 cm tiến hành bón phân và vun kịp thời tránh thất thoát do bay hơi hoặc bị trôi khi gặp mưa. 

Theo ông Thắng, chăm sóc mía lưu gốc đúng kỹ thuật gốc mía trẻ lâu từ 2 đến 3 năm, ít sâu, bệnh hại từ đó giảm chi phí đầu tư do không phải trồng lại nên tiết kiệm được tiền làm đất, tiền mua giống, tiền thuê nhân công trồng. Hơn nữa, chăm sóc mía lưu gốc tốt, năng suất và sản lượng mía sẽ cao hơn nhiều so với mía mới trồng năm đầu, bởi 1 khóm mía lưu gốc thường mọc thành bụi, số cây trong hàng nhiều. Niên vụ 2017-2018, với gần 2 ha mía gia đình ông Thắng thu được trên 120 tấn, tăng hơn 20 tấn so với mía thu hoạch năm đầu.  

Cũng như ông Thắng, gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên cùng thôn 3, xã Đội Cấn vừa nhận hỗ trợ 1,8 tấn phân bón từ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương. Ông đã huy động nhân lực để bón ngay cho hơn 1 ha mía mới trồng. Ông Tuyên cho biết: Chăm sóc sớm, mía sẽ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng ngay từ ban đầu, do đó mầm mía sẽ mập, vươn dóng nhanh, thân to đều từ gốc đến ngọn, ít đổ ngã khi gặp mưa, gió. 

Tại các vùng nguyên liệu mía Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn bà con cũng đang tập trung chăm sóc mía non. Ông Nguyễn Mạnh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có trên 10.600 ha mía nguyên liệu, trong đó, có trên 9.000 ha mía lưu gốc; còn lại diện tích trồng mới, trồng lại. Bảo đảm cho cây mía phát triển tốt, nâng cao năng suất, sản lượng mía nguyên liệu, chi cục chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với cán bộ nông vụ của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương hướng dẫn bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi có mưa tập trung dặm lại khoảnh mía chết, chăm sóc sớm đối với diện tích mía lưu gốc; trồng mới, trồng lại diện tích mía đã già cỗi năng suất thấp. Ông Tú khẳng định, chăm sóc sớm, đúng quy trình kỹ thuật đối với mía lưu gốc sẽ giúp mía trẻ lâu, giảm chi phí đầu tư từ 3 - 5 triệu đồng/ha do không phải đầu tư trồng lại hơn nữa ổn định được năng suất, sản lượng mía nguyên liệu đáp ứng công nghiệp chế biến.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó trưởng Phòng nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, Công ty đang thực hiện cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người trồng mía có nhu cầu trên địa bàn toàn tỉnh, với định mức từ 2 đến 4 tấn phân bón/ha tùy theo thổ nhưỡng từng vùng. Công ty cũng yêu cầu cán bộ nông vụ giám sát chặt chẽ việc bón phân theo đúng định mức, tránh tình trạng người trồng mía nhận phân về không bón cho mía lại bón cho cây trồng khác, gây lãng phí, thiệt hại cho doanh nghiệp. 

Kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích mía nguyên liệu của tỉnh đang phát triển tốt, tuy nhiên thời điểm này thời tiết có mưa, độ ẩm không khí cao là điều kiện cho bọ trĩ, bọ hung đen, sâu đục thân, bệnh trắng lá… phát sinh gây hại. Do vậy, bà con cần theo dõi, có biện pháp phòng trừ kịp thời, tạo điều kiện cho mía phát triển tốt, vươn dóng nhanh.


Phòng trừ bệnh vàng lá trên lúa xuân sau mưa đá Phòng trừ bệnh vàng lá trên lúa xuân… Thu lãi hơn 300 triệu đồng từ nuôi gà nhốt chuồng Thu lãi hơn 300 triệu đồng từ nuôi…