Tin nông nghiệp Phòng trừ bệnh vàng lá trên lúa xuân sau mưa đá

Phòng trừ bệnh vàng lá trên lúa xuân sau mưa đá

Author Đoàn Thư, publish date Thursday. May 17th, 2018

Phòng trừ bệnh vàng lá trên lúa xuân sau mưa đá

Bệnh vàng lá (hay còn gọi là đốm sọc vi khuẩn) đang phát sinh phát triển và lan rộng trên nhiều diện tích lúa xuân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo phòng chức năng, địa phương hướng dẫn bà con khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kết quả kiểm tra đồng ruộng cho thấy bệnh vàng lá đang xuất hiện và lan rộng rất nhanh trên lúa xuân. Nguyên nhân là do ngày 8-5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa đá kèm theo giông lốc. Mưa, giông làm dập nát lá lúa, tạo điều kiện để các loại vi khuẩn đang tồn tại trên cây lúa phát sinh. Đối với bệnh vàng lá phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm, nhiệt độ cao, sau các cơn mưa bão… Đặc biệt, hiện nay lúa xuân đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ bông - chín sữa, nếu không thực hiện ngay biện pháp phun trừ nguy cơ giảm năng suất lúa rất có thể xảy ra, bởi sau lá, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào bông gây lép hạt. 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh vàng lá tại xã Kim Phú (Yên Sơn).

Ở xã Hoàng Khai, Kim Phú (Yên Sơn), nhiều diện tích lúa xuân đang thời kỳ trỗ cờ đã bị bệnh vàng lá.  Bà Trần Thị Hoàn, thôn 14, xã Kim Phú cho biết, lúa của gia đình đang trổ cờ vậy mà sau 1 đêm mưa giông, lá lúa đã chuyển sang màu vàng. Hiện tượng này lan rất nhanh, sáng lá lúa mới chỉ bị ở phần đuôi nhưng đến chiều đã lan hết cả lá. Theo bà Hoàn, lúa đã trỗ chỉ còn nửa tháng nữa là được thu hoạch mà bệnh xuất hiện diện rộng khiến bà rất lo lắng.  

Tại xã  Vĩnh Lợi, Cấp Tiến (Sơn Dương); Thái Hòa, Thái Sơn, Đức Ninh (Hàm Yên)... hiện tượng vàng lá do vi khuẩn cũng đã xuất hiện gây hoang mang cho bà con nông dân. Theo ông Nguyễn Văn Lực, xã Cấp Tiến thì ông chưa từng gặp hiện tượng vi khuẩn gây hại nhanh trên cây lúa như vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn bệnh đã lan ra cả cánh đồng.  

Phòng ngừa hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh vàng lá gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, thành phố phân công cán bộ “canh đồng” bám sát cơ sở nơi có diện tích lúa bị nhiễm bệnh; tăng cường điều tra, theo dõi tình hình phát sinh, gây hại của bệnh để dự tính, dự báo và hướng dẫn bà con thực hiện khẩn trương các biện pháp phòng trừ để bảo vệ năng suất, sản lượng lúa bởi chỉ còn hơn 20 ngày nữa lúa xuân sẽ được thu hoạch. 

Bà Trần Thị Lịch, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định, khoanh vùng, phòng và trừ bệnh vàng lá hiệu quả bà con phải thực hiện bón phân cân đối đạm, lân, kali, không bón thừa đạm giai đoạn lúa làm đòng. Khi ruộng bị bệnh yêu cầu ngừng bón phân hóa học, các chất kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá; giữ mức nước trên ruộng ổn định từ 2-3 cm. Sử dụng một trong các loại thuốc Sasa 20 WP, Staner 20 WP,  Exin 4,5 HP, Sasumi 70 WP, Hỏa tiễn 50 SP, An-ti-xo 200 WP ... và các thuốc khác có cùng hoạt chất đã được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Những ruộng bị bệnh nặng cần phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5 đến 7 ngày; phun thuốc đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng.

Cùng với bệnh vàng lá, bà con cần chú ý các đối tượng gây hại khác như: Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 3, đạo ôn cổ bông, chuột hại... để bảo đảm năng suất, sản lượng lúa.


Làm giàu từ rau màu Làm giàu từ rau màu Mía trẻ lâu nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật Mía trẻ lâu nhờ chăm sóc đúng kỹ…