Tin nông nghiệp Mô hình trồng cây dược liệu ở Hòa Bình

Mô hình trồng cây dược liệu ở Hòa Bình

Author Ngọ Đình Tâm, publish date Tuesday. April 10th, 2018

Mô hình trồng cây dược liệu ở Hòa Bình

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã đưa vào trồng thử nghiệm cây dược liệu quý như ba kích, huyết đằng, đinh lăng… 

Cây Xạ đen có giá trị kinh tế cao, thích nghi với điều kiện ở Hòa Bình

Đây là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Từ năm 2015, huyện triển khai dự án KHCN cấp tỉnh “Trồng thử nghiệm một số loại dược liệu” trên diện tích 5.400m2 tại thôn Đồng Huống, xã Liên Hòa với 10 loại cây: Hồng sâm, Đẳng sâm, Đương quy, Đinh lăng, Xạ đen, Hoài sơn, Huyết đằng, Hà thủ ô, Ba kích tím và Đơn lá đỏ.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, kết quả bước đầu có 7 cây dược liệu được đánh giá là thích nghi với điều kiện tự nhiên tại vùng trồng, sinh trưởng và phát triển tốt là: Đinh lăng, Xạ đen, Hoài sơn, Huyết đằng, Hà thủ ô, Ba kích tím và Đơn lá đỏ. Tỷ lệ sống trung bình đạt từ 78% trở lên.

Về đánh giá phân tích biệt dược, 7 loại cây dược liệu trồng trên địa bàn xã Liên Hòa đều được Viện Dược liệu đánh giá đạt theo tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, 7 loại cây trồng này đều có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây Ba kích tím có giá trị kinh tế cao nhất. Theo tính toán người dân trồng thử nghiệm, Ba kích tím có năng suất khô ước đạt 9,58 tấn/ha. Với giá bán hiện nay trên thị trường là 130.000 đồng/kg khô thì doanh thu từ loài cây này là 1.245.270.000 đồng/ha, một con số không hề nhỏ cho nhà nông.

Không hề kém Ba kích tím, cây Đinh lăng cũng đem lại nguồn thu mà nhiều người nông dân mơ ước. Với năng suất khô ước tính là 5,95 tấn/ha, giá bán 108.000 đồng/kg khô thì doanh thu  ước đạt 642.816.000 đồng/ha.

Còn đối với cây Hà thủ ô đỏ, 1ha dễ dàng mang về cho bà con hơn nửa tỷ đồng. So sánh với trồng lúa, ngô (lợi nhuận trung bình năm 40 triệu đồng/ha/năm) thì “dại gì” không trồng cây dược liệu.

Các hộ dân tham gia mô hình chia sẻ: Do đây là mô hình mới nên ban đầu gặp khó khăn trong khâu trồng và chăm sóc. Nhưng được sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật của cán bộ Phòng NN-PTNT huyện nên cây dược liệu phát triển tương đối tốt. 

Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các hộ tham gia mô hình chăm sóc tới khi được thu hoạch; tiến tới nhân rộng diện tích trồng, với mục đích nhằm bảo tồn các nguồn gen quý, dần hình thành các vùng SX hàng hóa...


Chuyên gia Nhật hiến kế để nông dân tăng thu nhập Chuyên gia Nhật hiến kế để nông dân… Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, nâng giá trị nông sản Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao,…