Một số lưu ý khi canh tác khoai lang trong điều kiện hạn, mặn
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt hạn hán khốc liệt và nguy cơ xâm nhập mặn xảy ra, người canh tác khoai lang cần phải nắm vững một số giải pháp để chủ động ứng phó nhằm hạn chế, khắc phục ảnh hưởng của tình hình khô hạn đối với cây trồng, giúp khoai lang sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thời tiết hạn, mặn.
Mô hình tưới phun trên cây khoai lang ở xã Tân Hưng, huyện Bình Tân
* Đối với điều kiện khô hạn:
- Bước vào giai đoạn cao điểm khô hạn thì nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất thường xuyên thiếu hụt. Để chống nóng cho khoai lang cần phải đảm bảo độ ẩm cho đất để cây trồng phát triển ổn định. Ngoài việc sử dụng vòi tưới, hiện nay một số hộ nông dân đã lắp đặt hệ thống vòi phun tự động ngay tại ruộng, giúp bà con đỡ công tưới nước, chăm sóc, tiết kiệm nguồn nước tưới trong điều kiện khô hạn kéo dài.
- Bên cạnh đó, khi trồng khoai lang cần phải xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng thuận lợi để có thêm nhiều nước tưới cho cây trồng mùa nắng nóng. Đồng thời, tranh thủ những con nước “rong” để lấy nước vào ruộng dự trữ để tưới dần cho ruộng khoai lang.
* Đối với điều kiện có xâm nhập mặn xảy ra:
Hiện nay tại các xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long như Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, Mang Thít đều đã xảy ra tình trạng xâm nhập mặn. Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân thì nước mặn chưa xâm nhập đến địa bàn của huyện. Tuy nhiên với tình hình thực tế và nắng hạn kéo dài thì khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn có thể xảy ra.
Theo GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ - Trường Đại Học Cần Thơ, tác hại của mặn trên cây trồng có thể được xếp vào 3 nhóm chính: cây trồng không hút được nước; cây trồng không hấp thụ được dưỡng chất; cây trồng bị ngộ độc. Vì vậy, để hạn chế tác động của xâm nhập mặn đến cây khoai lang cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Giúp cây khoai lang có được nước ngọt bằng cách theo dõi thủy triều để lấy nước ngọt dự trữ vào ruộng để tưới: Tranh thủ những thời điểm con nước kém (khoảng mùng 9 -10 và 24-25 âm lịch hàng tháng), người trồng khoai cần đón lúc “nước ròng” để lấy nước ngọt, vì lúc này nước biển xuống thấp nhất đó là cơ hội để nước ngọt trong sông đẩy mặn lùi xa ra biển. Bên cạnh đó, trước khi lấy nước dự trữ vào ruộng nên theo dõi tình hình hạn mặn của đài khí tượng thủy văn và thử đo độ mặn bằng bút đo độ mặn trang bị sẵn của gia đình. Khi đo mặn phải kiểm tra độ chính xác của dụng cụ đo mặn, dùng nước khoáng đóng chai có độ mặn bằng không kiểm tra; Vị trí đo mặn trong kênh rạch phải ở ngay đầu nguồn nước đưa vào ruộng hoặc đo ở vị trí đầu máy bơm nước; Kiểm tra độ mặn thường xuyên trong thời gian lấy nước ngọt vì độ mặn trong sông, rạch luôn thay đổi nhất là thời điểm nước “đứng” chuẩn bị qua con “nước lớn”.
- Khi nước mặn xâm nhập thì đất sẽ bị nhiễm mặn và tình trạng ngộ độc phèn sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn. Cần đo độ pH nước ruộng để chọn loại phân bón cho phù hợp. Nếu trị số pH nước trên 5,5 có thể bón bổ sung các loại phân bón sau đây:
+ Bón phân N: có thể bón phân N dạng SA, Ure 46A+, Ure+Neb26.
+ Bón phân P: có thể bón phân P dạng Super lân, DAP-Avail.
+ Bón phân K: có phể bón K dạng K2SO4 , KCl.
+ Phun phân KNO3 qua lá: Nếu ruộng bị khô không thể bón phân qua rễ được, phải phun KNO3 qua lá (Cục Trồng Trọt và Viện Lúa ĐBSCL) với nồng độ là 10 g/L. Phun ướt đẫm cả 2 mặt lá.
- Khi cây đã bị nhiễm mặn, để giảm nhẹ tác hại của độc chất do mặn gây ra:
+ Vào đầu mỗi vụ trồng khoai lang, nếu đất canh tác bị chua nên bón vôi hay phân Đầu Trâu mặn phèn để cung cấp Ca cho cây trồng đồng thời hạ phèn. Có thể bón CaSO4 (nếu pH của nước ruộng trên 5,5) để cung cấp Ca đồng thời hạn chế tác hại do ion Cl- của muối mặn.
Mô tả đất mặt được bổ sung Ca giúp đất thấm được nước (Ảnh: GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ - Trường Đại Học Cần Thơ)
+ Bón Silic giúp cây ngăn chặn sự hấp thụ Natri đồng thời kích thích cây sản sinh những enzyme có khả năng phân giải những chất oxy hóa mạnh trong cây, làm giảm độc cho cây khi bị mặn.
+ Phun chất điều hòa sinh trưởng thực vật Brassinolide: Hormone Brassinolide giúp cây sản sinh ra những enzyme như catalase, peroxidase, superoxide dismutase (Lê Kiêu Hiếu và ctv. 2019b). Các enzyme này phân giải những chất hay gốc oxy hóa mạnh làm giảm độc cho cây khi bị mặn.
Trạm Khuyến nông Bình Tân, Vĩnh Long
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao