Tin nông nghiệp Ngăn chặn mọi hành vi kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Ngăn chặn mọi hành vi kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Author VĂN ĐUM, publish date Friday. June 17th, 2016

Ngăn chặn mọi hành vi kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Ông Võ Thành Tiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh: “Thời gian qua, việc quản lý, kiểm soát đối với các loại rau quả và nguồn thịt được tăng cường nhiều hơn.

Đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai công tác quản lý đối với mặt hàng rau thịt, củ quả: Thực hiện kiểm tra, kiểm soát điều kiện vệ sinh thú y, kiểm tra dư lượng chất độc hại, chất cấm... đối với các sản phẩm thịt; kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các loại rau, củ, quả... Kết quả vẫn chưa phát hiện có dư lượng chất cấm”.

Ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về kinh doanh buôn bán trong môi trường an toàn thực phẩm.

Bằng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thực phẩm an toàn. Một thay đổi rất đáng được ghi nhận là việc lựa chọn những nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc kinh doanh, buôn bán đã được nhiều tiểu thương quan tâm hơn.

Bà Trương Thị Đẹp, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt heo tại chợ nông sản Khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời: “Tại huyện không có cơ quan kiểm tra vệ sinh thú y, nên các tiểu thương ở đây mặc dù mua heo từ người dân về làm và chia nhau bán, nhưng cũng phải chọn heo hoàn toàn khỏe mạnh, từ 80 - 90kg trở lên, heo không bị bơm nước... thịt đảm bảo an toàn chất lượng”.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Phương, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng rau, củ, quả tại chợ này, chia sẻ: “Nguồn rau, củ, quả mùa này tại địa phương không đủ để đáp ứng nhu cầu nên phải nhập từ các tỉnh khác, nhưng khi lấy hàng tôi luôn tìm hiểu rõ xuất xứ, hàng hóa chất lượng hay không. Ở đây, chúng tôi chủ yếu lấy hàng từ Đà Lạt, tuy giá cả có cao hơn so với các vùng khác, nhưng chất lượng đảm bảo và người tiêu dùng cũng an tâm hơn về vấn đề VSATTP”.

Rau, thịt là những loại thực phẩm chủ lực và phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên, thực phẩm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ: Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt; nhiễm vi sinh trên rau thịt, sản phẩm rau thịt không đảm bảo an toàn thực phẩm… có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, gây ra các bệnh đường ruột, các bệnh mãn tính ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP thì trong công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể là nguồn nguyên liệu thực phẩm rau, thịt các loại tại địa phương rất ít, chủ yếu theo quy mô gia đình, chưa quy hoạch được vùng trồng rau sạch và do không được trồng trọt, chăn nuôi tập trung, do đó công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, các cơ sở kinh doanh các mặt hàng rau củ quả và trái cây các loại chưa có quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, do đó chất lượng của hàng hóa chỉ được kiểm soát bằng cảm quan. Toàn tỉnh chỉ có 5/9 huyện, thành phố có cơ sở giết mổ gia súc gia cầm.

Trong số 5 cơ sở đang hoạt động này thì trên một nửa đã bị xuống cấp về cơ sở vật chất. Từ đó, sản phẩm thịt sau sơ chế không đảm bảo. Thực tế, tại các chợ trung tâm, vẫn còn khoảng 30% cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát thú y...

Với mục tiêu nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, người quản lý, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác đảm bảo VSATTP đối với rau, thịt; cùng với cả nước, Cà Mau đã phát động tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2016 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường, sản xuất, kinh doanh rau, thịt an toàn”.

Bác sĩ Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Năm 2016, cần tập trung giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm theo hướng bền vững, quản lý theo hệ thống và tận gốc, bắt đầu từ khâu sản xuất nông sản an toàn đến khâu tạo dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Đồng thời, triển khai thực hiện xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong đó tạo đột phá, chuyển biến rõ rệt trong 4 lĩnh vực chính là chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ, phân bón khác.

Do đó, kế hoạch triển khai tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2016 với chủ đề cụ thể là “Tiếp tục tăng cường, sản xuất, kinh doanh rau, thịt an toàn”. Thông qua tháng hành động này sẽ giải quyết căn bản về việc ngăn chặn mọi hành vi kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, giảm thiểu tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà và thủy sản nuôi”.

Trong năm 2015, công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm được quản lý nghiêm ngặt. Trong năm, ngành Y tế phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra gần 10 ngàn lượt đối với hơn 5.000 cơ sở, phát hiện hơn 2.000 lượt cơ sở vi phạm. Qua kiểm tra, đoàn công tác đã lập biên bản và xử phạt hành chính đối với 75 cơ sở, số tiền trên 200 triệu đồng.


Thu hàng trăm triệu từ nuôi dơi lấy phân Thu hàng trăm triệu từ nuôi dơi lấy… Trồng dâu nuôi tằm - làm chơi, ăn thật Trồng dâu nuôi tằm - làm chơi, ăn…