Nguy cơ khô hạn
Hàng loạt hồ chứa thiếu nước
Hồ chứa Phú Ninh được xem là công trình thủy lợi trọng yếu, ngoài việc cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân thì còn đảm nhận phục vụ tưới gần 12.000ha đất nông nghiệp.
Thế nhưng, hiện nay mực nước của hồ Phú Ninh đang ở mức thấp, nguy cơ thiếu nguồn cung ứng cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới là rất cao.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lúc chiều tối 18.11, mực nước hồ ở cao trình 27.26m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 4,74m, dung tích hồ thiếu 128,6 triệu mét khối nước.
Cơ quan chuyên môn dự báo, nếu sắp tới nắng nóng vẫn kéo dài, chắc chắn hồ Phú Ninh sẽ thiếu nước tưới cho cây trồng gần như cả vụ hè thu 2016.
Ông Nguyễn Ngọc Châu – Trưởng phòng Quản lý khai thác (Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam) cho biết, tại huyện Núi Thành, hồ chứa Thái Xuân cũng chung tình trạng này.
Bên cạnh việc mỗi vụ đảm trách tưới 517ha đất sản xuất ở thị trấn Núi Thành và các xã Tam Hiệp, Tam Giang, Tam Mỹ Đông, Tam Anh Nam, Tam Mỹ Tây, những năm qua công trình này còn cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt với lưu lượng 318 lít/giây.
Tuy nhiên, hiện tại mực nước của hồ đang ở cao trình 20.63m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 4,67m, dung tích hồ thiếu 5,9 triệu mét khối.
Thời điểm này, nông dân các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình cũng đang lo lắng vì hiện nay mực nước của hồ chứa Việt An mới chỉ ở cao trình 84.50m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 7,56m, dung tích hồ thiếu hụt 12,6 triệu mét khối.
Theo lãnh đạo đơn vị quản lý công trình, rất nhiều khả năng 874ha đất sản xuất nông nghiệp ở 3 địa phương vừa nêu sẽ bị thiếu nước tưới từ cuối vụ đông xuân 2015 - 2016 và cả vụ hè thu 2016.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Năm - Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Duy Xuyên cho hay, hiện nay mực nước của hồ chứa Vĩnh Trinh cũng mới ở cao trình 28.32m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 1,82m, dung tích hồ thiếu 3,7 triệu mét khối.
Ông Năm nói: “Hồ chứa Vĩnh Trinh phục vụ tưới cho 830ha đất lúa và hoa màu trên địa bàn các xã Duy Hòa, Duy Châu, Duy Trinh của huyện Duy Xuyên.
Trong thời gian tới, nếu không có lượng mưa bổ sung thì nguy cơ số diện tích này bị thiếu nước từ giữa đến cuối vụ hè thu 2016 là rất lớn”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hải – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, mùa mưa lũ năm 2015 này lượng mưa tại các hồ chứa do công ty quản lý chỉ đạt khoảng 30 - 50% so với mức trung bình nhiều năm.
Chính vì thế, trong tổng số 17 hồ chứa thuộc sự quản lý, vận hành, khai thác của đơn vị thì hiện nay mới chỉ có 7 hồ có mực nước đạt mực nước dâng bình thường, phổ biến là các hồ có diện tích tưới ở mức trung bình và nhỏ.
Các hồ còn lại có nhiều hồ mực nước còn thấp hơn nhiều so với mực nước dâng bình thường.
Ông Hải nói: “Ngoài các hồ chứa lớn là Phú Ninh, Thái Xuân, Việt An, Vĩnh Trinh thì lúc này dung tích của 4 hồ chứa khác gồm Cây Thông, Phước Hà, Cao Ngạn, Đông Tiển (đảm nhận tưới tổng cộng 1.103ha đất nông nghiệp) cũng đang bị thiếu hụt 0,56 - 4,06 triệu mét khối nước.
Tuy hiện nay hồ chứa Thạch Bàn nước thừa qua tràn nhưng lại thường xuyên thiếu nước tưới vào vụ hè thu nếu không có mưa bổ sung.
Trong khi đó, nhiều khả năng 40ha đất canh tác thuộc khu tưới của hồ chứa Trung Lộc và Hố Giang cũng rất dễ bị thiếu nước”.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo kịch bản, nếu hồ chứa Việt An thiếu nước vào cuối vụ đông xuân thì phải sử dụng máy bơm hút mực nước chết trong lòng hồ để tưới cho cây trồng.
Đồng thời tập trung nạo vét hệ thống kênh mương và dùng máy bơm dầu để đưa nước về những chân ruộng nằm ở vùng cuối kênh.
Đối với hồ Phú Ninh, thực hiện các biện pháp chống hạn cho những khu vực cuối kênh như nạo vét trạm bơm điện An Lạc, trạm bơm điện Quế Phú.
Đặc biệt, sẽ tiến hành lắp đặt, vận hành máy bơm chống hạn ngay từ vụ đông xuân 2015 - 2016 cho kênh N4 thuộc hồ chứa Thạch Bàn tại thôn Thu Bồn Tây của xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên và kênh N1 thuộc hồ chứa Đông Tiển tại đập Châu Long trên địa bàn xã Bình Trị, huyện Thăng Bình.
Trước tình trạng hàng loạt hồ chứa bị thiếu hụt nước, ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị chính quyền các địa phương và những đơn vị liên quan cần gấp rút xây dựng bài bản phương án phòng chống hạn, đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng vùng.
Đồng thời chú trọng kiểm tra, tu bổ các hồ đập, hệ thống kênh mương và những công trình thủy lợi trọng yếu.
Còn ông Nguyễn Đình Hải thì cho rằng, trước mắt cần tập trung nguồn nước cho sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016 nhưng phải trên tinh thần triệt để tiết kiệm.
Việc bố trí sản xuất lúa nên ưu tiên sử dụng những loại giống trung - ngắn ngày và có khả năng chịu hạn cao.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp các địa phương cần khẩn trương phối hợp với chính quyền cấp cơ sở tiến hành rà soát và tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuyển những chân đất lúa nằm ở khu vực cuối kênh hoặc thường xuyên bị khô hạn nặng sang canh tác các loại cây trồng cạn để giảm mức sử dụng nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Châu, đối với các đơn vị quản lý cấp nước, cần tập trung tu sửa hệ thống công trình, nạo vét kênh mương thông thoáng, triển khai tốt những biện pháp trữ nước và tìm giải pháp chuyển nước một cách tối ưu để hỗ trợ các khu vực thiếu nước.
Đồng thời thực hiện cấp nước tưới tiết kiệm, hạn chế tối đa thất thoát nước qua công trình, kênh mương và áp dụng phương thức tưới nông lộ (tưới xong, khi khô đất mới tưới lại) kết hợp.
Cạnh đó, giảm mức cấp nước trong vụ đông xuân thấp hơn 20% so với trung bình nhiều năm.
Thường xuyên theo dõi biến động nguồn nước để tìm cách điều phối tiết kiệm, hiệu quả.
Thực hiện bơm lách mặn, vận hành khai thác tối đa nguồn nước để đưa vào ruộng.
Đối với các đơn vị nhận nước, ông Châu đề nghị phải sử dụng nước tiết kiệm, tưới ướt - khô xen kẽ.
Tu sửa kênh mương nội đồng để tưới nhanh, giảm tổn thất nước.
Gia cố bờ vùng, bờ thửa, tận dụng tối đa các nguồn nước trong khu vực và lượng nước mưa mỗi đợt.
Tăng cường củng cố đội ngũ thủy nông viên cơ sở cũng như cán bộ điều hành của các đơn vị dùng nước.
Ông Châu nói thêm: “Đối với chính quyền các địa phương, cần quan tâm chỉ đạo, điều hành kế hoạch sản xuất và sử dụng nước tưới một cách chặt chẽ, phù hợp trong điều kiện khó khăn về nguồn nước như hiện nay.
Đặc biệt, huy động cộng đồng tích cực tham gia tiết kiệm nước bằng các biện pháp thiết thực nhất”.
Theo kế hoạch của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, trước thực trạng dung tích nước tại 4 hồ chứa lớn gồm Việt An, Phú Ninh, Thái Xuân, Vĩnh Trinh bị thiếu hụt nghiêm trọng, ngay từ đầu vụ đông xuân 2015 - 2016 lãnh đạo công ty sẽ yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành những công trình vừa nêu giảm 20 - 25% mức tưới so với trung bình nhiều năm.
Còn trong vụ hè thu 2016 thì tùy điều kiện thời tiết và nguồn nước sẽ đưa ra phương án cụ thể.
Đối với 13 hồ chứa còn lại do công ty quản lý, cũng thực hiện tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ đông xuân với mức giảm tưới 15 - 20% so với trung bình nhiều năm để chủ động đối phó với nguy cơ nắng hạn khốc liệt trong năm 2016.
Hồ thủy điện khó đảm bảo nước tưới
Ông Trương Xuân Tý – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có 4 hồ chứa thủy điện có nguồn nước ảnh hưởng đến sản xuất vùng hạ du, gồm Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4, Đắk Mi 4.
Thế nhưng, hiện dung tích trữ tại các hồ chứa thủy điện này mới chỉ đạt 51%, thiếu hụt khoảng 580 triệu mét khối nước so với dung tích hữu ích.
Ông Trương Xuân Tý cho biết: “Với tình hình nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện như hiện nay, nếu không có mưa trên lưu vực thì nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trong thời gian đến.
Ngoài ra, do lượng mưa thiếu hụt so với mức trung bình nhiều năm khiến dòng chảy trên các sông suối bị suy giảm mạnh nên khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các đập dâng ở khu vực trung du và miền núi”.
Ngoài 17 hồ chứa vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý thì hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có 56 hồ chứa nhỏ do chính quyền các địa phương quản lý; trong đó có 34 hồ có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường 1 - 3m.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao