Trồng lúa Nguyên nhân và cách phòng trị bệnh lem lép hạt lúa

Nguyên nhân và cách phòng trị bệnh lem lép hạt lúa

Author Nguyễn Vũ - Nguyễn Thị Hải - Đông Đức, publish date Tuesday. February 8th, 2022

Nguyên nhân và cách phòng trị bệnh lem lép hạt lúa

Bệnh lem lép hạt lúa có thể do vi khuẩn, hoặc do nhện gié, bọ xít hôi chích hút… nhưng chủ yếu vẫn là do nhiều loại nấm gây ra.

Hỏi: Xin cho biết nguyên nhân và cách phòng trị bệnh lem lép hạt lúa?

Trả lời: Bệnh lem lép hạt lúa có thể do vi khuẩn, hoặc do nhện gié, bọ xít hôi chích hút… nhưng chủ yếu vẫn là do nhiều loại nấm gây ra.

Để hạn chế tác hại của căn bệnh này bà con phải áp dụng một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại, sau đây là một số biện pháp chính sau:

- Tuyệt đối không lấy lúa ở những ruộng đã bị bệnh lem lép hạt gây hại nhiều để làm giống cho vụ sau.

- Trước khi ngâm ủ cần phơi khô, quạt sạch lúa giống để loại bỏ hết những hạt bị lép lửng, vì những hạt này mang nhiều mầm bệnh lây nhiễm cho vụ sau.

- Xử lý giống trước khi ngâm ủ bằng một trong những loại thuốc như: Biodazim 500SC, Carbenda supper 50SC, Vicarben 50HP… (pha nồng độ 3/1.000 ngâm giống 24 - 36 giờ, sau đó vớt ra đãi sạch rồi đem ủ bình thường).

- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali để cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe, tuyệt đối không bón quá thừa đạm, đồng thời cũng không được để cây lúa quá thiếu đạm.

- Phòng trừ tốt bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn, vàng lá, đốm nâu, tiêm lửa, vết nâu… trước khi lúa trỗ (nếu có), để hạn chế những loài nấm và vi khuẩn gây ra những căn bệnh này tấn công hạt lúa làm cho hạt lúa bị lem lép.

- Diệt trừ bọ xít hôi, nhện gié (nếu có).

- Để phòng ngừa bệnh, bà con có thể dùng một trong những loại thuốc như Biodazim 500SC, Tilgent 450SC, Amistar top 325SC, Ara-super 350SC, Vixazol 275 SC… phun 2 lần (lần 1 khi lúa bắt đầu trỗ và lần 2 khi lúa vừa trỗ). 

Hỏi: Tại sao phải tiêm sắt cho lợn con? Cách tiêm như thế nào?

Trả lời: Sắt là thành phần quan trọng của máu, có trong hồng cầu và ở các mô bào khác. Lợn con dưới 30 ngày tuổi thiếu sắt vì sữa mẹ không cung cấp đủ. Khi thiếu sắt thì lợn bị thiếu máu, biểu hiện da nhợt nhạt, gầy, vận động yếu, lông xù, đôi khi thở nhanh vì thiếu dưỡng khí. Do vậy phải bổ sung sắt để chống thiếu máu cho lợn con.

Cách tiêm: Tiêm vào cơ bắp cổ của lợn (dưới hốc tai). Lợn nội tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml (100 mg) vào ngày thứ 3 và thứ 10 sau đẻ; lợn lai F1 tiêm 1 lần vào ngày thứ 3 sau đẻ, liều 2ml (200 mg).

Hỏi: Nên tập ăn cho lợn con vào thời điểm nào? Loại thức ăn nào thích hợp cho lợn con? Cách chế biến như thế nào?

Trả lời: Nên tập ăn cho lợn từ 10 - 15 ngày tuổi. Thức ăn cho lợn con phải có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tiêu, ngon miệng và đảm bảo vệ sinh. Nguyên liệu thức ăn là loại tinh bột ít xơ như bột gạo, bột ngô, bột đậu tương, bột cá nhạt… Sau khi nấu chín, để nguội, cho ít một vào máng cho lợn ăn.

Có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn ăn. Nên mua ở các cơ sở sản xuất thức ăn có uy tín (loại này cho ăn thẳng không cần nấu chín).

Hỏi: Tại sao phải cai sữa sớm cho lợn con? Để cai sữa sớm cho lợn con cần phải làm gì?

Trả lời: Cai sữa sớm cho lợn con nhằm tăng số lứa đẻ/nái/năm, giảm thiểu khả năng truyền bệnh từ lợn mẹ sang lợn con và giảm hao mòn lợn mẹ sau cai sửa để lợn mẹ chóng động dục trở lại. Muốn cai sữa sớm cho lợn con phải có thức ăn đầy đủ thành phần dinh dưỡng để lợn con có thể ăn sớm, lúc cai sữa đã ăn thành thạo và lợn mẹ cũng phải có thức ăn đầy đủ thành phần dinh dưỡng để đủ sữa nuôi con phát triển bình thường, khỏe mạnh.

Hỏi: Theo thói quen của chúng tôi khi bón phân cho lúa đẻ nhánh thì chỉ bón đạm riêng lẻ còn kali thì để dành đến khi lúa làm đòng mới bón, như vậy có đảm bảo cân đối? Để hiệu quả cho lúa thì nên bón kali như thế nào?

Trả lời: Cần bón kali trong các lần bón lót, bón thúc cho lúa. Kali làm tăng cường mô cơ giới trong cây nên thân lá cứng chắc, cây sẽ khỏe mạnh và đẻ nhánh nhiều hơn, kháng sâu bệnh tốt hơn.

Kali còn làm tăng tính chống chịu cho cây trước những bất lợi thời tiết, hạn chế đổ ngã, dập nát cho cây, lá lúa khi được bón kali không có màu xanh đậm sẽ không thu hút pha trưởng thành của sâu đến đẻ trứng... Do đó kali là yếu tố thiết yếu cho cây trồng nên cần phải bón cùng với đạm trong lúc thúc đẻ nhánh và các lần bón tiếp theo.

Việc bón kali cả vụ nhiều hay ít là tùy thuộc vào cây trồng trước và chân ruộng cấy lúa. Nếu cây trồng trước là cây lấy củ, quả thì vụ lúa liền kề phải tăng cường kali cao hơn so với chân ruộng trước đó không trồng màu, để ải. Ruộng lúa có hàm lượng sét nhiều thì bón kali thấp hơn so với chân ruộng cát pha, thịt nhẹ. Giống lúa lai, cao sản cần bón nhiều kali hơn so với lúa thuần ngắn ngày...

Lượng kali ở mỗi lần bón cũng khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng kali của cây lúa từng thời điểm: Thông thường thời kì lót và thúc đẻ nhánh lượng kali bằng 1/2 lượng đạm nhưng thời điểm lúa làm đòng cần bón kali gấp đôi thậm chí gấp 3 lần đạm tùy theo đặc điểm lúa lúc đó. Thời kì lúa làm hạt cần bổ sung kali trên bông thông qua phun kali trắng( K2SO4).


Những lưu ý khi canh tác lúa sạ theo khóm bằng máy Những lưu ý khi canh tác lúa sạ… Quản lý bệnh hại lúa ở giai đoạn đòng trổ Quản lý bệnh hại lúa ở giai đoạn…