Nhiều giống lúa triển vọng
Bên cạnh hai giống lúa DQ11, DQ12 được khách mời trong hội thảo chú ý, giống lúa CXT30 đã để lại ấn tượng.
Với nhiều ưu điểm, giống lúa DQ11 được công nhận đặc cách
Trước nhu cầu SX lúa hàng hóa theo hướng thị trường cùng phương pháp canh tác liên tục từ 2 - 3 vụ/năm, nhu cầu tiêu thụ giống của bà con nông dân Bạc Liêu ngày càng cao. Vì vậy, công tác so sánh, chọn lọc, trình diễn, SX thử giống và bước cuối cùng là đánh giá giống đều hết sức cần thiết.
Từ cơ sở trên, Trung tâm Giống Nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu đã tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa năm 2014, nhằm chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan chức năng tỉnh bạn và cùng bà con nông dân đánh giá, chọn ra những giống lúa phù hợp với chất đất của địa phương.
Ông Phan văn Liêm, GĐ Trung tâm GNN-TS Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu có diện tích đất trồng lúa trên 180.000 ha/năm. Nhu cầu lúa giống hằng năm vào khoảng 21,6 ngàn tấn. Trong năm 2014, trung tâm đã triển khai được 335 ha lúa giống, với sản lượng khoảng 1.900 tấn. Chủ yếu là các giống OM5451, OM 4900…
Khả năng cung ứng giống của trung tâm, trạm, trại giống trên địa bàn đáp ứng được 9 - 10%, các đại lý cung ứng thêm khoảng 18 - 20%. Từ nhu cầu của thực tế của người dân, trong năm qua, trung tâm đã trồng thí nghiệm so sánh và cho trình diễn gần 100 giống lúa.
Mục tiêu sẽ chọn ra 4 - 6 giống lúa mới, cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Có 7 giống lúa tham gia thí nghiệm có năng suất cao hơn đối chứng là: OM173, OM340, OM337 (giống đối chứng OM2517, năng suất 5,84 tấn/ha) và OM222, OM304, OM350, OM352 (giống đối chứng OM5451, năng suất 6,11 tấn/ha).
Về trình diễn, có 73 giống lúa đã được đưa ra để khách mời tham gia hội thảo là các chuyên gia, cùng nông dân khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL xem xét đánh giá.
Bên cạnh các giống có tỷ lệ chồi hữu hiệu cao như: NV14, MTL373, GR13…, các khách mời khá bất ngờ với 2 giống lúa thành danh từ miền đất Bắc là DQ11 và DQ12, khi chúng tỏ ra phát triển khá tốt ở vùng đất phèn cực Nam.
Chủ nhân của 2 giống lúa trên là ông Phùng Văn Quang, GĐ Cty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang (Ninh Bình). Trong 3 giống lúa Cty Hồng Quang đưa vào trồng thử nghiệm tại Bạc Liêu thì DQ11, DQ12 tỏ ra phù hợp với điều kiện nơi đây, còn giống QR1 thì kém hơn.
Với số lượng hạt trung bình từ 180 - 210 hạt/bông, thời gian sinh trưởng ngắn, sạ trực tiếp khoảng từ 87 - 90 ngày. Đặc biệt năng suất đạt khá cao, DQ11 đã để lại ấn tượng cho người tham gia hội thảo.
“Năng suất lúa DQ11 trồng tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Định… đạt từ 6,5 - 7 tấn lúa khô/ha. Nếu bà con địa phương mình dùng giống lúa này và thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật sẽ có năng suất không thua kém vùng ngoài Bắc.
Bên cạnh đó, DQ11 còn có những ưu điểm hạt gạo thon dài, không bạc bụng, khi đem nấu cơm giữ được độ dẻo và có vị đậm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu”, ông Phùng Văn Quang cho biết sau khi khảo sát giống lúa của mình trên đồng ruộng của Trung tâm GNN-TS Bạc Liêu.
DQ11 được tiến hành chọn tạo giai đoạn từ năm 2009 - 2013. Kết thúc quá trình khảo nghiệm, cuối năm 2013, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã quyết định công nhận đặc cách DQ11 là giống cây trồng nông nghiệp mới và cho phép SX đại trà.
Ngay sau khi “trình làng”, DQ11 đã chiếm được tình cảm của bà con nông dân và hiện nay đã được phổ biến rộng rãi tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung bộ.
Ông Quang chia sẻ, từ những thành công trên cùng với đặc tính thích ứng rộng, kháng sâu bệnh và nhiều ưu điểm của DQ11 nên ông muốn phát triển giống lúa của mình tại vùng “biển lúa” ĐBSCL. “Kết quả ban đầu đã như tôi mong muốn, hy vọng có một ngày tôi sẽ phổ biến được giống lúa trên đến bà con vùng “vựa lúa”, ông Quang nói.
Bên cạnh hai giống lúa DQ11, DQ12 được khách mời trong hội thảo chú ý, giống lúa CXT30 đã để lại ấn tượng.
CXT30 có kiểu hình đặc trưng thân tía, mỏ hạt tím, lá đứng, thân cứng, to chống đổ ngã tốt, nhiều hạt (trung bình 180 hạt/bông). Với những đặc điểm nổi trội ngắn ngày (phía Nam vụ hè thu 80 - 85 ngày, đông xuân từ 85 - 90 ngày); chống chịu phèn, mặn; năng suất có thể đạt 10 tấn/ha/vụ.
CXT30 đã làm tĩnh nặng không gian buổi hội thảo, trong sự chú ý đặc biệt đến giống lúa này của nhiều nông dân.
ThS Nguyễn Thị Tuyết, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, người đồng chọn tạo CXT30 cho biết: "Với mục đích chọn ra ra giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh, thích ứng rộng chúng tôi đã chọn tạo ra CXT30. Ưu điểm lớn nhất của giống đối với vùng ĐBSCL là cực ngắn ngày, phù hợp với điều kiện gieo sạ chạy lũ ở đa số các tỉnh thành trong vùng.
Năng suất lúa đã được kiểm chứng ở nhiều nơi. Kiên Giang và Cần Thơ đã đạt năng suất trên 10 tấn/ha. Chất lượng gạo được thể hiện khi các Cty gạo xuất khẩu tại Kiên Giang đồng ý thu mua CXT30 cao hơn 300 đồng/kg so với giống lúa khác”.
Trong thời gian tới Trung tâm GNN-TS Bạc Liêu cùng các cơ quan chức năng, các đơn vị trong và ngoài tỉnh sẽ "bắt tay" chặt hơn nữa để liên kết, có thể chọn tạo ra những giống lúa phù hợp, góp phần phát triển thế mạnh cây lúa nước vùng ĐBSCL.
Với những ưu điểm nổi trội nên CXT30 đã nhanh chóng phát triển và chinh phục bà con nhiều tỉnh, thành ĐBSCL như Kiên Giang, Cần Thơ, Tiền Giang…
Năm vừa qua, CXT30 đã “len lỏi” xuống đất mũi Cà Mau. Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau đã cho trình diễn CXT30. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng trại giống lúa của Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau đã củng cố thêm niềm tin của người nông dân vào CXT30 khi phát biểu chia sẻ kinh nghiệm trồng thử.
“Năng suất của CXT30 vượt trội ở vụ đông xuân, bình quân đạt 45 - 50 dạ/công (1 dạ bằng 20 kg). Cà Mau là vùng đất giàu phèn, điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, nhưng CXT 30 với ưu điểm đẻ nhánh mạnh; chống chịu được phèn, mặn; kháng đạo ôn, bạc lá đã thích nghi được điều kiện khó khăn và cho năng suất rất cao. Nhược điểm duy nhất của CXT30 là gạo không thơm”, ông Hải chia sẻ trong hội thảo.
Từ thực tế về chất lượng của giống, CXT30 đã để lại ấn tượng và được Trung tâm GNN-TS Bạc Liêu đưa về. Với thế mạnh về thời gian sinh trưởng, năng suất và nhiều ưu điểm khác, không có lý do gì để nông dân không “say” trước giống lúa này.
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Phan Minh Quang, PGĐ Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết, trong cơ cấu ngành nông nghiệp Bạc Liêu, thủy sản chiếm đến 70%, trồng trọt và chăn nuôi chỉ chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò to lớn của lĩnh vực trồng trọt, mà chủ yếu là cây lúa với diện tích 180 ngàn ha của 60 ngàn hộ dân SX lúa trong tỉnh.
Trước yêu cầu thực tế, người dân cần những giống lúa chất lượng cao, năng suất tốt để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị kinh tế. Những buổi hội thảo như thế này là hết sức thiết thực.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao