Triển vọng từ giống lúa thuần DQ11
Giống lúa thuần DQ11 được Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang tiến hành chọn tạo giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2013. Kết thúc quá trình khảo nghiệm, cuối năm 2013, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định công nhận đặc cách DQ11 là giống cây trồng nông nghiệp mới và cho phép sản xuất đại trà ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ.
Vụ Xuân 2014, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã triển khai xây dựng mô hình trình diễn giống lúa thuần DQ11 ở hầu hết các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ với diện tích gần 2.500 hecta. Kết quả thu được phù hợp với các chỉ số trong hệ thống khảo nghiệm quốc gia. Từ khi đưa DQ11 vào trồng tại một số địa phương như: Ninh Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế cho thấy, giống lúa này chống chịu sâu bệnh tốt, đẻ nhánh khỏe, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ phân bón chỉ bằng 2/3 giống lúa khác; trong khi năng suất lại cao hơn giống khác từ 30 - 40 kg/sào.
* Giống lúa nhiều đặc tính ưu việt
Cách đây hơn 5 năm, nhóm tác giả Phùng Văn Quang và Phạm Thị Dung thuộc Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang bắt đầu việc tạo bộ giống lúa thuần với yêu cầu phải đạt năng suất cao, phù hợp với đồng đất Ninh Bình, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, đáp ứng được công thức luân canh 2 lúa, 1 màu tại địa phương. Năm 2009, công ty bắt đầu tiến hành bước nhân và tuyển chọn giống từ nguồn vật liệu nhập từ Trung Quốc và đến ngày 22/9/2012, giống lúa thuần mới với tên gọi DQ11 chính thức "trình làng".
DQ11 thuộc nhóm giống ngắn ngày, thời gian sinh trưởng từ 120 đến 125 ngày đối với vụ xuân và từ 100 đến 105 ngày đối với vụ mùa. Lúa trỗ tập trung, thoát cổ bông, đạt từ 120 - 180 hạt/bông, hình thức thon nhỏ, màu sắc vàng đậm, năng suất cao hơn giống Bắc Thơm số 7 là 23,13 tạ/ha. Giống DQ11 có thể trồng trên ruộng chân cao hoặc thấp, giúp nhà nông chủ động trong việc tưới tiêu.
Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang cũng đã phối hợp với Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm bảo vệ thực vật huyện Yên Khánh đánh giá kết quả thí điểm mô hình kỹ thuật thâm canh lúa theo phương thức sử dụng "hiệu ứng hàng biên" - tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp. Theo phương thức này, lúa được cấy hàng rộng 30cm và hàng hẹp 14 cm, cây cách cây 12 cm, mật độ trung bình 32 khóm/m2. Kết quả cho thấy kỹ thuật sử dụng hiệu ứng hàng biên có ảnh hưởng rõ rệt tới sự sinh trưởng phát triển của cây lúa DQ11. Khả năng phục hồi và phát triển của cây lúa sau khi cấy so với ruộng đối chứng, cấy theo tập quán cũ nhanh hơn.
Tại ruộng cấy theo phương thức hiệu ứng hàng biên, cây lúa tận dụng được tối đa ánh sáng mặt trời, tăng khả năng quang hợp, tổng hợp được nhiều chất hữu cơ tạo ra sinh khối nên số bông/khóm, số hạt/bông, chiều cao, chiều dài bông, chiều dài lá đòng đều cao hơn so với ruộng đối chứng, năng suất thực thu cao hơn so với ruộng đối chứng trên 30 kg/sào. Đặc biệt, ruộng cấy theo phương thức hiệu ứng hàng biên, sự phát sinh và gây hại của các loại dịch hại giảm thiểu một cách rõ rệt, nhất là bệnh khô vằn và rầy nâu, chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn so với ruộng đối chứng, vì vậy lãi sau đầu tư cao hơn so với đối chứng từ 15-17 triệu đồng/ha.
Ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang cho biết: Kết quả tổng hợp quá trình khảo nghiệm, mô hình trình diễn cho thấy, DQ11 là giống lúa thuần hội tụ nhiều đặc điểm nông học tốt, chất lượng gạo ngon hơn hẳn các giống lúa Khang dân 18, Q5 và gần tương đương với Bắc thơm số 7, HT1 và T10, ít bị các bệnh phổ biến như khô vằn, bạc lá, rầy nâu gây hại. Đặc biệt, giống có tính thích ứng rộng. Tại các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, trong điều kiện vụ mùa gặp mưa bão, tỷ lệ nhiễm bệnh bạc lá ở một số giống lúa khác ngày càng trở nên nghiêm trọng thì DQ11 vẫn giữ được tính ổn định, lá đòng đứng, màu xanh, bản lá rộng vừa phải, nông dân tốn ít chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật.
Việc đưa giống lúa DQ11 vào cơ cấu vụ mùa hàng năm có ý nghĩa quan trọng trong việc bố trí hợp lý trà lúa ngắn ngày, góp phần tạo khung thời vụ tốt nhất để phát triển nhóm cây trồng vụ đông chủ lực ở đồng bằng Bắc Bộ như đậu tương, ngô, khoai tây, lạc, rau, hoa quả khác, giúp người dân tăng giá trị sử dụng trên 1 hecta diện tích đất nông nghiệp.
* Phản hồi tích cực từ cơ sở
Tại hội nghị đầu bờ đánh giá bộ giống lúa có năng suất và chất lượng cao trên địa bàn diễn ra ngày 3/6 tại huyện Yên Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, Bùi Mai Hoa nhận định, việc đưa giống DQ11 và tương lai là DQ12, Hồng Quang 15 của Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang vào sản xuất đại trà có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích gieo trồng, giúp kinh tế các địa phương phát triển bền vững. Cùng với đó, bà con nông dân được tiếp xúc với các giống lúa thuần mới có năng suất, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh để áp dụng vào sản xuất, góp phần thay đổi cơ cấu mùa vụ, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Theo Phó Bí thư Huyện ủy Yên Khánh, Lê Trung Thành, bên cạnh việc hỗ trợ về cơ sở hạ tầng như trạm bơm, kênh, cống điều tiết, giống gốc, vật tư nông nghiệp với định mức 2 triệu đồng/ha/vụ, địa phương còn hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật, chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch hàng vụ, hàng năm để hướng tới mục tiêu hình thành mô hình sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Bước tiếp theo, Yên Khánh đi vào hoạt động ổn định vùng chuyên canh sản xuất, chủ động cung cấp nguồn lúa giống thuần chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận với giá cả phù hợp, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vụ Xuân 2014, hợp tác xã Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đưa DQ11 vào trồng trên 60% diện tích đất nông nghiệp tại địa phương. Đánh giá về hiệu quả của giống lúa này, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm hợp tác xã Hợp Tiến khẳng định, DQ11 thích ứng rộng trên nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều quan trọng nhất là cho năng suất ấn tượng từ 2,3 - 2,4 tạ/sào, vượt trội hơn nhiều so với hai giống lúa đối chứng là LT2 và Bắc thơm số 7 đều chỉ đạt 1,8 tạ/sào nên bà con nông dân rất phấn khởi. Hạt gạo thon dài, không bạc bụng, khi đem nấu cơm giữ được độ dẻo và có vị đậm, bước đầu được thị trường chấp nhận.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện mô hình liên kết "4 nhà" ở cơ sở đã nảy sinh một số bất cập. Mặc dù trước vụ sản xuất, một số doanh nghiệp đã phải đầu tư vốn, vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân, tuy nhiên sau khi thu hoạch, có lúc giá cả thị trường lại "nhỉnh" hơn so với giá thu mua của doanh nghiệp, người nông dân vì lợi trước mắt đã không có ý thức liên kết với doanh nghiệp nên chỉ cung cấp một phần sản phẩm cho các doanh nghiệp thu mua, phần còn lại bán ra thị trường với giá cao để hưởng tiền chênh lệch, trong khi vẫn đang nợ vốn của doanh nghiệp. Chính vì thế, một số doanh nghiệp không mặn mà khi xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn, người nông dân khó mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Phạm Xuân Khoát, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh cho biết, để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong thời gian tới nhà nước cần bổ sung hành lang pháp lý ràng buộc giữa người nông dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hướng dẫn, vận động nông dân thực hiên nghiêm túc hợp đồng đã ký kết kết hợp với việc giám sát, xử lý hành chính nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và nguồn ngân sách đã đầu tư. Việc triển khai chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng cần có sự tham gia của cả "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp, khẳng định vai trò của nhà nước trong việc hoạch định chính sách, chỉ đạo, hỗ trợ và bảo hộ quyền lợi cho các bên. Nhà khoa học chuyển giao những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp để nhà nông áp dụng vào thực tế sản xuất, từ đó tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao để cung cấp cho nhà doanh nghiệp đưa ra thị trường tiêu thụ. Làm được điều này vừa tăng thu nhập cho hộ gia đình, vừa góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao