Tin thủy sản Nhiều lợi ích nhờ nuôi xen ghép

Nhiều lợi ích nhờ nuôi xen ghép

Author Anh Vũ, publish date Thursday. August 20th, 2020

Nhiều lợi ích nhờ nuôi xen ghép

Nhằm tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm dịch bệnh, từ đó giúp giảm rủi ro và tăng hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản; vừa qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Thái Bình và các đơn vị tổ chức Tọa đàm “Phát triển nuôi thủy sản xen ghép đạt hiệu quả cao và bền vững” tại huyện Thái Thụy.

Lợi ích từ nuôi ghép

Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh khá phổ biến 2 mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với cá rô phi và nuôi ghép các đối tượng thủy sản nước ngọt. Với những mô hình này, bà con lưu ý không dùng cùng một loại thức ăn để tránh vật nuôi cạnh tranh lẫn nhau, đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.

Thực tế, người nuôi có thể ghép 3 - 4 loại thủy sản hoặc nuôi xen ghép cá, tôm với nhuyễn thể, điều này tùy theo đối tượng nuôi, nhu cầu thị trường, thói quen chăn nuôi và nhất là trình độ của người nuôi có quản lý được hay không. Tuy nhiên, có thể khẳng định với việc nuôi xen ghép, các đối tượng nuôi sẽ hỗ trợ lẫn nhau giải quyết vấn đề thức ăn thừa trong ao nuôi, từ đó hạn chế dịch bệnh phát sinh, là điều kiện thuận lợi để áp dụng chăm sóc theo các quy trình VietGAP, hữu cơ…

Chia sẻ về hình thức nuôi ghép các loại thủy sản tại Tọa đàm, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nuôi đơn, tức là chỉ nuôi một loại thủy sản thì người nuôi sẽ không tận dụng được hết tiềm năng các tầng nước, nguồn thức ăn. Trong khi mô hình nuôi xen ghép được thực hiện theo nguyên tắc nuôi các loại thủy sản khác nhau, sử dụng thức ăn khác nhau nhằm tăng hiệu quả trên một diện tích nuôi. 

“Chẳng hạn nuôi ghép cá rô phi kết hợp với tôm thẻ chân trắng thì cá rô phi sẽ ăn thức ăn thừa của tôm, ăn rong rêu, động vật tầng đáy. Thậm chí nếu có những con tôm chẳng may bị bệnh, yếu chết thì đã có con cá rô phi “dọn dẹp” ngay, giúp nước trong ao nuôi sạch hơn, con tôm bị bệnh cũng không lây sang con khỏe mạnh, giảm rủi ro bị dịch bệnh. Riêng với mô hình này, bà con không cần tốn thêm thức ăn cho cá, qua đó tăng hiệu quả kinh tế lên hàng trăm triệu đồng/ha mặt nước. Ngoài ra, bà con cũng áp dụng một số mô hình nuôi ghép phổ biến khác như tôm - cua, tôm - cá, cá - cá… cũng đem lại hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, nguyên tắc trong nuôi thủy sản xen ghép là con nào “hiền lành” thả trước, con nào “dữ” thả sau, cho ăn thức ăn khác nhau, thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi” - ông Tiêu nói.

Kết nối tới nông dân

Tại buổi Tọa đàm đã diễn ra sự trao đổi kinh nghiệm và tương tác sôi nổi giữa các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ quan khuyến nông và bà con nuôi trồng thủy sản tại địa phương... về cách nuôi xen ghép có hiệu quả, cơ chế hỗ trợ trong phát triển cũng như bàn cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi xen ghép nói riêng để vừa đảm bảo tính hiệu quả và bền vững. Thực tế hiện nay, người nuôi còn mang tính chất tự phát, thiếu liên kết “mạnh ai nấy làm” nên thường xuyên dẫn đến tình trạng “được mùa rớt giá”.

“Để nuôi thủy sản hiệu quả, bà con cần thực hiện liên kết chuỗi gắn với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra, không nên làm ăn nhỏ lẻ mạnh mún tự phát như ngày xưa. Quan trọng nhất trong quá trình liên kết chuỗi là phải minh bạch thì mới tồn tại lâu dài được”- ông Kim Văn Tiêu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để nuôi trồng thủy sản xen ghép hiệu quả cao và bền vững, các chuyên gia cho rằng: Trước tiên, người nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi với 8 chữ vàng “Tháo cạn, vét bùn, khử trùng, phơi khô” để đảm bảo môi trường nuôi an toàn. Bên cạnh đó, cần lựa chọn con giống, vật tư thủy sản ở những cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh; Quan sát màu nước ao nuôi, tình hình sinh trưởng của các đối tượng nuôi vào từng thời điểm để cho ăn vừa đủ, tránh dư thừa dẫn đến ô nhiễm môi trường nuôi, gây nhiễm bệnh; Nên nuôi xen ghép nhiều đối tượng sẽ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong ao nuôi, tận dụng tầng nước, giúp giảm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi; đồng thời, người nuôi cần cùng nhau xây dựng các THT, HTX… để hỗ trợ nhau phát triển.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, muốn nuôi thủy sản thành công, bà con cần tuân thủ nguyên tắc cho ăn “3 xem 4 định”. “3 xem”: Xem điều kiện thời tiết khi cho ăn; xem biến động các yếu tố môi trường như hàm lượng DO, pH, NH3…; xem tình trạng sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp quản lý, cho ăn phù hợp. “4 định”: Định chất lượng, thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn phát triển; Định số lượng: cho ăn đủ no mà không thiếu, không thừa; Định thời gian: tập cho ăn vào những giờ nhất định, giúp người nuôi dễ dàng quan sát hoạt động ăn, dọn thức ăn thừa, điều chỉnh lượng thức ăn…; Định địa điểm: cho ăn đúng điểm cố định để tạo thói quen bắt mồi cho thủy sản từ khi mới thả.


Tiên phong bằng công nghệ trong sản xuất thức ăn thủy sản Tiên phong bằng công nghệ trong sản xuất… Thu hoạch mẻ cá hồi nuôi hữu cơ đầu tiên tại Scotland Thu hoạch mẻ cá hồi nuôi hữu cơ…