Nuôi bò Những Bệnh Thường Gặp Ở Trâu, Bò

Những Bệnh Thường Gặp Ở Trâu, Bò

Publish date Saturday. April 26th, 2014

Những Bệnh Thường Gặp Ở Trâu, Bò

1/ Bệnh Anthrax

Theo số liệu thống kê có tới 13,8% số trâu, bò mắc bệnh Anthrax (bệnh than) hay còn có tên khác là tili ka bukhar hoặc milzrand. Hiện tượng thường gặp là lá lách sưng to.

Nguyên nhân chính do tác nhân gây bệnh có tên là Bacillius anthracis, khi nhiễm bệnh nhiệt độ cơ thể tăng nhanh và sưng cổ; truyền bệnh do các loại côn trùng hút máu gây ra, nó cũng có thể lan truyền sang cho con người thông qua việc ăn thịt, tiếp xúc với động vật đã nhiễm bệnh. Cách phòng tránh là tiêm phòng vacxin bệnh than cho trâu, bò, nhất là ở những nơi có nguy cơ mắc bệnh cao.

2/ Bệnh tụ huyết trùng

Đây là căn bệnh thường xảy ra trong giai đoạn xuân hè, nguyên nhân chính do vi khuẩn gây ra, chúng thường thâm nhập qua đường tiếp xúc giữa trâu bò khoẻ mạnh với những con đã nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 12 đến 48 giờ, trâu bò thường có dấu hiệu mệt mỏi, sốt cao, thở dốc, chảy dịch mũi, nước dãi...

- Cách điều trị: Có thể dùng Streptomycine, loại 1g/lọ, liều dùng 20mg/kg trọng lượng hoặc thuốc Sulfatthiazone, Sulfamerazie với liều 20-25 mg cho một kg trọng lượng.

3/ Bệnh ỉa chảy

Đây là căn bệnh thường gặp ở bê, nghé non, nhất là trong giai đoạn mưa phùn ẩm ướt, thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhất là khuẩn E. Coli và các loại gây bệnh về đường tiêu hoá. Thời gian ủ bệnh 1-3 ngày. Giai đoạn đầu sốt nhẹ, sau đó mệt mỏi, kém ăn, uống nước nhiều và ỉa phân lỏng nhiều nước và có máu, nếu nặng mất nước có thể gây tử vong.

- Cách điều trị: Có thể dùng phối hợp thuốc Kanamycine dạng bột 1g/lọ, liều 20mg/kg trọng lượng, 2 lần/ngày phối hợp dùng Biseptone dạng viên hoặc dùng Chlogram dạng bột đã pha thành dịch cho bê, nghé uống theo liều 20mg/kg trọng lượng.

4/ Bệnh giun đũa ở bê, nghé

Đây là căn bệnh thường thấy ở nghé từ 1-3 tháng tuổi, nhất là vào cuối xuân đầu hè. Hiện tượng thường gặp là phân trắng lỏng có mùi tanh, cơ thể vật chủ suy yếu, thiếu máu và nếu nặng tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30-40%.

Cách điều trị: Có thể dùng thuốc Adipinatpiperazine liều 0,25g/kg trọng lượng và thuốc Mebenvet với liều 0,10-0,15g/kg trọng lượng.

5/ Bệnh xoắn khuẩn

Đây là căn bệnh do khuẩn Leptospira gây ra, ảnh hưởng trực tiếp tới đường tiêu hoá. Vi khuẩn có thể thâm nhập qua đường tiêu hoá, niêm mạc, thời gian ủ bệnh từ 5-10 ngày và có 3 dạng bệnh thường gặp là cấp tính, mạn tính và quá cấp, làm cho trâu bò suy yếu, rụng lông, thiếu máu, phù thũng, nước tiểu vàng, sẩy thai vv...

- Cách phòng bệnh: Xét nghiệm máu để xác định khuẩn Leptospira, dùng vacxin phù hợp, vệ sinh chuồng trại, diệt chuột, ăn uống vệ sinh. Có thể dùng một số thuốc kháng sinh nhưu Penstrep 1g/20 kg trọng lượng, thuốc Marbovitryl 1ml/10 kg thể trọng và Vime-sone 1ml/10kg thể trọng.

6/ Bệnh chướng hơi

Bệnh thường phát triển mạnh vào mùa mưa, nguyên nhân do thức ăn có chứa nhiều gluxit, nhất là lạm dụng thức ăn tinh bột hoặc thức ăn khó tiêu, chứa nhiều Axit xyanhydric làm ức chế dạ cỏ, ngoài ra còn do những nguyên nhân khách quan như thời tiết, hoặc do làm việc quá tải nhiều ngày.

Dấu hiệu là kém ăn, đứng không vững, hai chân trước choãi ra, mắt lờ đờ thiếu sinh khí, ngáp và ợ hơi liên tục, bụng chướng, khó thở, cánh mũi thở to, nếu nặng có thể chết do không thở được.

- Cách điều trị: Nên cho trâu bò ăn thêm rơm khô, không nên cho ăn cỏ vàng úa, hạn chế thực phẩm giàu đạm hoặc chứa Axit xyanhydric cao. Nên tăng cường cho trâu bò uống nước, có thể dùng nước trầu không giã nhỏ cho trâu bò uống để chống lên men.

7/ Bệnh ngộ độc thức ăn

Đây là căn bệnh thường gặp ở trâu bò nhưng lại ít được quan tâm. Ví dụ như ngộ độc khoai tây vì trong khoai tây có chứa nhiều chất solanine gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, viêm ruột, dạ dày, xuất huyết niêm mạc, phân có máu. Có thể dùng axit tanic, thuốc tẩy MgSO4, thuốc Alalgin hay truyền glucoza.

- Ngộ độc cỏ sữa: Đây là loại thực phẩm có chứa độc tố như axit euforbic, sufonin gây bệnh và làm cho sữa của bò có màu trắng hồng và cay. Chú ý vệ sinh sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm độc.

8/ Bệnh lở mồm long móng

Bệnh lở mồm long móng (Foot and Mouth Disease) là căn bệnh do virus gây ra. Triệu chứng thường gặp là sốt cao (42oC), kém ăn, mụn nước phát triển ở chân, miệng (lưỡi môi và chân răng). Ban đầu mụn nhỏ sau to dần, vỡ ra tạo vết loét làm cho con vật bị long móng.

Cách điều trị nếu ở thể nhẹ có thể dùng thuốc sát trùng cộng với kháng sinh. Tăng cường công tác phòng bệnh, tiêm phòng cho gia súc có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao (ít nhất mỗi năm 2 lần), vệ sinh chuồng trại, nếu bệnh phát mạnh có thể tiêu huỷ gia súc và tiêu độc chuồng trại.

9/ Bệnh sốt Ephemeral Ferer

Bệnh sốt Ephemeral Fever hay còn có tên là bệnh Kotonkan obadhiang hay puchong là căn bệnh do virus gây ra ở các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khi nhiễm bệnh trâu bò thường sút cân nhanh, giảm lượng sữa và nguy cơ vô sinh ở những con đực. Nguyên nhân gây bệnh sốt Ephemeral Fever đến nay người ta vẫn chưa tường rõ vì vậy khả năng điều trị vẫn còn hạn chế.

10/ Bệnh viêm vú

Bệnh viêm vú ở trâu bò (Mastitis) là căn bệnh thường gặp ở trâu bò trong giai đoạn sản xuất sữa làm cho khả năng sản xuất bị suy giảm. Nguyên nhân chính là do khuẩn Steptococcus, Staphylococcus, Bacillus và E. Coli gây ra gây tổn thương bầu vú và núm vú. Nếu nặng có thể sưng niêm mạc, vú có mủ, viêm vú gây sốt cao, tụ huyết và sữa có máu.

- Cách điều trị: Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rửa sạch bầu vú và bàn chân sau, khi vắt sữa phải thao tác nhanh, vắt cạn vú, chườm nóng, xoa nhẹ bầu vú, dùng thuốc kháng sinh 3-5 ngày.

11/ Bệnh lao

Lao (Tuberculosis) là căn bệnh truyền nhiễm mạn tính do vi khuẩn lao Mycobacterium tyberala gây ra, nhất là trâu bò nuôi lấy sữa. Triệu chứng thường gặp là lao phổi, lao hạch, lao vú và lao ruột. Thể hiện rõ nhất là lao phổi, màng treo ruột và cơ bắp.

- Cách phòng ngừa: Phòng bệnh bằng cách tiêm vacxin B, C, G (Bacterium, Calmetla, Guerine), tiêm lúc trâu bò được 15 ngày tuổi. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chăm sóc tốt đảm bảo công tác an toàn thực phẩm và môi trường. Có thể điều trị bệnh lao bằng kháng sinh kết hợp ăn uống đủ chất và khi phát hiện mắc bệnh nên cách ly để tránh lây nhiễm trong đàn.


Kỹ Thuật Dự Trữ Thức Ăn Vụ Đông Cho Trâu, Bò Kỹ Thuật Dự Trữ Thức Ăn Vụ Đông… Các Phương Pháp Cơ Bản Phòng Bệnh Cho Bò Các Phương Pháp Cơ Bản Phòng Bệnh Cho…