Tôm thẻ chân trắng Những điều cần biết khi nuôi tôm thẻ chân trắng (Phần 1)

Những điều cần biết khi nuôi tôm thẻ chân trắng (Phần 1)

Author Nguyễn Quang Dương Nguyên, publish date Thursday. July 19th, 2018

Những điều cần biết khi nuôi tôm thẻ chân trắng (Phần 1)

Sau đây là một số vấn đề đáng lưu ý mà chúng tôi thu thập được từ thực tế nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều năm qua:

Hiện nay, tôm thẻ chân trắng đã được nuôi khắp các vùng miền trong cả nước, so với tôm sú, tôm chân trắng dễ nuôi hơn, chịu đựng tốt hơn, có những nơi từ lâu tôm sú không sống nổi nhưng các hộ nuôi tôm chân trắng vẫn còn nuôi được.

Tuy nhiên, có nhiều thông tin khác nhau về hiệu quả cũng như kỹ thuật nuôi loài tôm này, sau đây là một số vấn đề đáng lưu ý mà chúng tôi thu thập được từ thực tế nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều năm qua ở các địa phương như Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… và đặc biệt là từ TS Chalor Limsuwan, chuyên gia hàng đầu về nuôi tôm của trường Đại Học Kasetsart - Thái Lan, một nước mà hiện nay tôm thẻ chân trắng hầu như thay thế hoàn toàn tôm sú.

1. Ao nuôi

- Ao nuôi tôm thẻ chân trắng có cấu tạo giống ao nuôi tôm sú, nếu nuôi quy mô công nghiệp thì cũng bắt buộc phải có ao lắng.

- Quy trình cải tạo ao cũng theo các bước như ao nuôi tôm sú, nếu nuôi mật độ cao (trên 30 con/m2), nên theo quy trình dùng vi sinh, vì theo TS Chalor Limsuwan, lượng phân tôm chân trắng thải ra cao gấp 6 lần tôm sú.

- Những vùng nuôi tôm trên cát có đáy ao lót bạt thì nuôi tôm chân trắng hiệu quả hơn là nuôi tôm sú.

2. Chọn giống

Đây là khâu quan trọng nhất quyết định sự thành bại của cả vụ nuôi, tôm chân trắng là loài tôm có nguồn gốc từ châu Mỹ, qua hơn 10 năm nghiên cứu, lai tạo, hiện nay đã tạo ra hơn 200 chủng tôm chân trắng khác nhau có các đặc tính tốt như: tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, có khả năng sống ở mật độ rất cao, kích cỡ thu hoạch đồng đều… Nguồn tôm bố mẹ chuẩn hiện nay chỉ có tại Viện Hải dương học Mỹ, đàn giống này có khả năng tạo ra thế hệ bố mẹ tiếp theo trong 8 – 10 tháng, tôm mẹ trưởng thành chỉ nặng 40 – 45gr/con, có thể đẻ liên tục 4 tháng trong điều kiện nuôi ở trại giống.

Hiện nay ở Việt Nam con giống có trên thị trường đa số nguồn gốc không rõ ràng nên nguy cơ rủi ro rất cao, người nuôi khi mua giống thì dựa vào uy tín của người bán là chính, cần lưu ý các vấn đề sau:

- Tôm giống trước khi thả nuôi phải làm các xét nghiệm như là tôm sú (đốm trắng, đầu vàng, MBV…).

- Tuổi post từ 10 – 12 là thả tốt nhất, cách xác định tuổi tôm là dùng kính hiển vi (loại thường) để xem gai chủy đầu, cứ 1 gai tương ứng 3 tuổi (ví dụ như post 10 thì chủy đầu có 3 gai hoàn chỉnh và một gai mới nhú).

- Tôm post 10 – 12 có chiều dài cỡ 1cm.

3. Mật độ thả, quạt nước

- Mật độ thả tôm chân trắng là rất cao, có thể đạt 200 – 300 con/m2. Theo TS Chalor Limsuwan, để đạt hiệu quả cao thì mật độ thả như sau:

+ Nếu tôm tốt, độ mặn từ 3 – 7%o, mực nước 1,4 – 1,5 m, mật độ thả 50 con/m2.

+ Nếu tôm tốt, độ mặn từ 20 – 25%o, mực nước 1,5 – 2 m, mật độ thả 60 – 65 con/m2.

- Ao nuôi tôm chân trắng mật độ cao không thể thiếu hệ thống quạt nước, cần lưu ý các yếu tố sau:

+ Số quạt trong ao không cần quá nhiều, vị trí lắp đặt sao cho tạo dòng chảy tốt.

+ Tốc độ quạt quyết định lượng oxy hòa tan, nếu trời nắng chạy khoảng 80 vòng/phút, còn ban đêm hay lúc trời nhiều mây thì phải chạy 100 vòng/phút.

- Oxy hòa tan trong nước vào buổi sáng không thấp hơn 4 ppm, khi thiếu oxy, tôm chân trắng sẽ chết đáy chứ không tấp bờ, mang tôm có màu nâu đen chứ không hồng như tôm sú.

4. Chăm sóc, quản lý

- Tôm chân trắng có tốc độ tăng trưởng cao trong 80 ngày đầu, sau đó sẽ chậm lại.

- Ở các tỉnh phía Nam, rất khó để nuôi đạt kích cỡ < 70 con/kg, rủi ro thường xảy ra khi các ao nuôi quá 3 tháng (ở Thái Lan, cỡ tôm bình quân lúc thu hoạch là 100 con/kg, các ao nuôi tại Long Thành, Đồng Nai cũng thu hoạch khi tôm từ 80 – 100 con/kg, thời gian nuôi 80 ngày. Các ao nuôi lâu hơn cỡ tôm không tăng đáng kể, để lâu có thể thất bại).

- Khác với tôm sú, tôm chân trắng hoạt động rất mạnh và sống ở mọi tầng nước.

- Ăn tạp, ăn bất cứ thứ gì bắt được như thức ăn, động vật sống, phiêu sinh, lab-lab… Rất khó thấy tôm chân trắng trong ruột không có thức ăn.

- Nếu nuôi mật độ thấp thì dùng thức ăn 32% đạm, nếu nuôi mật độ cao thì dùng thức ăn như tôm sú (trung bình 39% đạm).

- Rất nhạy cảm với sự thay đổi về mặt cơ học (giở nhá, chài, chạy quạt đột ngột…), khi đó tôm sẽ cong thân, đục thân và chết rất nhanh.

- Tôm chân trắng lột xác 2 lần mới tự làm sạch được mang bị đen, khi tôm lột xác thì hàm lượng kiềm và oxy hòa tan trong nước tụt rất nhanh, người nuôi phải theo dõi kỹ để xử lý kịp thời.

- Nhu cầu cơ thể cần rất nhiều vitamin và khoáng, nếu thiếu tôm dễ bị stress và đục thân, cần phải bổ sung thêm vào thức ăn Aqua C, Grow Shrimp, tạt xuống ao Customix Stom.

- Tôm thích nhiệt độ thấp, nhiệt độ thích hợp 27 – 30oC, khi trời nắng nóng, nhiệt độ cao tôm sẽ giảm ăn.

- Tôm chân trắng rất khó theo dõi thức ăn, nếu canh nhá như tôm sú thì sẽ sai hoàn toàn, nếu nhá có thành hơi cao tôm cũng không vô, nhá chỉ dùng để theo dõi sức khỏe tôm và phụ thêm trong quá trình canh thức ăn.

- Cách theo dõi lượng thức ăn như sau:

+ Lúc mới thả tôm, tính tỉ lệ sống ban đầu là 80% để cho ăn, sau đó theo dõi tôm, màu nước rồi canh lại.

+ Nhìn màu nước, nếu thấy màu nước ngày càng sậm, pH ngày càng tăng, biên độ dao động oxy hòa tan giữa buổi sáng và chiều ngày càng lớn… thì đang dư thức ăn.

+ Chính xác nhất là dùng chài (sau 45 ngày tuổi), chài tôm trước bữa ăn 30 phút, nếu đường ruột màu đen hết thì thức ăn bữa trước đó từ đủ đến thiếu, nếu đường ruột có màu thức ăn thì thức ăn bữa trước đó dư, làm nhiều lần cho nhiều thời gian khác nhau cộng với các yếu tố màu nước, theo dõi nhá… thì sẽ tính gần đúng nhu cầu của tôm.

- Nếu tỉ lệ sống hơn 80%, điều kiện nuôi tốt, hệ số FCR 1,3 – 1,4 là chấp nhận được (hiện nay tại Đồng Nai, điều kiện nuôi tốt, dùng thức ăn tôm sú, sau 80 ngày nuôi, cỡ bình quân 80 – 100 con/kg, FCR từ 1 – 1,2).

- Có một số nơi có nguồn trùn quế tươi, cho tôm ăn thêm vào giai đoạn gần thu hoạch cũng mang lại kết quả rất tốt.

- Nước là môi trường sống của tôm nên chất lượng nước liên quan đến thành bại của vụ nuôi, tuy sức chống chịu một số yếu tố cao hơn tôm sú, nhưng tôm chân trắng rất nhạy cảm với môi trường, khi bị sốc, tôm chân trắng sẽ không nổi đầu mà chết đáy, chính vì vậy mà có nhiều người nuôi thấy tôm không việc gì, chỉ đến khi thu hoạch mới thấy lượng hao hụt quá cao.

- pH nước buổi sáng không được quá 8,3 vì lúc đó tôm không lột xác được, khống chế pH bằng cách theo dõi thức ăn và dùng vi sinh Aqua Guard.

- Tôm chân trắng có tốc độ lớn nhanh, lột xác liên tục nên yêu cầu về độ kiềm lớn, luôn giữ cho độ kiềm không thấp hơn 80 ppm bằng Dolomite hoặc Alkalite.

- Khi nhiệt độ cao quá thì tôm không ăn được và nằm đáy, để lâu có thể chết nhiều, do vậy vào mùa nắng nóng mức nước ao phải đạt 1,5 – 2 m, không cho ăn vào các giờ nắng nóng, trộn bổ sung Aqua C, Coforta A.

- Các loại khí độc như NH3, H2S thường xuyên hiện diện trong ao kể từ tháng thứ 2 (vì tôm chân trắng thải ra lượng phân gấp 6 lần tôm sú và khó canh thức ăn hơn), tôm chân trắng chịu đựng khỏe hơn tôm sú nhưng nếu nồng độ khí độc cao sẽ làm tôm bỏ ăn, chậm lớn và chết đáy, cách xử lý tốt nhất là phòng vì an toàn và rẻ tiền hơn, hiệu quả nhất là khống chế thức ăn và dùng vi sinh Aqua Guard để kiểm soát tảo, khi xảy ra sự cố thì chỉ có một cách cấp cứu là dùng Deocare A, liều 0,3 – 1 ppm tạt xuống ao.

- Tôm chân trắng rất nhạy cảm với các loại hóa chất, khi đang nuôi nếu sát trùng nước định kỳ phải dùng thuốc sát trùng thật an toàn, Virkon A liều 0,5 – 1 ppm là loại thuốc sát trùng nhiều người lựa chọn.(Còn nữa)


Những điều cần biết khi nuôi tôm thẻ chân trắng (Phần 2) Những điều cần biết khi nuôi tôm thẻ… Cách khống chế Hội chứng tôm chết sớm (EMS) trong ao nuôi tôm Cách khống chế Hội chứng tôm chết sớm…