Những điều cần biết khi nuôi tôm thẻ chân trắng (Phần 2)
Tôm chân trắng bị tất cả các bệnh mà tôm sú gặp phải, còn nhiều hơn 2 bệnh là Taura và IHHNV...
5. Bệnh tôm
Tôm chân trắng bị tất cả các bệnh mà tôm sú gặp phải, còn nhiều hơn 2 bệnh là Taura và IHHNV (hội chứng tôm chậm lớn và dị hình), sau đây là một số bệnh đáng lưu ý:
a. Đốm trắng (WSSV)
Xảy ra trong mọi giai đoạn sống của tôm, nhiều trường hợp đốm trắng tại Thái Lan mà người ta xác định do ao nuôi trước đó nuôi tôm sú bị bệnh nhưng cải tạo không kỹ. Để hạn chế bệnh người nuôi phải test mẫu (PCR) khi bắt giống và cải tạo ao kỹ, lấy nước có xử lý từ ao lắng…
b. Bệnh Taura
Đây là bệnh nguy hiểm vì tôm chết nhiều và nhanh, bệnh xuất hiện quanh năm, có nhiều ở vùng có độ mặn thấp và lây rất nhanh cho các loài tôm khác kể cả tôm hoang dại. Taura là tên một dòng sông ở Ecuado (Nam Mỹ), nơi phát hiện bệnh đầu tiên.
- Khi bệnh, thân tôm chuyển sang màu đỏ, bộ phận gan tụy chuyển sang màu vàng, gan tụy và mang sưng phồng lên, giai đoạn 2 của bệnh là toàn thân màu đỏ, vỏ rất mềm như vừa lột xong, giai đoạn này tôm chết đến 90%, xác tôm tập trung giữa ao.
- Nhiều trường hợp thấy trên mình tôm có những mảng đen ở bất kỳ vị trí nào, đó là tôm bệnh đã lột xác, dù có mang virus nhưng không chết, nếu môi trường ao xấu thì đợt lột xác tiếp theo sẽ chết, nếu môi trường tốt thì sau 2 tới 3 lần lột xác, tôm sẽ khỏi bệnh.
- Virus Taura sống tự do trong nước được khoảng 2 tuần, bệnh có thể gây chết từ 40 – 90%.
Khác với bệnh đốm trắng, đầu vàng, bệnh Taura có thể qua khỏi nếu ta làm được các bước sau:
- Phát hiện bệnh sớm dựa vào các dấu hiệu như trên.
- Cắt giảm ngay 50% thức ăn, vớt tôm chết ra khỏi ao và đốt cháy.
- Không được thay nước vì sẽ lây cho các ao khác và khi có nước mới vào tôm sẽ lột xác và chết ngay.
- Bổ sung vôi và khoáng để kìm hãm tôm lột xác và phục hồi sức khỏe lại.
- Cứ như vậy cho đến khi tôm khỏe mới tăng thức ăn trở lại, nếu tăng nhanh quá tôm sẽ bệnh lại do lột xác (vì đủ dinh dưỡng).
- Tôm khỏe lại nhìn bên ngoài thấy có nhiều sẹo.
- Khi thu hoạch xong phải sát trùng nước trước khi thải ra ngoài, ngưng nuôi một thời gian.
c. IHHNV (hội chứng tôm chậm lớn và dị hình)
- Hình dạng bất thường, chậm lớn (nên còn có tên RDS: chậm lớn, dị hình).
- Tỉ lệ sống thấp.
- Bệnh này không chữa được.
- Hiện nay ở Thái Lan, người ta làm PCR, tôm sạch bệnh này mới thả nuôi.
* Ngoài các bệnh đặc trưng trên, tất cả các bệnh khác như đầu vàng, đóng rong, sâu đuôi, phân trắng, đỏ thân…, dấu hiệu và cách phòng trị như là tôm sú.
6. Thu hoạch
Tôm chân trắng cách thu hoạch cũng khác tôm sú, vì rất nhạy cảm nên khi thu hoạch không đúng tôm sẽ chết nhiều, mềm vỏ và đục thân… làm giảm chất lượng.
- Nên thu hoạch vào buổi sáng sớm thì tôm ít chết, ít lột xác.
- Tôm chân trắng đi ngược nước nên không thể xả cống bắt hết được mà phải dùng lưới.
- Nếu thu ban đêm thì dùng bóng đèn công suất lớn chiếu ngay miệng cống, sau đó xả nước thì tôm sẽ ra hết vì tập tính thích ánh sáng.
- Khi thu hoạch cho thật nhiều nước đá vào thùng tôm thì cơ thịt sẽ không bị đục.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao