Nơi hội tụ những công nghệ nuôi tôm tiên tiến nhất, năng suất đạt 100 tấn/ha
Bạc Liêu không chỉ đứng đầu sản xuất tôm giống tại vùng nuôi trọng điểm ĐBSCL, còn là nơi tập trung những công nghệ nuôi tiên tiến nhất. Nổi bật trong đó là Tập đoàn Việt Úc. Với vị thế một “ông lớn” dẫn đầu ngành tôm, Việt Úc đã cho xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao, là quy trình sản xuất tôm khép kín với sự kết hợp của nhiều công nghệ vượt trội.
Thu hoạch tôm trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao của Việt Úc
Công nghệ nuôi tôm 100 tấn/ha
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính đã được quy hoạch và phát triển tại Bạc Liêu vài năm nay.
Mô hình cần vốn đầu tư rất lớn nên chỉ được các doanh nghiệp mạnh đầu tư. Nổi bật trong đó là Tập đoàn Việt Úc. Với vị thế một “ông lớn” dẫn đầu ngành tôm, Việt Úc đã cho xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao, là quy trình sản xuất tôm khép kín với sự kết hợp của nhiều công nghệ vượt trội. Đặc biệt, khu nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại Bạc Liêu đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả và mở ra hướng đi mới cho ngành tôm địa phương.
Vùng nuôi của Việt Úc tại Bạc Liêu được đặt ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Đây là khu đất rộng 50 ha, được thiết kế 23 trại nuôi. Mỗi trại là một nhà kính, gồm 18 ao nuôi, diện tích 500 m2/ao, tổng diện tích mặt nước thả nuôi khoảng 20 ha. Giai đoạn 1, đã hoàn thành xây dựng 5 trại (90 ao nuôi) vào đầu năm 2015 và đang được thực hiện nuôi.
Điểm nhấn của khu nuôi tôm siêu thâm canh là công nghệ nhà kính Israel. Ngoài việc đảm bảo yêu cầu kết cấu bền vững, cơ giới hóa ở mức cao nhất trong các công đoạn sản xuất, nhà kính còn cho phép đáp ứng tốt nhất các yêu cầu kiểm soát về tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, nhờ đó các chỉ số được duy trì ổn định.
Để đảm bảo mô hình nuôi có chất lượng nước ổn định và không gây ô nhiễm môi trường, Việt Úc đã mạnh dạn đầu tư hệ thống xử lý nước tuần hoàn của Mỹ và Hà Lan kết hợp cùng hệ thống xử lý nước bằng đèn UV (tia cực tím) và hệ thống lọc sinh học theo công nghệ MBBR.
Tôm giống được tuyển chọn từ các đàn tôm bố mẹ ưu tú nhất trong chương trình chọn giống tôm thẻ chân trắng của Tập đoàn Việt Úc. Sau khi thả nuôi, tất cả các thông số môi trường trong ao được kiểm soát tự động. Dữ liệu đo được tích hợp vào phần mềm máy tính và có các đường biểu diễn các thông số môi trường đưa ra các cảnh báo kịp thời bằng âm thanh hoặc xử lý tự động khi các chỉ tiêu vượt quá ngưỡng cho phép.
Những mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Bạc Liêu đang góp phần nâng cao năng suất, chất lượng con tôm tỉnh này
Đặc biệt, trong mỗi ao nuôi đều được trang bị một máy cho ăn tự động theo công nghệ của Úc, đảm bảo tôm được cho ăn theo nhu cầu. Khi tôm đói, chúng sẽ phát ra âm thanh, máy cho ăn tự động sẽ sử dụng các đầu dò sóng siêu âm Sonar thu thập tín hiệu, gửi về hệ thống và tự động cho ăn.
Chính sự đầu tư công nghệ cao, cùng quy trình chăm sóc, quản lý bài bản vào dạng hiện đại bậc nhất thế giới đã giúp mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính hạn chế tối đa rủi ro, cho năng suất tôm vượt trội.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, chi nhánh Cty CP Việt Úc Bạc Liêu đã liên tục thả nuôi. Thống kê sản lượng thu hoạch của hàng trăm ao nuôi thời gian vừa qua, năng suất đạt trung bình 2 – 3 tấn/ao. Theo quy trình kỹ thuật của Việt Úc, mỗi năm có thể thực hiện nuôi ít nhất 2,5 vụ, năng suất tôm đạt trên 100 tấn/ha/năm, cao gấp hàng chục lần so với nuôi tôm thâm canh.
Thành công của chương trình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính của Việt Úc được nhiều đoàn tham quan các bộ ngành Trung ương đánh giá cao ở các mặt: truy xuất nguồn gốc dễ dàng; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh; giảm diện tích đất sử dụng, đảm bảo phát triển bền vững; giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ông Vũ Đức Trí, GĐ Quản lý DN Tập đoàn Việt Úc cho biết: Bằng những công nghệ hiện đại hàng đầu, chúng tôi không chỉ hạn chế tối đa những khiếm khuyết của nuôi thâm canh, bán thâm canh mà còn cho siêu năng suất. Với mô hình này, Tập đoàn tự tin đáp ứng con tôm chất lượng cao và sản lượng ổn định, từ đó khẳng định được thương hiệu con tôm Việt Úc trên thị trường tôm trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Tập đoàn Việt Úc đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm với bà con nuôi tôm cả nước thông qua chương trình đồng hành cùng người dân và đối tác chiến lược.
Nuôi hai giai đoạn ứng dụng công nghệ biofloc
Mô hình “Nuôi hai giai đoạn ứng dụng công nghệ biofloc” tại Bạc Liêu được Cty TNHH SX-TM Trúc Anh (Cty Trúc Anh) đi đầu thực hiện vào năm 2015 đã liên tiếp thành công. Chi phí để đầu tư cho mô hình không phải quá lớn, trong khi sản lượng cũng đạt rất cao.
Quy trình nuôi tôm của Cty Trúc Anh mang lại năng suất cao và đang được nhân rộng
Quy trình nuôi tôm trên được thực hiện bằng 2 giai đoạn. Giai đoạn ương, tôm giống được thả nuôi trong nhà lưới từ 20-25 ngày, mật độ khoảng 1.000-3.000con/m2. Tôm phát triển trong môi trường tối ưu, mức đầu tư không cao. Nhờ quản lý được nguồn gốc tôm giống, môi trường nuôi, thức ăn, sử dụng các chế phẩm sinh học phù hợp nên hạn chế tối đa hội chứng tôm chết sớm.
Sau thời gian ương, tôm được chuyển qua ao nuôi thông qua hệ thống ống xả (giai đoạn nuôi), với mật độ từ 200 – 300 con/m2. Tại đây, các thông số môi trường như: pH; độ kiềm (mg/l); độ mặn (‰); NH3 (mg/l); NO2 (mg/l)… được kiểm tra thường xuyên để duy trì môi trường phù hợp nhất với con tôm. Đặc biệt, biofloc cũng được kiểm tra mỗi ngày để duy trì nằm trong khoảng 3-5 (kiểm tra biofloc bằng cốc đong imhoff).
Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Cty Trúc Anh lưu ý: Trong quá trình nuôi tôm công nghiệp, nguồn nước rất quan trọng, cần cấp liên tục và xuyên suốt. Vì vậy, quy trình của chúng tôi, lượng nước dự trữ và quản lý chất lượng nguồn nước được đặc biệt quan tâm. Chúng tôi dùng tới 70% tổng diện tích đất để làm hệ thống lắng. Phần còn lại 30% làm diện tích nuôi.
Hai năm qua, Cty Trúc Anh liên tục nuôi thành công bằng quy trình nuôi trên. Tính từ tháng 4/2015 – 8/2016, Trúc Anh đã thực hiện nuôi thường xuyên trong 3 ao, với tổng diện tích 7.500m2. Tổng sản lượng thu được khoảng 116 tấn, cho nguồn thu khoảng 14,7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, Cty lãi trên 8 tỷ đồng.
Cũng theo ông Xuân, ưu điểm nuôi tôm hai giai đoạn ứng dụng công nghệ biofloc so với nuôi tôm công nghiệp bình thường, có nhiều nổi bật. Như hệ số thức ăn thấp (0,85-1); mật độ tôm nuôi có thể tăng lên 200-300 con/m2, giúp giảm chi phí khoảng 10-20%. Mô hình tạo ra tôm sạch nên giá bán cao hơn so với thị trường 5-10%, sản lượng thu hoạch trên 100 tấn/ha/năm. Ngoài ra, còn có thể tăng số vụ nuôi lên khoảng 4 vụ/năm, giúp tăng lợi nhuận.
Đây còn được đánh giá là mô hình thân thiện với môi trường do không sử dụng kháng sinh. Hiện tại, Cty Trúc Anh đang mở rộng sản xuất thực nghiệm quy trình với tổng diện tích khoảng 15 ha. Chi phí đầu tư cơ bản/ha vào khoảng 510 triệu đồng. So với thực tế đầu tư để nuôi công nghiệp bà con vẫn làm, không cao hơn bao nhiêu nên có khả năng nhân rộng cao.
Vừa qua, sau nhiều đợt nuôi thành công, Cty Trúc Anh đã thực hiện chuyển giao nhân rộng ra các đại lý và hộ dân trên địa bàn các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao