Nông dân đi du học
Bằng cách tự bỏ chi phí hay đi theo hình thức nhà nước hỗ trợ, những nông dân ở Lâm Đồng sau khi kết thúc các chuyến “du học” tại các nước có nền nông nghiệp phát triển đã trở về địa phương áp dụng phương thức sản xuất mới, thay đổi cách tiếp cận thị trường.
Anh Nguyễn Đức Huy trong chuyến đi tìm hiểu cách làm nông nghiệp tại Malaysia
Hiệu quả từ cách làm mới
Vừa hoàn tất thủ tục giấy tờ liên quan để chuẩn bị cho lần sang Australia, anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thủy canh Việt (phường 9, TP Đà Lạt) hào hứng: “Đây là chuyến đi đầu tiên trong năm 2018 của tôi. Australia là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới. Tôi rất kỳ vọng chuyến đi lần này sẽ mang lại nhiều điều mới mẻ”. Anh Huy là một trong những nông dân trẻ, tiêu biểu tại TP Đà Lạt đưa công nghệ hiện đại ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Hiện anh đang có 2ha trồng cà chua, dâu tây, xà lách, dưa leo áp dụng phương thức trồng thủy canh, giá thể; chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng thông qua từng con “chip” kết nối với máy tính... Đây là kết quả của nhiều năm tìm tòi, học hỏi và từ những chuyến đi nước ngoài học tập cách làm nông nghiệp.
Năm 2008, khi đang còn là sinh viên đại học, anh Huy đã có cơ hội đi một số nước trong khu vực để tham quan mô hình nông nghiệp. Những năm gần đây, năm nào anh Huy cũng dành thời gian đi một quốc gia nào đó để học hỏi. “Những chuyến đi sau, tôi bắt đầu đi sâu tìm hiểu cách thức người ta làm nông nghiệp như thế nào, không tập trung vào sự “hào nhoáng” của những mô hình mà dành nhiều thời gian tìm hiểu về hiệu quả”, anh Huy chia sẻ.
Không chỉ những nông dân trẻ như anh Huy mới quan tâm đến công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp mà những hộ dân dù có nhiều năm sản xuất ổn định theo hình thức truyền thống, nhưng thông qua các chuyến đi “mở mang” tầm nhìn, sau đó trở về thay đổi để nâng cao giá trị sản xuất trên mảnh đất của mình. Ông Bùi Ngọc Cung (48 tuổi, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương) có hơn 30 năm làm nông nghiệp, nhưng năm 2014, ông đăng ký đi Malaysia học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao, sau khi về nước, ông mạnh dạn đầu tư đồng bộ hệ thống nhà kính với 4.000m². “Cao nguyên Cameron (Malaysia) có điều kiện khí hậu và nhiều nét tương đồng như ở Lâm Đồng, điều kiện địa hình thậm chí còn khó khăn hơn, do đất đai có độ dốc lớn, bị chia cắt nhưng người dân tại đó vẫn áp dụng nhiều công nghệ, nhất là hệ thống nhà kính để trồng các loại rau quả”, ông Cung nhìn nhận. Hiệu quả kinh tế từ cách làm mới, đến năm 2015, ông Cung đầu tư hơn 1 tỷ đồng để làm tiếp 4.000m² nhà kính hiện đại trồng các loại dưa leo baby, cà chua chery bán cho các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng rau sạch. Cùng với một phần diện tích rau ngoài trời, tổng cộng khoảng 1ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trung bình mỗi năm thu về gần 200 tấn nông sản, giá trị khoảng 2 tỷ đồng, thu nhập vượt trội so với những năm trước.
Thay đổi tư duy làm nông
Hàng năm, tại Lâm Đồng có các đoàn tổ chức để người dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp từ các nước trong khu vực. Ông Đinh Công Lý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, vừa cùng 14 hộ nông dân điển hình tiên tiến, sản xuất giỏi của tỉnh, học tập từ Nhật Bản về. Ông chia sẻ, ở Nhật Bản phát triển sản xuất có chọn lọc, nâng cao chất lượng nông sản, cụ thể là đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao và giảm sản xuất những nông phẩm có sức tiêu thụ kém. Bên cạnh đó, lao động nông nghiệp giảm xuống khoảng 50%, song năng suất lao động lại tăng lên đáng kể nhờ tăng cường cơ giới hóa và cải tiến quy trình kỹ thuật. Các ngành thực phẩm chế biến phát triển giúp cho người dân sống ở nông thôn có nhiều việc làm. “Nông dân chúng ta đi tham quan, học tập không chỉ thấy được cách thức làm sao cho năng suất cao, chất lượng tốt mà còn học hỏi được cách thức tiếp cận thị trường, hàng hóa sản xuất có trọng tâm, khoa học. Từ đó, bỏ lối mạnh ai nấy làm như nhiều năm trước. Các kinh nghiệm thành công ở Nhật Bản rất rõ ràng, song điều quan trọng là việc áp dụng xử lý để phát triển nông nghiệp như thế nào cho hiệu quả thì cần có thêm thời gian”, ông Lý phân tích.
Còn theo anh Nguyễn Đức Huy, sở dĩ tại một số nước có điều kiện tự nhiên tương đồng với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia..., nhưng nền nông nghiệp phát triển bởi hệ thống giao thông đồng bộ, chi phí vận chuyển thấp và đặc biệt là có hệ thống công nghệ phụ trợ tốt nên có nhiều điều kiện để phát triển. Tại Việt Nam, trong những năm qua, công nghệ phụ trợ đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu của người dân. Cụ thể như các thiết bị trồng rau thủy canh, khí canh gần như chúng ta vẫn nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu công nghệ phụ trợ không phát triển thì nền nông nghiệp nói chung của ta sẽ còn nhiều khó khăn.
Ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết những chuyến đi nước ngoài tìm hiểu cách thức làm nông nghiệp do nhà nước tổ chức, thông thường người dân sẽ đóng góp từ 30%-50% chi phí, để họ có trách nhiệm học tập nghiêm túc. Ngoài ra, những tổ chức, công ty cung ứng giống, kỹ thuật cũng thường xuyên đưa khách hàng (hộ nông dân) sang những quốc gia khác, vừa là cách để người dân có cơ hội tìm hiểu trực tiếp những mô hình hay, vừa là cách những đơn vị đó phân phối sản phẩm công nghệ ra thị trường một cách nhanh nhất. Chính nhờ vậy mà những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ mới vào làm nông nghiệp tại Đà Lạt - Lâm Đồng có nhiều bước phát triển nhanh chóng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao