Tin nông nghiệp Nông dân học cách phòng trừ rệp sáp bột hồng trên cây sắn

Nông dân học cách phòng trừ rệp sáp bột hồng trên cây sắn

Author LÊ TRÂM, publish date Thursday. July 21st, 2016

Nông dân học cách phòng trừ rệp sáp bột hồng trên cây sắn

Nông dân học tại ruộng sắn

Tại ruộng sắn thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), mô hình khảo nghiệm với diện tích 1ha trên giống sắn KM94, đang bị rệp sáp bột hồng gây hại nặng, tỉ lệ từ 20-30%.

Mô hình chia ruộng bị hại ra làm 4 phần, thực hiện theo 4 công thức: Không ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần (công thức 1); ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần (công thức 2); không ngắt ngọn, phun thuốc Actara 2 lần, mỗi lần phun cách nhau 7 ngày (công thức 3) và ngắt ngọn, phun thuốc Actara 2 lần (công thức 4). Trong quá trình thí nghiệm với các phương pháp điều tra, công thức 4 cho hiệu quả cao nhất, tiếp đến là công thức 2.

Ông Bùi Văn Tứ, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân, cho biết: Rệp sáp bột hồng sau khi được xử lý bằng công thức 2 và 4 thì mật độ giảm xuống mạnh, vì đọt sắn bị ngắt nên một lượng lớn rệp sáp bột hồng trên đọt bị tiêu hủy. Còn khi áp dụng công thức 1 và 3, mật độ rệp sáp bột hồng có giảm nhưng thấp.

Còn tại buôn Lé A, xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), mô hình khảo nghiệm với diện tích 1ha trên giống sắn KM140, chia làm 4 phần cũng thực hiện theo 4 công thức trên. Mô hình này cho nông dân thấy được biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương. Ông Nay Xuân, nông dân ở xã Krông Pa, cho hay: Tôi tham gia mô hình và nhận thấy rằng, khi sắn bị rệp sáp bột hồng, nếu nông dân ngắt ngọn, phun thuốc Actara thì hiệu quả cao, còn nếu không ngắt ngọn nhưng phun thuốc thì hiệu quả thấp hơn.

Theo ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, công thức ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần (công thức 2) và ngắt ngọn, phun thuốc Actara 2 lần (công thức 4) đạt hiệu quả cao, tỉ lệ rệp sáp bột hồng giảm mạnh, cây sắn phát triển tốt. Tuy nhiên xét về yếu tố ảnh hưởng môi trường và chi phí tiền mua thuốc, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân áp dụng công thức 2 để phòng trừ rệp sáp bột hồng vào những niên vụ mới.

Giảm thiệt hại kinh tế

Cách đây 1 tháng, rệp sáp bột hồng gây hại 241ha ở hầu hết vùng trồng sắn trong tỉnh, hiện nay đã giảm xuống còn 228ha. Đây là năm thứ tư liên tiếp, rệp sáp bột hồng “đeo bám” trên cây sắn gây hại vùng trồng sắn ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa… Bà Nguyễn Thị Mai ở xã Xuân Phước, cho hay: Năm rồi, tôi trồng 4.000m2 sắn nhưng bị rệp sáp bột hồng gây hại hoàn toàn. Khi nhổ bụi sắn thì củ chỉ to bằng ngón tay út, tôi phải tiêu hủy hom sắn và cày lại để trồng hoa màu khác.

Còn ông KPá Bố ở xã Krông Pa, bày tỏ: Năm ngoái, sắn nhà tôi bị rệp sáp bột hồng, tôi mua thuốc về phun nhưng không có kinh nghiệm nên khi nhổ lên có bụi chỉ được 1 củ to bằng ngón chân cái. Năm nay, tôi tham gia mô hình khảo nghiệm, khi sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng, tôi ngắt đọt gom đốt rồi phun thuốc. Từ chỗ ngắt đọt, cây sắn ra nhánh khác, phát triển cho củ bình thường.

Theo tính toán của nhiều người trồng sắn, nếu sắn phát triển bình thường đến vụ thu hoạch, năng suất đạt 17 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lãi 20 - 25 triệu đồng/ha. Nếu sắn bị rệp sáp bột hồng mà không phòng trừ kịp thời thì sắn không cho năng suất. Đối với vùng trồng sắn của Phú Yên, trong 4 năm liên tiếp bị rệp sáp bột hồng gây hại, có thời điểm lên đến gần 500ha, người trồng sắn bị thiệt hại hàng tỉ đồng.

Khi sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng thì cây còi cọc chậm phát triển, không cho năng suất, người trồng sắn thiệt hại lớn về kinh tế. Để ngăn chặn rệp sáp bột hồng gây hại, địa phương cần vận động người dân không vận chuyển hom sắn giống từ khu vực đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng đến các vùng khác.

Khi sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại thì người dân tiến hành tiêu hủy nhằm cắt đứt nguồn lây lan, đặc biệt là không sử dụng cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng làm giống trong vụ trồng mới. (Ông Nguyễn Văn Hạ, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật Miền Trung)


Phân bón giả gây thiệt hại 2,6 tỷ USD mỗi năm Phân bón giả gây thiệt hại 2,6 tỷ… Lợn tiêm an thần, cá nuôi biến thành cá đồng Lợn tiêm an thần, cá nuôi biến thành…