Tin nông nghiệp Nông thôn mới - động lực phát triển nông nghiệp

Nông thôn mới - động lực phát triển nông nghiệp

Author Bình Châu, publish date Wednesday. September 7th, 2016

Nông thôn mới - động lực phát triển nông nghiệp

Mở đường vào bản khó

Với những tỉnh miền núi, đường giao thông luôn là rào cản dẫn tới mọi khó khăn.

Tỉnh Hòa Bình khi triển khai XDNTM cũng rất nỗ lực đột phá vào tiêu chí khó này.

Trong tổng vốn 9.773 tỷ đồng đã huy động cho NTM, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn khoảng 1.774 tỷ đồng.

Trong 5 năm toàn tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp và bê tông hóa trên 3.093km đường giao thông nông thôn.

Trước năm 2011, cả tỉnh mới có một xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn thì sau 5 năm đã có 51 xã đạt chuẩn tiêu chí này.

Các cơ sở hạ tầng khác như điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng được quan tâm đầu tư.

Ông Trần Văn Tiệp - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, có được thành công này là nhờ việc đẩy mạnh việc tuyên truyền qua phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng NTM”.

Các huyện, thành phố và các xã trong tỉnh đã vào cuộc với việc phát động phong trào thi đua gắn với thực tế của địa phương như: Phong trào “Phát huy nội lực, hiến đất, góp công xây dựng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí NTM”, phong trào chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, bảo vệ môi trường… Bởi vậy, tỉnh đã huy động được nhân dân đóng góp tới 1.791 tỷ đồng.

Đặc biệt, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã dỡ bỏ những rào cản khó khăn vươn tới những bản vùng cao.

Nhờ đầu tư mạnh mẽ cho đường giao thông mà bộ mặt nông thôn xứ Mường, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng cao đã có nhiều đổi mới.

Đời sống kinh tế, tinh thần của người dân liên tục được cải thiện.

Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hòa Bình đạt 18,2 triệu đồng/người, tăng 2,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo 15%, giảm 22,7% so với năm 2011; 94% người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 83%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%.

Với những kết quả đó, năm 2016, tỉnh Hòa Bình đề ra mục tiêu có 12 xã đạt chuẩn NTM và không còn xã đạt dưới 6 tiêu chí.

Sức sống từ vùng chuyên canh

Tỉnh Hòa Bình đề mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có từ 40% xã trở lên đạt 19 tiêu chí NTM, có 1 đến 2 huyện đạt chuẩn NTM; bình quân các xã trong tỉnh đạt 15,5 tiêu chí/xã, không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 10%; tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt trên 60%.

Song hành với chương trình xây dựng NTM, tỉnh Hòa Bình đã tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hòa Bình được đánh giá là địa phương có những chính sách sớm và rõ nét trong việc hỗ trợ xây dựng các vùng chuyên canh.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có 2 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển một số sản phẩm trồng trọt chủ lực và chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản; 1 chỉ thị về đẩy mạnh việc phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với xây dựng cánh đồng lớn và vận động người dân cải tạo vườn tạp.

Cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, các huyện, thành phố đã có các chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng chủ lực như phát triển cây ăn quả có múi tại huyện Tân Lạc, Lạc Thủy; hỗ trợ chứng nhận vùng cao theo tiêu chuẩn VietGAP (huyện Cao Phong); quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (TP.Hòa Bình)…

Trong đó, Lạc Thủy là một trong những địa phương đi đầu trong tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt.

Cụ thể, huyện đã sớm xác định được giải pháp trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng mở rộng diện tích các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng khoa hoc, kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Đến cuối năm 2015, tổng diện tích cây ăn quả có múi của huyện đạt trên 1.300ha với các loại cây cho giá trị kinh tế nổi bật như cam Vinh, cam đường Canh, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, bưởi đỏ, thanh long...

Trong 2 năm thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, giá trị thu nhập trên một đơn vị đất canh tác nông nghiệp của Hòa Bình đã có mức tăng trưởng đáng ghi nhận: Năm 2013 đạt 85 triệu đồng/ha, đến năm 2015 đạt 104,4 triệu đồng/ha, cao hơn mức bình quân cả nước khoảng 20% và thuộc diện đứng đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Hiện nay, giá trị sản xuất ngành trồng trọt chiếm trên 73% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh này.

Ông Trần Văn Tiệp cho biết thêm, cùng với mở rộng diện tích các vùng chuyên canh cây ăn quả, cây mía…, tỉnh cũng chú trọng phát triển bền vững với việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, trong đó chất lượng giống và quy trình sản xuất sạch có vai trò then chốt.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hướng đến hiệu quả và phát triển bền vững, kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh tiếp tục xác định rõ các giải pháp trọng tâm là tổ chức lại sản xuất.

Theo đó, các địa phương sẽ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa chủ lực; tiếp tục phát triển mạnh mẽ các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội...

Về giống, sẽ mở rộng diện tích trồng các giống có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Về kỹ thuật canh tác, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quy trình VietGAP đối với các cây trồng chủ yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt trên thị trường.

“Tỉnh Hòa Bình đã quy hoạch phát triển một số vùng cây trồng chủ lực như quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả có múi với diện tích dự kiến khoảng 10.800ha; quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.

Hòa Bình đang phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha canh tác sẽ đạt gấp 1,5 lần so với năm 2015” - ông Dũng cho hay.


Hội NDVN - JICA - Chia sẻ định hướng hỗ trợ nông nghiệp, nông dân Hội NDVN - JICA - Chia sẻ định… Cảnh giác với sắc hoa vàng quyến rũ của cây tử thần Cảnh giác với sắc hoa vàng quyến rũ…