Nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP ở Cao Đức
“Nhất cận thị, nhị cận giang”, phát huy thế mạnh gần sông Đuống, nhiều hộ gia đình của xã Cao Đức (huyện Gia Bình) đã và đang phát triển kinh tế bền vững từ nghề nuôi cá lồng trên sông theo đúng quy trình VietGap, nâng cao chất lượng, đảm bảo sản phẩm đầu ra tạo niềm tin cho nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Nhiều hộ gia đình tại xã Cao Đức (huyện Gia Bình) đã và đang chuyển hướng nuôi cá lồng theo hướng VietGAP (Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Văn Thuận kiểm tra thức ăn và nguồn nước định kỳ).
Để “mục sở thị” cách nuôi cá lồng của nhiều hộ dân xã Cao Đức, chúng tôi đến thôn Mỹ Lộc (xã Cao Đức) đoạn gần cuối sông Đuống. Ở đây tập trung hầu hết các hộ nuôi cá lồng trên sông, có hộ mới nuôi chừng được 1-2 năm, hộ nuôi lâu cũng được khoảng 5-7 năm. Ấn tượng ban đầu là khu vực nuôi cá được đầu tư xây dựng kiên cố, mặt nước trong xanh, các lồng cá, khu để thức ăn và khu vệ sinh…được bố trí khoa học. Đưa chúng tôi đi thăm các lồng nuôi cá, ông Trần Văn Tuyến, một trong những hộ nuôi cá lồng đầu tiên của Cao Đức chia sẻ: Năm 2014, gia đình tôi và một số hộ trong thôn bắt đầu nuôi cá lồng. Mức đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu/lồng cá. Các loại cá lúc mới nuôi chủ yếu là trắm, chép và diêu hồng. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch cá vụ đầu tiên chưa cao do thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách phòng bệnh cho cá, chưa biết vệ sinh lồng đúng cách dẫn đến dịch bệnh.
Từ năm 2017, gia đình ông Tuyến chuyển nuôi cá lồng theo hướng VietGap dưới sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản tỉnh. Theo đó, hộ nuôi được hướng dẫn quy trình nuôi cá bài bản, mỗi lồng được cắm biển, ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống. Thay vì các loại cá tạp băm nhỏ như trước đây, thức ăn được sử dụng để nuôi cá theo kiểu mới là thức ăn công nghiệp của các hãng sản xuất uy tín. Trong suốt quá trình nuôi thả, Chi cục thủy sản thường xuyên hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, tư vấn thuốc phòng bệnh, cách giữ vệ sinh lồng cá, xử lý chất thải khi nuôi, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tại từng lồng nuôi cá, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi tiêu thụ. Nhờ quy trình nuôi cá sạch, quá trình sinh trưởng của cá được bảo đảm, ít xảy ra dịch bệnh, chất lượng sản phẩm tăng, giúp hiệu quả sản xuất của các lồng cá được nâng lên.
Thực tế cho thấy mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giúp người nuôi thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực của quy trình VietGAP, đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá, rút ngắn thời gian nuôi nên hiệu quả kinh tế thu được cao hơn hẳn. So với nuôi cá theo hình thức truyền thống, nuôi theo quy trình VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất 15%...
Nhận thấy cách làm hiệu quả, nhiều hộ nuôi cá lồng ở thôn cũng thực hiện nuôi cá theo hướng VietGap. Năm 2018, đã có 6/12 gia đình nuôi cá lồng tại thôn Mỹ Lộc được cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, sau mỗi quy trình nuôi, một lồng cá cho năng suất từ 3-5 tấn/ lồng các loại cá chép, diêu hồng; sản lượng từ 6-7 tấn/ lồng với cá lăng. Theo các hộ gia đình nuôi cá theo quy trình VietGAP là hướng đi phù hợp, hướng đến sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Ngang, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Đức cho biết: Nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP chính là hướng đi phù hợp, bền vững. Người dân mạnh dạn trong đầu tư lồng /bè, con giống, áp dụng kỹ thuật, tăng cường chăm sóc để đạt hiệu quả cao hơn. Đến nay, toàn xã đã có 12 hộ với khoảng 134 lồng cá nuôi. Ước tính sản lượng gần 500 tấn. Thành công bước đầu của mô hình nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở Cao Đức góp phần mở ra nhiều triển vọng phát triển mới cho việc nuôi thủy sản khi nhu cầu về thực phẩm sạch, rõ xuất xứ của xã hội ngày càng tăng, góp phần làm thay đổi nhận thức của các hộ nuôi.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao