Tin nông nghiệp Nuôi chồn để làm... cà phê chồn

Nuôi chồn để làm... cà phê chồn

Author Hoàng Giáp, publish date Wednesday. March 21st, 2018

Nuôi chồn để làm... cà phê chồn

Tốt nghiệp cử nhân quản trị mạng loại giỏi, được nhà trường giữ lại công tác nhưng anh Nguyễn Bá Cừ (38 tuổi) ngụ ấp Tân Phú, xã Thuận Phú, H.Đồng Phú (Bình Phước) đã quyết định khởi nghiệp với nhiều nghề khác nhau.

Mô hình sản xuất cà phê chồn của anh Cừ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hoàng Giáp

Năm 2013, anh Cừ chuyển qua nuôi chồn hương để sản xuất cà phê chồn. Mô hình kinh tế mới này đã mang về cho anh thu nhập hơn nửa tỉ đồng mỗi năm.

Quy trình làm cà phê chồn

Từ TX.Đồng Xoài, chạy xe gần 10km xuyên qua những rẫy cao su xanh tốt, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Bá Cừ. Dường như đã quen với các vị khách lạ đến tìm hiểu về sản phẩm cà phê chồn của mình, anh Cừ ngay lập tức mang những “đồ nghề” ra giới thiệu và tự tay pha chế ly cà phê chồn do chính mình sản xuất đãi khách.

Giới thiệu cho chúng tôi về quy trình sản xuất ra loại cà phê này, anh Cừ cho biết: “Mỗi năm, đàn chồn hương của anh chỉ có thể “sản xuất” ra loại cà phê này trong 3 tháng (từ tháng 10 đến cuối tháng 12) vì đây là mùa cà phê chín rộ. Để đảm bảo nguyên liệu sạch với những trái cà phê tươi ngon nhất, anh đã ký hợp đồng bao tiêu 2ha cà phê của người dân trong vùng với giá cao hơn thị trường.

Ngay sau khi hái, những hạt cà phê chín mọng được vận chuyển về trong ngày cho đàn chồn hương ăn. Ngoài cà phê, chồn còn được bổ sung thêm thức ăn tươi như hột vịt lộn, cháo thịt cùng một số loại hoa quả như chuối, mít và một số loại lá cây.

Sau khi chồn tiêu hóa, thải ra phân là những hạt cà phê sẽ được thu gom lại. Những hạt cà phê này được phơi trong bóng râm khoảng 10 ngày (nếu phơi nắng sẽ làm mất hương vị đặc biệt của cà phê chồn) rồi đập bỏ lớp vỏ ngoài, lấy phần ruột (là những hạt cà phê nguyên chất) đem phơi thêm 2 ngày nữa, sau đó đem rang thủ công để trở thành loại cà phê thơm ngon nức tiếng.

“Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều loại cà phê được sản xuất thông qua hệ tiêu hóa của động vật như cà phê voi, cà phê chim... nhưng cà phê chồn vẫn là loại cà phê thông dụng và được nhiều người sành cà phê ưa chuộng, tìm mua”, anh Cừ chia sẻ.

Giá trị kinh tế vượt trội

Hiện nay, anh Cừ nuôi khoảng 50 cá thể chồn hương bố, mẹ, mỗi cá thể được xây dựng chuồng riêng biệt với diện tích từ 1- 1,5 m2. Thức ăn chủ yếu hằng ngày của chồn là cháo động vật, các loại trái cây như chuối, mít, chôm chôm với chi phí chỉ khoảng từ 2.000 - 3.000 đồng/con/ngày.

Mặc dù chỉ 3 tháng có nguyên liệu là cà phê nhưng với tổng đàn gần 50 con của mình, mỗi năm anh Cừ thu được khoảng 500kg cà phê nguyên liệu. Sau khi chế biến sẽ thu được từ 280 - 300kg cà phê thương phẩm. Do là cà phê nhà tự sản xuất nên giá bán hiện nay của anh khá rẻ so với giá thị trường (chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/kg, rẻ bằng 1/3 giá thị trường). Sau khi trừ các loại chi phí, mỗi năm anh thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, giá trị chồn hương thương phẩm, chồn giống mỗi năm cũng mang lại thu nhập cho gia đình anh cả trăm triệu đồng.

Xây dựng hương hiệu cà phê chồn Bình Phước

Sau 2 năm gõ cửa gần 20 doanh nghiệp trong nước, sản phẩm cà phê chồn của anh Cừ đã được nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng đặt mua cà phê nguyên liệu hằng năm. Dù sản phẩm được các thương hiệu lớn đặt mua bao tiêu nhưng anh Cừ vẫn đang thực hiện các bước để xây dựng thương hiệu cà phê chồn Bình Phước với hi vọng khi du khách đến với Bình phước sẽ biết thêm một sản phẩm đặc trưng nữa của tỉnh đó là cà phê chồn.

Ông Hoàng Phú Quốc, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Phú, H.Đồng Phú nhận xét: “Dù mới thử nghiệm trên diện tích khiêm tốn nhưng mô hình nuôi chồn hương, sản xuất cà phê chồn của anh Cừ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là một sản phẩm mới mà Hội nông dân xã giới thiệu cho các hội viên đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm”.


Kỹ thuật trồng hoa hồng quế mang hương thơm nồng nàn quyến rũ ngày Xuân Kỹ thuật trồng hoa hồng quế mang hương… Kỹ thuật trồng hoa hồng tú cầu để bàn làm việc đẹp ấn tượng Kỹ thuật trồng hoa hồng tú cầu để…