Tin thủy sản Nuôi tôm lót bạt trên ao nhỏ Cứu cánh cho những đầm tôm công nghiệp

Nuôi tôm lót bạt trên ao nhỏ Cứu cánh cho những đầm tôm công nghiệp

Author Tâm Như, publish date Friday. January 8th, 2016

Nuôi tôm lót bạt trên ao nhỏ Cứu cánh cho những đầm tôm công nghiệp

Về những vùng quê nuôi tôm công nghiệp hiện nay, bà con lại có câu chuyện mới để nói với nhau, đó là câu chuyện “mỗi nhà có mấy hầm tôm được lót bạt”. Thoạt nghe tôi ngờ ngợ chưa hiểu, nông dân Trần Đăng Khoa, ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, trần tình: “Lót bạt ở đây là loại màng phủ dùng để lót lên mặt đầm tôm trước khi cho nước vào, ngăn chặn dịch bệnh hoành hành. Mỗi cây bạt cũng trị giá hàng chục triệu đồng”.

Hiệu quả mô hình

Đến đầu cống Bà Hai Mai, xã Lương Thế Trân, ai cũng thấy căn biệt thự to đùng đang được xây mới. Căn nhà đó là của ông Chín Thuận (Trần Văn Thuận) được xây nên từ vụ nuôi tôm trong ao có lót bạt vừa rồi. Ông Chín Thuận trần tình: “Hơn 10 năm sống bằng nghề nuôi tôm công nghiệp nhưng mãi đến nay mới cất nổi cái nhà”.

“Thất bại là mẹ thành công”, câu nói quả không sai. Từ những thất bại ban đầu mà những lão nông nay đã ý thức cao hơn trong vấn đề hạn chế rủi ro sản xuất. Anh Khoa cho biết thêm, với mô hình lót bạt trên ao dèo anh đã nuôi thành công nhiều vụ tôm. Có vụ lãi vài chục triệu đồng, có vụ lãi trên 100 triệu đồng/140 m2 ao nuôi.

Chia sẻ quy trình nuôi, anh Khoa cho biết: So với phương pháp truyền thống thì cách nuôi ao lót bạt giảm chi phí nuôi xuống 50%, trong đó thức ăn giảm 30%, thuốc thú y thuỷ sản giảm 50%, tỷ lệ tôm sống đạt đến 99%.

Theo anh Khoa, đáy ao lót bạt còn được sục ô-xy và hút chất bẩn tầng đáy hai, ba ngày/lần, con giống thả nuôi, sau gần một tháng, tôm thẻ chân trắng đạt 700 con/kg sẽ chuyển sang ao nuôi thương phẩm (ao nền đất). Để có 1.000 m2 nhà lưới cần vốn đầu tư khoảng 100 triệu đồng, thời hạn sử dụng năm, bảy năm và qua thực tế chỉ hai năm đã hoàn được vốn.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định: "Năng suất khoảng 100-120 tấn/ha/năm, gấp khoảng 15 lần năng suất tôm công nghiệp thông thường. Như vậy, trong 9.200 ha tôm công nghiệp hiện nay chỉ bằng khoảng 620 ha tôm nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là mô hình hiệu quả và sẽ là hướng mở cho người nuôi tôm công nghiệp trong tỉnh hiện nay. Hiệu quả của mô hình đã được kiểm chứng, quan trọng hơn hết vẫn là tính bền vững lâu dài; việc triển khai, nhân rộng mô hình này đến người dân được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong thời điểm hiện nay và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, mô hình này chỉ có thể được đầu tư từ các doanh nghiệp lớn có nguồn lực về kinh tế, có tiềm lực về khoa học - công nghệ thì mới thực hiện được. Hiện tại chúng tôi đang thử nghiệm mô hình nuôi tôm trải bạt ao nhỏ đến với bà con nông dân trong tỉnh nhằm cải thiện tình trạng “treo ao” như đã qua”.

“Khát vốn” - chuyện cũ nhưng… luôn mới

Trong năm qua, người nuôi tôm gặp ba khó khăn lớn: chi phí đầu vào tăng cao, giá tôm thương phẩm sụt giảm mạnh và dịch bệnh hoành hành trên diện rộng. Từ những khó khăn này mà người nuôi tôm công nghiệp gần như “kiệt quệ” về vốn, khó khăn để tiếp cận với mô hình nuôi mới.

Ông Vương Chí Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, trăn trở: “Tổng diện tích tôm công nghiệp trên địa bàn gần 400 ha. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong sản xuất nên phần nhiều diện tích này đang trong tình trạng “treo ao” hoặc chuyển sang nuôi cầm chừng. Do nhiều năm không hiệu quả nên đa phần người nuôi gặp nhiều khó khăn về vốn để phục hồi sản xuất trở lại”.

Ông Mạch Đồng Khởi, ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam là một trong số những người đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới vào nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Khởi cho biết, đây là sự lựa chọn tất yếu bởi trong thời gian qua, không ít lần dịch bệnh xảy ra với ao nuôi của mình. “Nếu tôm nuôi đồng loạt bị bệnh thì thiệt hại đối với gia đình chúng tôi là không dưới 10 tỷ đồng. Nuôi tôm nhiều phải chọn cách nuôi “sạch”. Tôi chọn mô hình “Green House”, nói nôm na là ương tôm trong “nhà” nhằm khống chế, tạo ra môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của nhóm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus - tác nhân gây bệnh hoại tử gan tuỵ cấp khiến người nuôi trong cả nước điêu đứng suốt một thời gian dài”, ông Khởi nói.

Áp dụng mô hình này, gia đình ông dùng tôm giống đảm bảo chất lượng. Trước khi nuôi tôm thương phẩm, ông ương tôm trong ao nuôi được che chắn kỹ càng bằng lưới lan phủ bên trên và tôn che chắn xung quanh để đảm bảo nhiệt độ, giảm sự tác động của biến động thời tiết đến tôm giống. Với cách nuôi “ba giảm - ba tăng” (giảm diện tích nuôi, giảm mùn bã hữu cơ và giảm mầm bệnh; tăng diện tích ao chứa lắng, tăng diện tích ao ương tôm và tăng hàm lượng ô-xy trong ao nuôi) này mà gia đình ông đã thu về được 14 tấn tôm/vụ nuôi/4.000 m2.

“Nghe có vẻ mâu thuẫn khi giảm diện tích mà lại tăng giá trị kinh tế. Nhưng thực tế là khi giảm diện tích thì người nuôi sẽ quản lý ao nuôi tốt hơn. Công nghệ này cũng đòi hỏi người nuôi phải đảm bảo tốt độ pH, ô-xy và nhiệt độ ao nuôi. Cùng với đó là sử dụng men vi sinh để đảm bảo an toàn sinh học cho tôm phát triển tốt, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm của quốc tế”, ông Khởi nói.

Mặc dù là ao nhỏ nhưng sức đầu tư cũng khá cao, trong khi đó, sau nhiều năm nuôi thất bại, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn về vốn nên cũng không dễ dàng gì nhân rộng nếu không có sự giúp đỡ về vốn từ các ngân hàng trong tỉnh.


Trung Quốc hủy lệnh cấm nhập tôm sống từ Việt Nam Trung Quốc hủy lệnh cấm nhập tôm sống… Để ngư dân tự kiểm tra, theo dõi đóng tàu... khác gì đánh đố Để ngư dân tự kiểm tra, theo dõi…