Phát triển hệ thống canh tác hữu cơ gắn vơi du lịch sinh thái
Nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái nông nghiệp có tiềm năng rất lớn ở ĐBSCL và là 2 mục tiêu song hành, có quan hệ mật thiết với nhau.
Đến với ĐBSCL, du khách có cơ hội trải nghiệm nhiều đặc sản và là cơ hội để gắn với phát triển du dịch nông nghiệp cộng đồng. Ảnh: NNVN.
Ngày 30/12, tại TP Cà Mau đã diễn ra Hội thảo trực tuyến tổng kết dự án “Hỗ trợ phát triển hệ thống canh tác hữu cơ và du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp cho cộng đồng nông dân quy mô nhỏ tại các tỉnh phía nam khu vực sông Mê Kông”. Đây là dự án được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tài trợ.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được tốc độ phát triển cao, đảm bảo an ninh lương thực và tạo nguồn thu đáng kể từ sản xuất nông sản. Nền nông nghiệp nước ta vẫn đang có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nền nông nghiệp thâm canh, hiện đại với sản xuất truyền thống.
Theo ông Tùng, việc gắn kết giữa phát triển nông nghiệp hữu cơ với du lịch sinh thái nông nghiệp là 2 mục tiêu song hành, có quan hệ mật thiết với nhau. Bởi lẽ nông nghiệp hữu cơ chính là cảnh quan du lịch và du khách là những người sử dụng, truyền bá, quảng cáo cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Đặc biệt, ĐBSCL là vùng sản xuất hàng hóa chủ yếu với trên 45% sản lượng lương thực và trên 70% sản lượng trái cây xuất khẩu của cả nước, nhưng cũng là vùng du lịch sinh thái nổi tiếng đang được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Những cánh đồng lúa nước 3 vụ rộng lớn, với những miệt vườn trái cây, vựa cá, tôm, chợ nổi và những làn điệu vọng cổ truyền thống.
Đến với ĐBSCL, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của miền sông nước mà còn được thưởng thức các sản phẩm truyền thống. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản truyền thống gắn với tên tuổi của các vùng miền như bưởi năm roi, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Cái Mơn, nước mắm Phú Quốc, cua biển Cà Mau…
Như vậy, có thể nói sản phẩm nông nghiệp không chỉ là mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của du lịch mà còn là đối tượng thăm quan, thưởng ngoạn của du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, đối với ĐBSCL, nông nghiệp và du lịch đã có mối quan hệ hữu cơ mật thiết với nhau.
Tại Cà Mau, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, qua 2 năm dự án mới khảo sát và chọn được 2 điểm tổ chức mô hình lúa - tôm hữu cơ đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể gồm 30 hộ nông dân ở ấp 5, ấp 9 xã Trí Lực, huyện Thới Bình, với quy mô diện tích trên 50 ha và 30 nông dân ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, quy mô diện tích là gần 70 ha.
Đánh giá chung hiệu quả kinh tế của 2 mô hình, lợi nhuận bình quân đạt 24,6 - 25,6 triệu đồng/ha, việc áp dụng canh tác hữu cơ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, sản phẩm lúa - tôm hữu cơ có chất lượng tốt, giá trị cao hơn so với sản phẩm lúa thường từ 500 - 700 đồng/kg.
So với canh tác truyền thống, canh tác lúa hữu cơ lợi nhuận cao hơn khoảng 2.500.000 - 3.000.000 đồng/ha. Ngoài ra, trong mô hình canh tác hữu cơ hộ nông dân còn thu nhập thêm từ việc nuôi tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ, cua, cá kết hợp với trồng lúa bình quân đạt lợi nhuận 20 - 25 triệu đồng/ha.
Ông Dương Vũ Quỳnh, Chuyên gia tư vấn Nông nghiệp của FAO cho biết: Quan trọng của Dự án mang lại là hiệu quả môi trường và xã hội. Sản xuất lúa - tôm hữu cơ chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học nên không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên đất đai, nguồn nước.
Việc sử dụng phân bón hữu cơ đã giúp môi trường nuôi tôm luôn ổn định, giàu thức ăn tự nhiên, không xảy ra dịch bệnh trên tôm, tạo thuận lợi cho môi trường nuôi tôm quản canh truyền thống đạt kết quả bền vững. Đồng thời, sản phẩm lúa - tôm hữu cơ có chất lượng, giá trị cao, sản phẩm mang lại sức khỏe tốt cho cộng đồng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng hiện nay.
Ngoài ra, Dự án đã hỗ trợ các hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tìm kiếm các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ in ấn bao bì đóng gói sản phẩm lúa gạo…; điều tra đánh giá về du lịch, đề xuất kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái nông nghiệp của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.
Theo ông Quỳnh, hiện nay hiệu quả từ mô hình tôm - rừng cao hơn gấp hai lần so với mô hình tôm - lúa hữu cơ bởi mô hình tôm - rừng kết nối được với doanh nghiệp bao tiêu, trong khi đó mô hình tôm - lúa thì lúa đã được chứng nhận hữu cơ, nhưng đối với tôm nuôi trong mô hình này chưa được chứng nhận.
Ông Lê Thanh Tùng đánh giá, đến nay, Dự án đã đạt được những kết quả nhất định, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, du lịch bền vững, nhằm cải thiện thu nhập và đời sống cho người nông dân của tỉnh Cà Mau nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung.
“Việc tổ chức mô hình gắn kết giữa nông nghiệp hữu cơ với du lịch sinh thái cần phải tiếp tục có những nghiên cứu, thử nghiệm khả thi hơn trước khi nhân rộng. Ngoài ra, mục tiêu của Dự án là hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hoặc các tiêu chí an toàn thực phẩm khác kết hợp du lịch sinh thái cho cộng đồng nông hộ tại ĐBSCL”, ông Tùng nhấn mạnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao