Pró Đồng Lúa Đồng Năng
Liên tục trong 8 năm qua, nông dân xã Pró, Đơn Dương đã chuyển đổi diện tích 125ha lúa sang trồng cây củ năng. Thu nhập tăng lên vượt trội, nhưng người nông dân vẫn đang rất cần những mô hình liên kết thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ ổn định, lâu dài.
Lãi gấp đôi
Cánh đồng Grăng Gọ của xã Pró đang “phối cảnh” giữa màu xanh nhạt của lúa với màu xanh thẫm của cây củ năng. Một trưa tháng 8 thăm đồng cùng với ông Ya Thin, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pró mới hay mảng màu này bắt đầu thay đổi rõ nét từ năm 2007.
Lúc bấy giờ mới có 3 ha “năng thế lúa” hiện lên giữa cánh đồng Grăng Gọ rồi “xâm canh” qua cánh đồng Pró Ngó trên cùng xã Pró của huyện Đơn Dương. Nguồn giống được đưa về từ những người bà con, họ hàng ở thôn M’Răng, xã Lạc Lâm, cách đồng nhà khoảng 10 cây số.
“Thực tình thì trước đó hơn 1 năm - tức là năm 2006, bà con đã tự phát trồng thử nghiệm củ năng trên mấy ngàn mét vuông đất lúa vừa thu hoạch xong vụ đông - xuân mà thôi. Không nghĩ rằng, khi cây năng mới cho củ non 4 tháng tuổi, thương lái đã tìm đến mua giá cao lắm.
Lãi mang về từ trên 10 triệu đồng/0,1ha - gấp đôi lần số lãi trồng lúa 2 vụ với năng suất 8 tạ - 10 tạ/0,1ha/vụ. Nên khi bước sang năm 2007 đến nay - năm nào bà con cũng bảo nhau chuyển từng diện tích lúa sang trồng củ năng, năm sau tăng diện tích nhiều hơn năm trước…” - ông Ya Thin nhớ lại.
Đối chiếu với cuốn sổ tay cập nhật mới nhất giữa đồng lúa, đồng năng Pró, ông Ya Thin dẫn chứng số liệu “năng thay lúa” gồm: 5 năm đầu, mỗi năm từ 5 - 10ha; 2 năm vừa qua, tăng đột biến lên diện rộng đến 80ha. Cộng cả thảy diện tích đồng năng Pró đến giữa tháng 8/2014 là 125ha. Diện tích cây lúa của xã hiện giảm xuống còn 485ha, nhưng sự “thế chân” của cây củ năng ở đây xem ra vẫn chưa dừng lại.
Bởi nông dân (gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương) đã tính nhẩm khá nhanh, so sánh thấy giá lúa bao nhiêu năm qua chỉ dao động ở “mức bình bình”, khó có khả năng tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ được. Anh Bơnah Ria Khiêm, người nông dân 40 tuổi ở đồng ruộng Grăng Gọ chia sẻ: “Gia đình em có 4 người, 2 vợ chồng và 2 đứa con 4 tuổi và 13 tuổi.
Sinh sống bằng nghề trồng lúa hơn 1,1ha và trồng rau khoảng 0,5ha, cũng có dư nhưng lại tốn quá nhiều vốn đầu tư, công lao động cả ngày ở ngoài đồng. 2 năm qua, gia đình em chuyển trồng lúa sang trồng củ năng khoảng 0,3ha, thấy ít vốn ban đầu, thật dễ làm mà lại kiếm được số tiền lãi để dành nhiều hơn…”.
Anh Bơnah Ria Khiêm nói trong vòng 3 năm qua, giá thu mua củ năng đã tăng khá ổn định - từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/kg củ già và trên dưới 15.000 đồng/kg củ non. Tính chung một năm - trừ hết tất cả mọi chi phí nước, phân, cần, giống thì trung bình, cây củ năng đã và đang thu lãi ròng trên 10 triệu đồng/0,1ha cho người nông dân Pró.
Liên hệ với người trong thôn Grăng Gọ, anh Bơnah Ria Khiêm còn “xác nhận” có nhiều hộ gia đình trồng năng từ 0,5 - 0,8ha chỉ sau một vụ thu hoạch mỗi năm, đã tích lũy đủ số tiền cả trăm triệu đồng để nâng cấp nhà mới, mua máy cày, mua bò giống siêu thịt về mở rộng chăn nuôi...
Trong đó có những hộ gia đình đã chuyển đổi 100% diện tích cây lúa (từ 0,4ha - 01ha/hộ) sang trồng cây củ năng. Còn riêng anh Bơnah Ria Khiêm cho biết sẽ mở rộng chuyển đổi thêm 0,3ha lúa sang trồng củ năng trong vài tháng tới đây.
Cần sự gắn kết
Trưa nắng nóng dần lên, anh nông dân trẻ (33 tuổi), Ya Văn vẫn chưa muốn rời cánh đồng củ năng về nhà - dẫu chỉ ở lại dạo bước quanh bờ ruộng nhổ tỉa một vài cây cỏ sống thưa thớt dưới gốc cây năng. “Đây là ruộng năng 0,3ha của nhà em trồng đã gần 4 tháng đó.
Cây cao tới bụng em rồi. Hàng ngày em ra đồng năng thăm cho vui, sẵn hỏi bà con xung quanh về giá cả bán củ năng có được tăng giảm ra sao để biết, để chọn ngày bán non hay bán già, bán cả đám ruộng hay bán theo từng ký củ thu được.
Nuôi cây củ năng không phải mất nhiều công chăn thả rồi canh chừng như nuôi con trâu, con bò; càng không phải khám bệnh từng giờ để tìm thuốc bơm phun, phòng trừ sâu bọ như cây rau…” - Ya Văn cởi mở, sau đó bước xuống ruộng “bắt cái củ năng” cho khách lạ là tôi xem.
Chậm, chắc, thuần thục từng bước chân đạp lún sâu xuống vòng quanh gốc năng xăm xắp nước, những chiếc củ năng “nối nhau” trồi lên mặt đất bùn như đàn ốc bươu đen tròn nung núc, Ya Văn chụm hai bàn tay lại vớt đưa lên bờ.
Mùa thu rộ củ năng già ở xã Pró thường vào tháng 9, tháng 10 hàng năm. Đây cũng là mùa lao động làm thuê ở huyện Đơn Dương được “ưu tiên tuyển dụng” cho việc “bắt cái củ năng” như cách Ya Văn vừa “trình diễn”. Với giá thuê khoán thỏa thuận “chốt” ở mức hơn 2.000 đồng/kg, những lao động giỏi sẽ đạt thu nhập trên 200.000đồng/người/ngày trở lên.
Người thuê lao động không chỉ là người nông dân làm chủ đồng năng mà còn là những thương lái đã “mua đám” (mua sỉ trên từng diện tích), họ rất cần thu hoạch củ năng với số lượng nhiều nhất trong một thời gian nhanh nhất, nên lúc nào cũng luôn chi trả đủ tiền “thu khoán” cho người làm thuê trong ngày. Tuy nhiên, những thời điểm này lại hay phát sinh một vài hiện tượng ép giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh ngay trên bờ ruộng năng.
Theo anh Bơnah Ria Khiêm, trong vụ thu củ năng vừa qua, không ít hộ dân trong thôn Grăng Gọ nghe lời “nghệ thuật tiếp thị” của thương lái đã bán vội vàng nhiều tấn củ năng với giá thấp hơn hai, ba mức giá so với giá thị trường. Và việc “bán đám” cũng đã gặp tình trạng tương tự. Có thể thấy vào kỳ xuống giống cấy trồng củ năng, thương lái đến đặt vấn đề ứng trước vốn cho nông dân.
Do thiếu những ràng buộc chặt chẽ và phù hợp theo hợp đồng, nên người nông dân thường chịu thiệt thòi trước nhiều điều kiện về giá, về độ khô và ướt, về tiêu chuẩn chất lượng… của củ năng mà thương lái thường viện ra để cấn - trừ khi thu hoạch.
Trong khi đó, toàn xã Pró hiện chỉ có một điểm thu mua củ năng với số lượng còn hạn chế, giá cả còn bấp bênh theo từng ngày. Phần lớn thương lái thu mua củ năng lưu động như vừa nêu là những người không quen biết, họ đến từ các địa phương khác ngoài huyện Đơn Dương.
Cây nào cũng lo
Vụ lúa hè - thu tới đây, gia đình nhà nông trẻ Ya Văn thu hoạch xong sẽ chuyển sang trồng mới thêm 0,3ha củ năng nữa. Và hàng chục hộ gia đình khác ở xã Pró cũng vậy. Dự định trong năm tới tiếp tục “đổi màu xanh” của lúa sang màu xanh của củ năng ước phải đến cả chục hecta là ít nhất.
Phần Chủ tịch Hội Nông dân xã Pró, anh Ya Thin cũng không nằm “ngoại lệ” bị lôi cuốn, nhưng đang trong “tâm thế” phân vân rằng: “Gia đình tôi có 1ha đất mà cứ giữ hết để trồng lúa cũng lo; mà chuyển sang bao nhiêu diện tích trồng củ năng cũng lo!”.
Theo đó, trồng lúa thì không bao giờ chịu lỗ cả vì giá thị trường ít thăng trầm, nhưng muốn đạt lãi “lập đỉnh” cần phải đầu tư chiều sâu về giống, kỹ thuật, phân bón, phòng trừ dịch hại… mới đạt năng suất từ 8 - 10 tấn/ha/vụ trở lên.
Mà hiện tại, nếu “cân đo” thì mức lãi cao nhất của lúa cũng chỉ mới “tiệm cận” với mức lãi trồng cây củ năng. Còn nếu chuyển đổi trồng củ năng một năm sau thu hoạch, sẽ không đoán chắc được giá bán như bây giờ hay không.
“Chủ tịch Ya Thin” cân nhắc chờ thêm một mùa thu củ năng của bà con ở xã Pró rồi mới quyết định cơ cấu “lúa - năng” trong hộ gia đình mình. Tôi hy vọng lúc đó cây lúa, cây năng nơi này sẽ hình thành những phương thức hợp tác sản xuất “đồng trà, đồng vụ”, cân đối quy luật cung - cầu…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao