Quảng Bình: Đẩy mạnh xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi
Tính đến năm 2017, tỉnh Quảng Bình có tổng đàn gia súc gần 480.000 con, tổng đàn gia cầm gần 3,6 triệu con và khoảng 210 trang trại chăn nuôi.
Trang trại chăn nuôi của anh Đỗ Văn Tùng được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn
Mặc dù tình hình chăn nuôi những năm qua phát triển khá, nhất là quy mô trang trại, nhưng số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn nhiều. Điều này dẫn tới nguy cơ phát sinh dịch bệnh nếu không được quản lý, kiểm soát tốt. Để từng bước nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vật nuôi, việc tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại thực hiện xây dựng cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh là biện pháp cần thiết.
Trang trại tổng hợp của anh Đỗ Văn Tùng ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh được Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Bình cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dịch tả lợn năm 2016. Hiện trang trại có đàn lợn gần 100 con lợn nái, 800 con lợn thịt, 4.000 con gà, 3 ao nuôi cá nước ngọt và một ít diện tích trồng khoai lấy củ. Theo anh Đỗ Văn Tùng, chăn nuôi lợn đem lại hiệu quả kinh tế chính cho trang trại, tuy nhiên, mấy năm gần đây, giá thịt lợn trên thị trường đang có xu hướng xuống thấp, thêm vào đó là ảnh hưởng từ các đợt dịch bệnh bùng phát sau bão, lụt khiến việc tiêu thụ không thuận lợi. Trước thực tế đó, anh đã lựa chọn giải pháp là xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tức là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học vào trong chăn nuôi, tạo môi trường chăn nuôi khép kín đảm bảo không cho dịch bệnh phát sinh và lây lan. Từ khi trang trại được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn thì việc mua bán sản phẩm lợn đã thuận lợi hơn rất nhiều vì thương lái an tâm vào chất lượng sản phẩm do trang trại xuất bán. Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bền vững, trong năm 2018, gia đình sẽ đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đánh giá, thẩm định để cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia cầm.
Còn với anh Hoàng Minh Thắng ở thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, khi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với đàn lợn, mục tiêu anh hướng tới là giúp kiểm soát được đàn vật nuôi chủ động và hiệu quả nhất nhằm giảm tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh để vừa đảm bảo yếu tố sạch bệnh, an toàn, vừa tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Trang trại của anh Thắng hiện có 200 con lợn, trong đó 50 con lợn nái. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô gia đình, năm 2009, anh đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn, đặc biệt từ năm 2016, anh xây dựng hệ thống nhà lạnh để chăn nuôi lợn theo quy trình khép kín. Ngoài ra, để đàn lợn sinh trưởng tốt, gia đình anh Thắng luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc việc tẩy uế môi trường, vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng; chú trọng nguồn thức ăn sạch và dinh dưỡng hợp lý. Anh Thắng chia sẻ, từ ngày thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đàn lợn của gia đình anh luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh phát sinh. Cuối năm 2017, trang trại của anh được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn.
Cũng là một trong những trang trại được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh năm 2017, anh Đinh Đăng Tuân, chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp ở thôn Đoàn Việt, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, anh được các cán bộ thú y hướng dẫn cách tiêm phòng đầy đủ và tiêm phòng bổ sung thường xuyên các loại vắc xin cần thiết cho đàn lợn. Nhờ vậy, tình trạng sức khỏe đàn lợn của trang trại được cải thiện đáng kể, tỷ lệ bảo hộ đối với bệnh dịch tả lên đến trên 70%. Điều quan trọng là sản phẩm lợn của anh khi xuất bán ngoại tỉnh được thương lái thu mua nhanh chóng, thuận lợi hơn so với các cơ sở chăn nuôi khác tại địa phương.
Theo bà Cao Thị Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình), chủ trương xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh có từ năm 2006, được kiểm tra, đánh giá và duy trì cho đến năm 2012. Tuy nhiên, do kinh phí kiểm tra mẫu quá cao, thị trường các loại vật nuôi rớt giá nên người dân cũng không còn mấy mặn mà trong vấn đề này. Cho đến năm 2016, thực hiện Luật Thú y và Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, vận động các trang trại, gia trại trên địa bàn tiếp tục thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh để tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, trong năm 2016 có 50 cơ sở đăng ký, nhưng quá trình đánh giá, thẩm định thì chỉ có 28 cơ sở đạt yêu cầu và được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn, cúm gia cầm và lở mồm long móng trên bò. Năm 2017, từ nguồn chính sách nông nghiệp của tỉnh, có 11 cơ sở đạt yêu cầu đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Những kết quả đạt được trong 2 năm liên tiếp sẽ là cơ sở để các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nỗ lực vận động, tuyên truyền đối với các trang trại, gia trại chăn nuôi còn lại trong tỉnh để tiếp tục xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong những năm tiếp theo.
Theo Thông tư số 14/2016-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, để được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu: áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; không xảy ra dịch bệnh; có kế hoạch và thực hiện việc giám sát dịch bệnh… Sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn tất các hồ sơ liên quan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tổ chức thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với cơ sở chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi cấp xã, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất thủy sản giống theo quy định. Định kỳ hàng năm, cơ quan thú y xây dựng và thực hiện kế hoạch đánh giá một lần đối với vùng, cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và đánh giá đột xuất khi cần thiết.
Về quyền lợi, là cơ sở an toàn dịch bệnh, các cơ sở chăn nuôi này sẽ được xem xét cấp chứng nhận đạt Quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGAHP) hoặc Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) khi có yêu cầu; được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…; đồng thời các hộ chăn nuôi tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định tại Khoản 2 Điều 17, Khoản 2 Điều 39 và Khoản 2 Điều 55 của Luật thú y; đối với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn, được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; đối với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản, được xem xét, đề xuất bán động vật thủy sản thương phẩm mà không phải qua sơ chế, chế biến khi có công bố dịch tại địa phương theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10-5-2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
Có thể nói, từ những quyền lợi mà người chăn nuôi có được thì việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật góp phần làm chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững tại địa phương, người tiêu dùng vì thế có nguồn cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn. Hi vọng trong tương lai không xa, tỉnh Quảng Bình sẽ hình thành nên nhiều cơ sở, vùng chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh động vật, giúp ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao