Tin nông nghiệp Quy trình thu hoạch mủ trôm ở đất đồi Bình Thuận

Quy trình thu hoạch mủ trôm ở đất đồi Bình Thuận

Author Vũ Đậu, publish date Tuesday. July 4th, 2017

Quy trình thu hoạch mủ trôm ở đất đồi Bình Thuận

Người dân huyện Tuy Phong cẩn thận làm sạch lớp biểu bì ngoài và khoan những lỗ nhỏ trên thân cây để mủ trôm ứa ra, làm lành vết thương.

Mủ trôm được mệnh danh là loại cây chinh phục đất cằn. Ảnh: Bizmedia.

Với diện tích vùng nguyên liệu khoảng 400 ha, cho sản lượng mủ trung bình mỗi năm khoảng 72 tấn, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đang được coi là "thủ phủ" của trôm - một loại cây thân gỗ được trồng chủ yếu để lấy mủ phục vụ chế biến thực phẩm và nước giải khát.

Nghề trồng và khai thác mủ trôm tại Bình Thuận:

Cây trôm phù hợp với nền thổ nhưỡng cằn, khô hạn của vùng đất đồi Tuy Phong, được nhân giống bằng hạt. Từ lúc ươm đến khi thu mủ lần đầu, cây được chăm sóc kỹ lưỡng, bón bằng phân chuồng, phân hữu cơ và làm cỏ thường xuyên.

Hoa của loại cây này có mùi hắc khó chịu nên không thu hút các loại côn trùng gây hại, phòng ngưa được sâu bệnh. Là loại cây có khả năng chịu hạn cao nên khoảng vài ngày, người trồng mới phải tưới nước một lần. Khi cây bắt đầu lên tán, việc tưới nước cũng hạn chế dần.

Sau 4-5 năm (những vùng đất cằn có thể tới 6 năm), cây mới cho thu hoạch mủ. Thoạt nhìn, các công đoạn thu hoạch mủ trôm đơn giản nhưng thực tế lại đòi hỏi sự tỷ mỷ, kỳ công của người trồng.

Muốn thu được mủ trôm sạch, màu trắng, không bị lẫn bụi, vỏ cây, trước khi tiến hành lấy mủ, người trồng phải vệ sinh phần vỏ cây cho bằng cách cạo sạch lớp biểu bì ngoài sau đó khoan xuyên qua lớp vỏ. Lỗ khoan to hay bé tùy thuộc vào độ lớn của cây. Theo người dân địa phương, việc dùng máy khoan để dùi lỗ lấy mủ trôm sẽ ít làm cây bị tổn thương, mủ trôm ra đều và thân cây cũng nhanh lành trở lại.

Mủ sẽ hình thành ở những vết thương trên cây. Ảnh: Bizmedia.

Sau 1-2 ngày, lớp nhựa cây ứ ra, đông thành từng cục nhỏ bám trên vỏ cây, lấp đầy các lỗ khoan để làm lành vết thương, người trồng tiến hành thu hoạch mủ. Do mủ trôm có dạng đặc, nhờn, dễ bám bụi, bẩn nên quá trình thu hoạch đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận.

Quy trình thu hoạch mủ được lặp lại khoảng 2-3 ngày. Tùy thuộc vào độ lớn và độ già của thân cây, số lần thu hoạch mủ trôm có thể lên đến 10-15 lần thì vết thương trên thân cây mới lành trở lại. Khi đó, người trồng lại tiếp tục cạo vỏ và thu hoạch tiếp.

Ngoài ra, nếu không sử dụng phương pháp khoan lỗ, một số người còn thu hoạch mủ bằng cách đục so le dọc theo thân cây nhiều rãnh nhỏ theo rồi dùng vỏ bọc nilon quấn kín, để khi mủ chảy ra không bị dính bẩn hoặc không bị chảy rớt xuống nền đất. Sau 7 ngày, người trồng tháo lớp nilon ra và thu được mủ trôm tươi.

Hạt mủ trôm sau khi phơi khô và nghiền nhỏ. Ảnh: Bizmedia.

Mủ trôm được thu hoạch chủ yếu vào mùa nắng, từ tháng 11 năm trước tới tháng 5 năm sau. Nếu thu hoạch vào mùa mưa, mủ phải được lấy liên tục trong ngày để không bị bám dính nước mưa, tránh tình trạng mủ chuyển từ màu trắng đục sang màu vàng, bị nở và bị hỏng.

Sau khi thu hoạch mủ trôm tươi, người dân đem phơi dưới nắng gắt khoảng 3-4 ngày là có thể thu được mủ khô. Trung bình, 1kg mủ tươi sau khi phơi khô sẽ còn khoảng 0,5kg. Mủ trôm khô có thể được nhập bán trực tiếp cho thương lái và sử dụng làm nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, mỹ phẩm, chế biến thực phẩm hoặc tiếp tục sơ chế thành sản phẩm hoàn thiện, dùng làm giải khát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận trường...

Do chứa hàm lượng magiê cao, mủ trôm Bình Thuận được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện sản phẩm mủ trôm của vùng được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong tỉnh, TP HCM và một số địa bàn lân cận.


Người nông dân với tâm huyết sản xuất nông sản sạch Người nông dân với tâm huyết sản xuất… Vải thiều Việt bán 200.000 đồng một kg tại Thái Lan Vải thiều Việt bán 200.000 đồng một kg…