Sản xuất sữa mới đáp ứng 40% nhu cầu trong nước
Tại Hội thảo “Hợp tác và phát triển trong lĩnh vực sản xuất bò giống: Bài học của Đan Mạch” diễn ra ngày 8/10 tại Hà Nội, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Việt Nam đã sản xuất được 549.500 tấn sữa năm 2014, tăng 20,4% so với năm 2013 nhưng chỉ mới đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước.
Đây là hội thảo do Bộ NN&PTNT và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các nhà quản lý, hiệp hội, nhà khoa học, doanh nghiệp… học tập những kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật tiến bộ từ các nước tiên tiến trong quá trình quản lý, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, đặc biệt là vấn đề kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm trong các sản phẩm từ bò.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp lớn đã bước chân vào thị trường thịt, bò sữa do nhận thấy nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng đối với mặt hàng này.
Mặc dù những năm qua chăn nuôi bò sữa và bò thịt đã có sự phát triển đáng kể cả về chất lượng và số lượng, song, để phát triển hơn nữa, Việt Nam cần những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ giống từ các nước tiên tiến.
Ông Tống Xuân Chinh cho biết, tính đến đầu tháng 4/2015, tổng số lượng đàn bò sữa cả nước đạt 253.700 con, tăng 26,5% so với năm 2013.
Chăn nuôi bò sữa tuy mới phát triển gần đây, nhưng tốc độ phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năng suất và sản lượng sữa của bò sữa Việt Nam hiện là 4.500-5.500 kg/chu kỳ, tương đương hoặc cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines.
Tuy nhiên, ông Chinh cũng thừa nhận, quy mô chăn nuôi bò sữa và bò thịt vẫn nhỏ, chỉ có 384 cơ sở chăn nuôi có quy mô đàn từ 20 con trở lên (chiếm 1,95%).
Đối với bò thịt, cũng tính đến thời điểm đầu tháng 4/2015, Việt Nam có 5,3 triệu con, chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cho sản lượng thịt khoảng 180.000 tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
“Chăn nuôi bò thịt là nghề truyền thống của nông dân Việt Nam nhưng sản lượng thịt bò chỉ đáp ứng được 3,1% tổng lượng thịt xẻ,” ông Chinh cho biết thêm.
Trước đó, nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp đã cảnh báo, nếu không có sự thay đổi thì ngành chăn nuôi bò sữa, bò thịt sẽ là một trong những ngành chịu cạnh tranh nặng nề từ các nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chăn nuôi trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước tham gia TPP.
Người tiêu dùng và nhà nhập khẩu sẽ được lợi, trong khi người sản xuất/nhà xuất khẩu phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài.
Hậu TPP, dòng thương mại có xu hướng thay đổi theo mức cắt giảm thuế quan, chuyển sang nhập khẩu sữa bột từ NewZealand, trâu bò sống từ Úc và các sản phẩm thịt từ Mỹ.
Thịt đông lạnh sẽ phát triển do yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng ngày một tăng lên, thịt nóng ngoài chợ sẽ không đáp ứng được.
Đặc biệt, mặt hàng sữa, thịt bò, thịt heo là những mặt hàng bị cạnh tranh nặng nề khi gia nhập TPP do nước ta không có lợi thế chăn nuôi gia súc lớn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao