Sâu phao đục bẹ hại lúa
Sâu phao đục bẹ hay sâu đục bẹ lây lan nhanh trên diện rộng, hình thành các ổ dịch lớn và nếu không phòng trị kịp thời sẽ gây hại nặng đến năng suất cây trồng…
Triệu chứng gây hại: Gọi là sâu phao đục bẹ vì cách thức, thời điểm sinh sống giống như sâu phao nhưng cách gây hại lại giống như sâu đục thân. Sâu thường bắt đầu gây hại khoảng10 - 15 ngày sau sạ (NSS) đến cuối giai đoạn đẻ nhánh (40 - 50 NSS), sâu tuổi nhỏ thường cạp nhu mô, cắn đứt mép lá thành dạng răng cưa, sâu tuổi lớn cắn đứt hai mảnh lá, nhả tơ gấp lại làm phao (triệu chứng gây hại của sâu phao), sâu có thể đục vào bẹ làm bẹ bị thối, vàng, nếu đục vào đỉnh sinh trưởng thì sẽ làm đọt bị chết (triệu chứng gây hại của sâu đục thân). Lúa bị hại sẽ kém phát triển, thấp cây, nảy chồi ít, bông ngắn, hạt nhỏ, lép nhiều.
Điều kiện lây lan: Sâu đục bẹ thường gây hại trên các chân ruộng trũng nước, lúa mọc thưa, cấy dặm, ở các địa phương không có mùa vụ rõ rệt, gieo sạ không đồng loạt, nếu sạ muộn bị nặng hơn sạ sớm, sau khi thu hoạch lúa, sâu sống trên lúa rày, lúa chét hoặc trên cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng còn nhỏ. Sâu gây hại phổ biến trong vụ ĐX và HT.
Đặc tính sinh học:
Bướm: Giống như bướm sâu cuốn lá nhỏ, nhưng cánh có màu vàng rơm đến nâu đậm, trên cánh có nhiều chấm trắng viền nâu, mép cánh có viền nâu đậm. Bướm đực có nhiều đường nét sặc sỡ hơn bướm cái, giữa cánh có đốm nâu lớn, cuối cánh có đốm trắng nhỏ. Bướm bay nhanh nhẹn hơn bướm sâu cuốn lá, bướm sâu phao, khi đậu cánh xếp lại, đầu quay xuống nước. Bướm sống 5 - 7 ngày.
Trứng: Sau khi vũ hóa 2 - 3 ngày, bướm chọn nơi có nước để đẻ trứng, bướm cái có thể đẻ 20 - 30 trứng mỗi lần và đẻ 2 - 3 lần (2 - 3 đêm). Trứng màu trắng, hơi tròn, được đẻ thành từng cụm hay thành 2 - 4 hàng ở mặt dưới lá gần bẹ hay ngay trên bẹ lá sát mực nước. Sau khi đẻ 5 - 7 ngày, trứng nở thành sâu non.
Sâu non: Sâu mới nở có màu trắng ngà, dài khoảng 4 - 5mm, sâu lớn có màu vàng nhạt, rất dai. Sâu non thường bò lên cạp nhu mô, cắn lá làm phao, phao của sâu đục bẹ là do hai mảnh lá ghép lại, dẹp, sâu tuổi 1 dài khoảng 5 ngày, sâu tuổi 2 vừa ăn lá, vừa đục vào bẹ từ ngang mực nước xuống gốc lúa, từ tuổi 3 trở đi sâu đục vào thân là chính còn lá lúa chỉ làm phao, đặc biệt sâu có thể chui cả thân mình xuống nước để đục vào thân. Sâu đủ sức dài khoảng 20 mm, màu trắng sáp, bóng, mập, đầu có màu xám nâu. Thời gian sâu non dài khoảng 20 - 22 ngày.
Nhộng: Sâu hoá nhộng ở ngay vết đục hoặc đầu ghim vào bẹ lúa ngang mực nước. Thời gian hoá nhộng đến vũ hóa khoảng 8 ngày.
Phòng trị:
Gieo sạ đồng loạt. Thăm đồng thường xuyên: Nếu phát hiện có nhiều xác bướm trên mực nước hay có dấu hiệu lúa bị sâu đục bẹ gây hại thì phải có biện pháp phòng trị ngay.
Điều chỉnh nước trên ruộng: Giai đoạn lúa 10 - 20 ngày tuổi không nên để mực nước ngập quá sâu, giữ mức nước 3 - 5cm là đủ vừa tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh vừa hạn chế bướm đẻ trứng. Khi phát hiện sâu non nở rộ, nên tháo cạn nước trong vài ngày để hạn chế sâu di chuyển, lây lan và phun thuốc trừ sâu ngay.
Phun thuốc: Nếu phát hiện sớm, sâu tuổi 1 - 2, do lúc này sâu chỉ tấn công phần lá lúa trên mực nước nên có thể dùng các loại thuốc có tính tiếp xúc, vị độc, như Sec Sài Gòn 20, 50EC, Sairifos 585EC. Nếu phát hiện muộn, khi sâu lớn, đã đục vào thân, thì nên dùng các loại thuốc có tính lưu dẫn, thấm sâu, xông hơi như Sairifos 585EC hay Lancer 97DF.
Chú ý: Nên phun thuốc lúc sáng sớm hay chiều mát, cần chú ý rút cạn nước, khoanh vùng phun xịt, phun kỹ nơi sâu gây hại nặng.
Ngoài các loại thuốc nước, có thể dùng các loại thuốc hạt để rải như Sago supe 3G, Gà Nòi 4G, Diaphos 10H… Chú ý trước khi rải nên giữ mức nước 3 - 5cm, rải thuốc, giữ nước trong 5 - 7 ngày.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao