Thiệt hại do hạn không phải mặn nữa mà là... đắng
Hôm qua 7.3 tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về công tác phòng, chống xâm nhập mặn.
Thiệt hại nặng nề do hạn, mặn
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, dân sinh. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016, trở thành El Nino kéo dài nhất được ghi nhận ở nước ta. Mùa mưa sẽ đến muộn, lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 30-60%; dòng chảy hệ thống sông thiếu hụt so với TBNN từ 30-50%.
Do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 2 tháng, chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn, trong đó các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực sông Vàm Cỏ, các cửa sông thuộc sông Tiền, các cửa sông thuộc sông Hậu, ven biển Tây (trên sông Cái Lớn)...
Báo cáo với Thủ tướng, ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre cho biết, đến nay toàn tỉnh đã có 13.800ha lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn, mặn và diện tích này sẽ còn tăng thêm. “Năm nay coi như là 100% diện tích lúa bị thiệt hại hoàn toàn vì những diện tích còn lại, lá đã ngả sang màu đỏ, không trổ đòng được. Chúng tôi nói, bây giờ không còn mặn nữa mà đã tới… đắng rồi” – ông Hạo nói. Ông cũng cho biết, Bến Tre đang có khoảng 88.000 hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt.
Còn tại Kiên Giang, theo ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch tỉnh, đến nay tỉnh này đã có 55.000ha lúa đông xuân bị thiệt hại, ước mất 1.200 tỷ đồng. Về diễn biến bất ngờ của hạn, mặn, ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng cho biết: “Tỉnh đã có sự chuẩn bị từ trước, phân công cán bộ đo đạc, trực đóng cống, còn người dân thì ngăn không cho nước vào ruộng. Thế nhưng đã có khoảng 4.000ha lúa đông xuân bị thiệt hại trên 70%, khoảng 29.000 hộ bị thiếu nước ngọt sinh hoạt…
Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ trước mắt ưu tiên bố trí 1.060 tỷ đồng để đầu tư một số hạng mục công trình phòng chống hạn, mặn; hỗ trợ 215 tỷ đồng để các địa phương mua giống, khôi phục sản xuất cho các diện tích bị thiệt hại, đồng thời bố trí 8.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng có tác động liên vùng. Cộng lại hai khoản là trên 9.000 tỷ đồng
Giảm tối đa khó khăn của người dân
Phát biểu kết luận cuộc họp, nhấn mạnh về dự báo El Nino sẽ kéo dài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, các địa phương trong vùng cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kể cả trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất thiệt hại, giảm tới mức thấp nhất khó khăn của người dân; coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung, quan tâm chỉ đạo.
Theo đó, phải bảo đảm được nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nhân dân nhằm ngừa phát sinh và lây lan dịch bệnh; không để xảy ra tình trạng thiếu nước uống, nước sinh hoạt hợp vệ sinh (hiện có tới 155.000 hộ dân thiếu nước ngọt). Bảo đảm nước ngọt phục vụ cho sản xuất lúa, cây ăn quả, trồng và bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy hải sản…
Về sản xuất lúa, phải tập trung thu hoạch và ngăn mặn, bảo vệ cho được diện tích lúa đông xuân hiện nay nhằm giảm thiệt hạn. Với diện tích lúa đã bị thiệt hại khoảng 140.000ha, cần kịp thời hỗ trợ theo quy định để khôi phục lại sản xuất. Chính phủ bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ. Cùng với đó, phải kịp thời chuẩn bị cho việc xuống giống vụ hè thu.
Các giải pháp cụ thể mà Thủ tướng nêu ra là: Cần đắp đập để giữ nước ngọt ở những vùng có thể giữ được. Đối với những vùng hiện tại không thể giữ ngọt được, dứt khoát không xuống giống vụ hè thu, song phải hết sức quan tâm, hỗ trợ nhân dân chuẩn bị để xuống giống vụ thu đông khi đã bảo đảm được điều kiện. Đối với các diện tích có thể sản xuất được 3 vụ lúa thì phải hết sức quan tâm hỗ trợ và khuyến khích tối đa sản xuất 3 vụ.
Với diện tích cây ăn trái khoảng 300.000ha, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền phải sát sao cùng với nhân dân tìm mọi cách ngăn mặn, giữ ngọt, bảo đảm tưới tiêu cho cây ăn trái. “Muốn giữ diện tích cây ăn trái phải có nước ngọt. Dự báo 3 tháng nữa mới có mưa, vì vậy phải tìm mọi cách bảo vệ, giữ diện tích cây ăn trái, bảo đảm ít thiệt hại nhất” - Thủ tướng yêu cầu.
Về nuôi trồng thủy sản, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng để duy trì, bảo vệ và phát triển được diện tích nuôi tôm, cá tra, cá basa… qua đó bảo đảm thu nhập, việc làm cho người dân.
Chủ động hỗ trợ nhân dân
Trả lời các kiến nghị về hỗ trợ địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng nêu rõ, đối với các khoản kinh phí hỗ trợ đã có quy định, cần chủ động thực hiện theo quy định, bảo đảm nguồn hỗ trợ này tới tay người dân bị thiệt hại do thiên tai kịp thời, đầy đủ để sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. “Bộ Tài chính cứ hỗ trợ theo quy định. Ví dụ 1 công lúa, 1ha lúa bị thiệt hại hỗ trợ bao nhiêu thì cứ ứng trước vốn. Các địa phương khi được ứng kinh phí phải thực hiện theo đúng quy định, sau quyết toán lại. Không để dân bị thiệt hại, sản xuất bị thiệt hại mà chưa có kinh phí, chưa bố trí kịp kinh phí, phải đợi kinh phí”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao