Tin thủy sản Tìm lối thoát cho ngành cá vây châu Á

Tìm lối thoát cho ngành cá vây châu Á

Author Đan Linh (tổng hợp), publish date Tuesday. April 10th, 2018

Tìm lối thoát cho ngành cá vây châu Á

Được đánh giá là nhiều tiềm năng phát triển, nhưng ngành cá vây châu Á vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Cơ hội lớn, song thách thức phía trước vẫn còn nhiều.

Năm 2018, sản lượng cá vây toàn cầu tiếp tục tăng. Ảnh: shutterstock 

Khó khăn chồng chất

Tại hội nghị bàn tròn TARS 2017 diễn ra tháng 8/2017 tại Indonesia, ngành cá vây châu Á trở thành tâm điểm của các phiên thảo luận. Nước chủ nhà Indonesia (quốc gia sản xuất cá vây lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ) được đánh giá cao nhờ sở hữu nhiều trại nuôi cá rô phi quy mô lớn nhất thế giới; sản lượng cá vây đã tăng lên 3,7 triệu tấn vào năm 2015. Hầu hết các hoạt động nuôi cá đều tập trung ở phía Tây của nước này với sản lượng lên tới 2,9 triệu tấn.

Nói về ngành cá vây Indonesia, Erwin Suwendi, Trưởng phòng Dinh dưỡng và kiểm soát chất lượng NTTS tại Tập đoàn Japfa Indonesia cho biết, sản lượng cá rô phi đạt 1,09 triệu tấn vào năm 2015, tiếp đến là cá da trơn Clarias đạt 719.000 tấn, cá chép 461.500 tấn và cá tra, basa đạt 339.100 tấn. Nhưng hai điểm yếu lớn nhất của ngành cá vây Indonesia hiện nay là con giống chất lượng và năng lực sản xuất có hạn. Nông dân địa phương đa phần còn nghèo và chưa được trang bị kiến thức kỹ thuật để khắc phục sự cố khi nuôi.

Khi nhiều nước châu Á tập trung nuôi cá vây nước ngọt, Malaysia nuôi biển. Nuôi cá vây nước mặn bắt đầu từ năm 1997 khi Công ty NTTS KS Aquaculture mua lại IKS xây dựng 20 lồng nuôi tại Pulau Ketam, Selangor. Tới nay, Công ty có 7.482 lồng cá trên tổng diện tích 154.000 m2 với các đối tượng nuôi chính gồm cá hồng, cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm châu Á, sản lượng hàng năm 1.250 tấn cá thương phẩm và 5 triệu cá giống (< 5 cm/con).

Tuy nhiên, Laura Khor, Giám đốc chất lượng tại KS Aquaculture nhấn mạnh, nông dân nuôi cá vây tại đây đều gặp nhiều khó khăn để đáp ứng được những thay đổi môi trường và thị trường. Theo Laura, các kỹ sư tại đây dành phần lớn thời gian kiểm soát dịch bệnh và các điều kiện môi trường. Ngoài ra, việc sắp xếp kế hoạch thu hoạch cá để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đặc biệt vào mùa cao điểm cũng trở thành thách thức tưởng chừng đơn giản. Thực tế, các hộ nông dân nhỏ lẻ vẫn chưa có cơ hội tự nuôi cá vây nước mặn vì chi phí con giống và thức ăn đang tăng cao. Năm 2016, chi phí thức ăn tăng 31% thì chi phí thu mua cá vụn làm thức ăn tăng 188%. Hiện, nông dân tại đây vẫn phụ thuộc và nguồn cá mú giống và cá chim giống nhập khẩu từ Indonesia, Trung Quốc và Đài Loan nên còn phải đối diện nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh nếu con giống không được kiểm dịch tốt.

Bài học từ Địa Trung Hải

Theo Herve Lucien Brun, Công ty tư vấn NTTS Jefo, sự phát triển của ngành cá vây Địa Trung Hải chính là bài học quý giá cho ngành cá vây châu Á. Năm 1980, Pháp, Tây Ban Nha, và Italia trở thành 3 chân kiềng vững chắc trong sản xuất cá tráp Địa Trung Hải. Tới năm 1990, những đột phá trong sản xuất giống đã đẩy ngành cá vây châu Âu lên tầm cao mới. Sau đó, sự cạnh tranh giữa các quốc gia tăng dần với sự phát triển thần tốc của ngành cá vây Hy Lạp và Ai Cập.

Lucien cho biết, trong những năm 1990, nút thắt trong trong xuất con giống đã được tháo gỡ. Ban đầu, hầu hết các cơ sở xuất khẩu cá nuôi, cá tươi nguyên con 300 - 500 g/con sang thị trường Australia với giá bán rất cao. Nhưng khi hoạt động nuôi cá tráp và cá chẽm phát triển rầm rộ giai đoạn 1992 - 2002 thì giá cá bắt đầu hạ thấp. Giá mua tại trại của hai loại trên chỉ xấp xỉ 60% mức giá giữa 1990 - 2000. Ngành cá vây phải tìm cách hợp lý hóa để chi phí cố định. Các trại nuôi nhỏ khoảng 5 - 10 lồng bắt đầu bị phá sản, còn các trại lớn cũng lao đao. Một số nhóm sản xuất với sự trợ giúp của ngân hàng đã vô tình bán phá giá để cạnh tranh, tạo ra một cuộc chiến thực sự trong ngành cá vây châu Âu. 

Sự hỗn loạn giảm dần khi nhiều trại nuôi sát nhập hoặc hợp tác với nhau khiến số lượng công ty sản xuất cá vây biển giảm từ 430 xuống hơn 40 vào năm 2016. Các công ty bắt đầu đưa nhau thực hiện chiến lược cải thiện chi phí sản xuát để duy trì cạnh tranh, như cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) giảm từ 1,8 - 2,2:1 xuống 1,4 - 1,6:1 với cá 500 g; cá lớn hơn giảm xuống 2,2:1 từ 3:1. Bên cạnh đó, các hãng sản xuất thức ăn đều nỗ lực cắt giảm tỷ lệ bột cá và dầu cá và chỉ sử dụng thức ăn ép đùn. Trong quản lý thức ăn, công nghệ tự động hóa cũng được giới thiệu và sử dụng rộng rãi. Cá giống được khoanh vùng sản xuất ở các trại chuyên môn cao (khoảng 1 tỷ cá giống/năm) để tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Ngoài ra, các hãng cá vây tại Địa Trung Hải bắt đầu chú trọng xây dựng hình ảnh và thương hiệu sản phẩm. Những năm 1990, cá được bán nguyên con vào các thị trường tự do thì ngày nay, vấn đề đánh giá thị trường tiềm năng và xây dựng thương hiệu đã được nâng lên.

Ngoài ra, thị trường ngày càng đòi hỏi sự minh bạch và tốc độ lan truyền thông tin rất nhanh. Những lời đồn thổi không hay về cá rô phi hay cá tra, basa lúc nào cũng sẵn có trên mạng internet và nhanh chóng trở thành tư liệu cho các bài báo chứa đựng thông tin sai lệch. Do đó, việc quản trị hình ảnh bằng kỹ năng tư duy phản biện là cực kỳ quan trọng. Từ sự phát triển của ngành cá vây Địa Trung Hải, ngành cá vây châu Á có thể nhận thấy chìa khóa thành công nằm ở con giống, thức ăn đến tính bền vững và truy xuất nguồn gốc.

>> Theo thông tin tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các lãnh đạo NTTS năm 2017 (GOAL 2017), dự kiến sản lượng cá vây toàn cầu tiếp tục tăng trong năm 2018, chủ yếu là cá rô phi (ước 6,5 triệu tấn, tăng 2,6%); pangasius (ước 2,7 triệu tấn, tăng 10%); cá da trơn (ước 5,7 triệu tấn, tăng 8%) và cá hồi (630.000 tấn, tăng 4%).


Nuôi thí điểm hải sâm tại đầm nước mặn Sa Huỳnh Nuôi thí điểm hải sâm tại đầm nước… Kiểm soát chặt tôm bố mẹ nhập khẩu Kiểm soát chặt tôm bố mẹ nhập khẩu