Tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm gặp khó
Vụ tôm buồn
Không giống như những năm trước, vụ tôm năm nay ở thôn Mỹ Huệ 2, xã Bình Dương khá buồn tẻ. Những đồng tôm rộng gần chục héc-ta không có mấy người trông coi. Lác đác có mấy hộ nạo vét lại hồ để chuẩn bị thả nuôi tôm vụ mới. Nguyên nhân là do mới đây, Sở NN&PTNT đã có Công văn đề nghị UBND huyện Bình Sơn chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc huyện, UBND xã Bình Dương và các chủ hộ nuôi tôm tổ chức tiêu hủy ổ dịch gây bệnh đốm trắng và vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm.
Theo các hộ nuôi tôm, lúc đầu chỉ có hồ nuôi tôm của ông Huỳnh Minh Phát và hộ ông Trần Ngọ phát hiện tôm bị bệnh. Ngay sau khi nhận được tin báo từ địa phương, ngày 27.4.2016, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bình Sơn phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu và gửi cơ quan Thú y Vùng IV (Đà Nẵng) yêu cầu xét nghiệm. Kết quả cho thấy, mẫu tôm thẻ chân trắng của hộ ông Huỳnh Minh Phát và hộ ông Trần Ngọ đều dương tính với vi rút gây bệnh đốm trắng (WSSV) và vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có gen gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm (AHPND).
Ông Trần Công Sinh, xóm 4A, thôn Mỹ Huệ 2 cho biết: "Tôi nuôi tôm đã trên chục năm rồi, nhưng chưa thấy bệnh gì trên tôm mà gây chết nhanh như đợt này, khiến tôi không kịp trở tay, ước tính thiệt hại trên chục triệu đồng”. Còn ông Trần Ngọ, toàn bộ 4.000m2 tôm thẻ chân trắng của ông thả nuôi trên 30 ngày bị bệnh, nên đã bị tiêu hủy. “Mấy năm cũng bị dịch bệnh, nhưng có hồ bị, hồ không nên cũng vớt vát được. Còn đợt này thì coi như mất trắng trên 30 triệu đồng”, ông Ngọ, cho biết.
Phát hiện dịch bệnh, những chủ hồ tôm xung quanh đã mua thuốc để phòng. Tuy nhiên, do dịch bệnh lây lan nhanh, nên vẫn không thể khống chế được. Do đó, khu vực nào bị nhiễm bệnh thì tất cả các hồ nuôi quanh đó cũng đều nhiễm bệnh theo. Từ hai hộ ban đầu, đến nay toàn bộ diện tích hồ nuôi tôm của người dân ở thôn Mỹ Huệ 2 đều bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy.
Mong được hỗ trợ
Tất cả các hộ nuôi tôm ở xã Bình Dương đều mua giống từ các công ty giống ở tỉnh Ninh Thuận, có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của công ty cũng đã về tận nơi để hướng dẫn bà con cách thả giống và phòng bệnh.
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bình Sơn, nguyên nhân khiến dịch bệnh trên tôm lây lan nhanh và khó khống chế, là do khi tôm hồ này bị bệnh chết thì sẽ bị chim hải âu bay tới ăn và tha đến hồ khác. Chính vì vậy, dù người dân đã mua thuốc đánh phòng, nhưng vẫn không ngăn được dịch bệnh. “Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, chúng tôi đã đề nghị công bố dịch lên cấp trên để được hỗ trợ, nhưng đợi ra quyết định thì đã hết dịch và toàn bộ số tôm bị bệnh đã bị tiêu hủy. Mong rằng các hộ này sẽ nhanh chóng nhận được hỗ trợ, vì tất cả đều nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm của xã, nguồn gốc giống rõ ràng, thả nuôi đúng lịch thời vụ”, ông Lê Văn Đông – Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bình Sơn cho biết.
Từ đầu vụ đến giờ, trên địa bàn huyện Bình Sơn đã có 8,2ha tôm nuôi bị chết do vi rút WSSV và vi khuẩn AHPND gây ra. Trong đó, tập trung chủ yếu ở Bình Dương, khiến hàng chục nông dân rơi vào cảnh khó khăn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao