Tin nông nghiệp Triển vọng từ cam sành không hạt

Triển vọng từ cam sành không hạt

Author Thanh Thúy, publish date Wednesday. October 3rd, 2018

Triển vọng từ cam sành không hạt

Hàng ngàn cây cam sành không hạt xanh tốt với tán lá phủ rợp cả khu vườn, đó là thành quả sau gần 3 năm cải tạo từ đất lúa kém hiệu quả trồng cây ăn trái của gia đình bà Trần Thị Nhiều, ở ấp Láng Sen A, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy. Đây sẽ hứa hẹn một triển vọng mới cho loại cây này ở xứ Ngã Bảy.

Hiện tại, vườn cam sành không hạt của bà Nhiều phát triển khá tốt.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cây có múi được trồng trên địa bàn với diện tích khá lớn. Nhiều giống cây có năng suất cao, phẩm chất trái ngon mang lại thu nhập cao cho người trồng nên được ưu tiên phát triển. Trong đó, có giống cam sành đang được ưu tiên, đây là loại cây mang lại thu nhập rất cao cho nhà vườn do nhu cầu của thị trường. Không những thế, do một số đặc tính nổi trội của giống như thời gian cho trái sớm, năng suất cao, phẩm chất ngon, nhiều nước, thịt có màu cam sẫm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, do sự bùng phát diện tích khá lớn, nhiều loại giống không rõ nguồn gốc đã khiến phần lớn cam sành bị dịch bệnh gây hại, nhất là vàng lá thối rễ đã khiến chất lượng, năng suất bị suy giảm.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cũng như mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, thị xã Ngã Bảy đã khuyến khích bà con chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế. Theo đó, địa phương đã lựa chọn giống cam sành không hạt dòng sạch bệnh lấy từ trung tâm giống để hỗ trợ cho nông dân. Bà Trần Thị Nhiều, ở ấp Láng Sen A, xã Hiệp Lợi, là một trong những hộ được hỗ trợ cây giống cam sành không hạt để trồng thí điểm.

Bà Trần Thị Nhiều, cho biết: “Hồi trước, tôi trồng lúa, nhưng cũng chỉ được 2 vụ nên chỉ đủ ăn, đủ mặt. Gia đình cũng mong muốn trồng cam từ nhiều năm nay, thế nhưng chưa có điều kiện. Khi hay tin địa phương hỗ trợ cây giống, phân bón ban đầu nên tôi quyết tâm đầu tư luôn. Lúc mới bắt tay vào trồng, gia đình tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn do ở đây vốn có tiếng vang với cây cam sành, riêng cam sành không hạt là loại giống khá mới. Ai cũng cho rằng gia đình tôi quá mạo hiểm, tuy nhiên tôi vẫn quyết tâm trồng cam sành không hạt này, vì tin loại cam này sẽ làm nên chuyện”.

Tính đến nay đã gần 3 năm, cây cam bắt đầu cho trái chiếng. Do thích nghi với thổ nhưỡng nên cây phát triển khá mạnh. Dù trồng không được đồng loạt nhưng đến nay số cam đã phủ hết diện tích 2ha. Để cam có trái to, bà Nhiều chăm bón rất kỹ từ lúc cây mới ra hoa, thường xuyên vun gốc bón phân, đồng thời tỉa những cành kém hiệu quả giúp cây mang lượng trái vừa đủ. Nhờ cần mẫn chăm sóc nên vườn cam của bà xanh tốt, trái xum xuê. Bà Nhiều chia sẻ thêm: “So với trồng lúa thì trồng cam cực hơn nhiều. Nhưng cũng nhờ tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây có múi, kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được nên vườn cây phát triển rất tốt”.

Ông Lâm Hoàng Lợi, Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Ngã Bảy, cho biết: Với mong muốn cung cấp giống sạch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm nên địa phương đã tiến hành hỗ trợ cho nông dân giống cam sành không hạt. Đây là giống cam mới tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Để giúp hộ trồng đạt hiệu quả cao, ngành thường xuyên tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi cho nông dân để có thể sản xuất đúng theo quy trình, đạt năng suất, chất lượng.

Ông Lê Hùng Chiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: Toàn thị xã hiện có hơn 2.700ha trồng cam sành. Các giống cam này đang trong tình trạng bị thoái hóa nên khả năng chống chịu sự khắc nghiệt của môi trường và sâu bệnh ngày càng giảm sút, năng suất và chất lượng trái giảm dần… Trong khi đó, giống cam sành không hạt lại có rất nhiều ưu điểm như trái đẹp, mọng nước và ngọt nên có nhiều khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa, việc tạo giống mới đang góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm của địa phương trong tương lai. Tuy nhiên, do chỉ mới trồng thí điểm nên diện tích nhỏ, việc tiêu thụ còn khá ít, vì thế trong thời gian tới địa phương sẽ đánh giá lại năng suất, hiệu quả, trên cơ sở đó sẽ tiến hành nhân rộng. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị cam sành trong thời gian tới.


Trồng rau má thoát nghèo Trồng rau má thoát nghèo Vườn dưa xanh tốt không dùng thuốc của chàng kỹ sư công nghệ Vườn dưa xanh tốt không dùng thuốc của…