Trồng rau má thoát nghèo
Từ một hộ cận nghèo, gia đình ông Nguyễn Văn Định ở thôn Phú Lễ, xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) đã thoát nghèo nhờ mô hình trồng rau má sạch. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập trên 150 triệu đồng. Vừa qua, ông Định được Hội Nông dân huyện Đông Hòa tuyên dương nông dân sản xuất giỏi.
Ông Định thu hoạch rau má - Ảnh: THỦY TIÊN
Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông Định được Nhà nước cấp 4 sào ruộng và ông mua thêm 6 sào nữa để trồng lúa. Nhưng đất ở vùng này bị nhiễm phèn nên trồng lúa không hiệu quả, bình quân mỗi sào chỉ thu được từ 150-200kg lúa, tính ra mới đủ chi phí đầu tư chứ không có lãi.
Để có tiền trang trải cho gia đình và nuôi 6 đứa con ăn học, ông Định học cách trồng rau màu của người dân xã Bình Ngọc. Ban đầu, vợ chồng ông Định chuyển đất lúa sang trồng 4 sào dưa leo, 4 sào bắp, còn lại 2 sào trồng lúa để có gạo ăn. Sau vài vụ sản xuất, thấy trồng rau màu hiệu quả cao hơn trồng lúa nên vợ chồng ông chuyển 10 sào đất sang trồng bắp, dưa leo, khổ qua… bình quân mỗi sào, cây màu cho lãi khoảng 1,5 triệu đồng/vụ. Đến năm 2013, thấy một số hộ dân ở đây trồng rau má rất hiệu quả nên ông Định trồng thử nghiệm loại rau này.
Để có giống rau má, vợ chồng ông nhờ một người quen chuyên thu mua rau má ở xã Bình Ngọc xin giống và trồng trên 3 sào đất. Nhờ chịu khó chăm sóc nên rau phát triển tốt, ông Định tiếp tục nhân giống và trồng toàn bộ trên 10 sào đất của gia đình.
Theo ông Định, cây rau má rất dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, mỗi lứa trồng chỉ từ 25-30 ngày. Sau khi thu hoạch, rau tự nứt và phát triển tiếp nên không tốn chi phí đầu tư giống. Rau má lại chịu hạn tốt, không cần tưới thường xuyên, mỗi lứa rau người trồng chỉ cần chạy máy bơm nước cho ngập đất 3 lần. Khó khăn nhất khi trồng rau má là khâu tiêu thụ. Để rau của mình có thị trường, gia đình ông Định ứng dụng mô hình trồng rau má sạch, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Trong suốt chu kỳ sản xuất, ông chỉ bón một lần phân và một lần thuốc dưỡng lá vào thời điểm vừa cắt rau xong để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Từ khi xuống phân phải đến gần 1 tháng sau mới thu hoạch lại nên lượng phân, thuốc đã phân giải hết, không còn tồn dư trên rau nên không gây hại đến sức khỏe người dùng.
Ông Định cho biết: Vì trồng rau má sạch nên tôi tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ mà đều nhổ thủ công. Bình quân, 10 sào rau má mỗi lứa phải chi khoảng 2 triệu đồng để thuê công nhổ cỏ. Đổi lại, cây rau má cho năng suất rất cao, khoảng 500kg/sào/lứa và trồng được quanh năm. Tiền phân thuốc giảm 70% so với trồng bắp, dưa, mỗi lứa tôi chỉ tốn 500.000 đồng tiền phân thuốc/10 sào. Hiện rau má có giá từ 5.000-6.000 đồng/kg, mỗi ngày tôi tiêu thụ được khoảng 200kg. Từ trồng rau má, mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Ngoài ra, để tăng thu nhập, ông Định còn thuê thêm 6 sào đất soi của UBND xã để trồng cỏ nuôi bò và trồng bắp. Theo ông Định, nhờ có nguồn cỏ ổn định nên gia đình ông duy trì đàn bò 8 con. Từ nuôi bò và trồng bắp mỗi năm ông lãi được 50 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thành Nguyễn Khắc Phong nhận xét: Với việc trồng rau má sạch kết hợp chăn nuôi bò, gia đình ông Nguyễn Văn Định đã từng bước thoát nghèo và được tuyên dương nông dân sản xuất giỏi cấp huyện. Đây là tấm gương rất đáng để nhiều nông dân khác học tập.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao