Mô hình kinh tế Tưới Phun Cho Vùng Nguyên Liệu Mía

Tưới Phun Cho Vùng Nguyên Liệu Mía

Publish date Wednesday. May 7th, 2014

Tưới Phun Cho Vùng Nguyên Liệu Mía

Vùng nguyên liệu mía thuộc 2 xã Diên Đồng và Diên Xuân (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã áp dụng phương pháp tưới phun, góp phần làm tăng năng suất cây mía…

Hiệu quả bước đầu

Tưới phun là phương pháp tưới tiết kiệm nước khá ưu việt, đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều nơi áp dụng rộng rãi phương pháp tưới phun, đặc biệt là các vùng trồng cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên và tại một số công ty mía đường lớn trong nước... Tại Khánh Hòa, việc ứng dụng phương pháp tưới phun chỉ mới bắt đầu.

Thôn Xuân Nam (xã Diên Xuân) được Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Diên Xuân chọn làm điểm để triển khai phương pháp tưới phun cho cây mía từ niên vụ 2013 - 2014 và đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Tại các ruộng mía có tưới phun, năng suất mía tăng từ 40 - 45 tấn/ha lên 75 - 80 tấn/ha. Ông Nguyễn Văn Định - Chủ nhiệm HTXNN Diên Xuân cho biết, huyện đã hỗ trợ thiết bị giàn phun cho 5 hộ của xã.

Niên vụ mía vừa qua, việc triển khai phương pháp tưới phun cho kết quả rất tốt, năng suất tăng thêm 30 - 35 tấn/ha. Hợp tác xã đang đề nghị huyện tiếp tục hỗ trợ, mở rộng vùng mía được tưới phun lên 20 ha từ nguồn kinh phí khuyến nông.

Tại xã Diên Đồng, vụ mía này, một số nông dân bắt đầu triển khai phương pháp tưới phun. Ông Nguyễn Quốc Vũ - nông dân trồng mía tại thôn 4 thừa nhận: Lâu nay, mía trồng trên chân đất không được tưới nên hiệu quả thấp, năng suất dưới 50 tấn/ha.

Khi mía được tưới, chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn, năng suất có thể đạt 70 - 80 tấn/ha. Cũng theo ông Vũ, các giàn tưới phun rất hiệu quả. Để tưới 1 sào mía chỉ mất 3 giờ, chủ ruộng không phải tốn công di dời ống, dây như cách tưới tràn, chỉ cần 1 người là có thể vận hành được...

Theo ông Trần Văn Điền - Chủ nhiệm HTXNN Diên Đồng: Xã Diên Đồng và Diên Xuân nằm trong vùng nguyên liệu mía liên hoàn của huyện với diện tích hơn 1.000ha.

Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư dự án tưới cho vùng nguyên liệu mía. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, không bằng phẳng, phương pháp tưới tràn như tưới cho cây lúa tỏ ra kém hiệu quả nên huyện đã vận động nhân dân chuyển đổi sang phương pháp tưới phun. Huyện chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ một số thiết bị cho nông dân chuyển đổi.

Xã Diên Đồng có 6 hộ được hỗ trợ. Mức hỗ trợ 50% trị giá giàn phun (tương đương 3,5 triệu đồng). Tuy nhiên, do cây mía rớt giá, người trồng mía nản lòng không muốn đầu tư nên việc triển khai phương pháp tưới phun tại xã Diên Đồng còn hạn chế.

Cần liên kết

Theo ông Lê Tài - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diên Khánh, phương pháp tưới phun triển khai tại 2 xã trên tỏ ra thích hợp đối với vùng mía nguyên liệu và đã được huyện khuyến khích phát triển. Phương pháp tưới tràn không thích hợp với cây mía, gây lãng phí nước, tạo độ ẩm không đều, nơi thấp bị úng, nơi cao không đủ ẩm. Ngoài ra, còn lãng phí công lao động.

Có thể nói, hiện nay, huyện Diên Khánh là địa phương đầu tiên của tỉnh đưa phương pháp tưới phun vào sản xuất cây mía. Năm 2009, huyện được tỉnh đầu tư hệ thống trạm bơm điện và các tuyến kênh mương tại vùng nguyên liệu mía với hy vọng nâng cao sản lượng cây mía. Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã nảy sinh nhiều bất cập.

Do địa hình lồi lõm của vùng mía, một số tuyến mương nhánh thấp hơn cao trình ruộng mía nên không thể tưới mà phải bơm. Mặt khác, ruộng mía không bằng phẳng nên nước khó phủ đều, tốn thêm công khơi thông đường dẫn nước. Ngoài ra, cây mía có khả năng chịu hạn, không cần thiết phải tưới tràn, gây lãng phí nước.

Vì vậy, huyện đã đầu tư hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật và khuyến khích nông dân chuyển đổi sang phương pháp tưới phun. Huyện đã hỗ trợ cho 11 hộ tại 2 xã để chuyển đổi.

Hiện nay, việc triển khai phương pháp tưới phun gặp khó khăn do giá mía thấp, trồng mía khó có lãi nên nông dân vẫn chưa mặn mà. Theo ước tính, ngoài việc đầu tư giàn phun, người trồng mía còn phải mua sắm thêm máy bơm động cơ diezel (khoảng 6 triệu đồng) mới có thể hoạt động.

Huyện đang vận động nông dân thành lập các nhóm liên kết từ 3 đến 5 hộ dùng chung thiết bị để vừa giảm giá thành đầu tư, vừa tránh lãng phí tiền điện bơm nước từ các trạm bơm điện. Hy vọng, thời gian tới, phương pháp tưới phun sẽ được người dân ứng dụng đại trà, đem lại hiệu quả cho vùng sản xuất mía...


Mô Hình Trồng Lúa Trên Đất Nhiễm Phèn, Mặn Đạt Hiệu Quả Cao Mô Hình Trồng Lúa Trên Đất Nhiễm Phèn,… Niềm Vui Người Trồng Chè Niềm Vui Người Trồng Chè