Tin nông nghiệp Ứng dụng hệ thống ASP vào xử lý phân hữu cơ

Ứng dụng hệ thống ASP vào xử lý phân hữu cơ

Author Thanh Đồng, publish date Saturday. July 28th, 2018

Ứng dụng hệ thống ASP vào xử lý phân hữu cơ

Ủ phân hữu cơ sử dụng hệ thống ASP - hệ thống thông khí cưỡng bức là quá trình phân hủy sinh học hiếu khí các chất hữu cơ. Quá trình diễn ra chủ yếu giống như phân hủy chất hữu cơ trong tự nhiên nhưng được tăng cường tối ưu hóa các điều kiện môi trường cho các hoạt động của vi sinh vật hiếu khí bằng cách đưa không khí vào đống ủ.

Anh Nguyễn Văn Cường giới thiệu phân hữu cơ thành phẩm được ủ bằng hệ thống ASP. Ảnh: Thanh Đồng

Hiệu quả về môi trường

Anh Nguyễn Văn Cường - cán bộ khuyến nông xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách là một trong những người đầu tiên tại tỉnh ứng dụng hệ thống ASP vào xử lý phân hữu cơ tại gia đình cách đây 2 năm. Mô hình xử lý ở nhà anh là mô hình điểm trình diễn, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người. Nhà anh Cường hiện nuôi 60 con dê, tận dụng nguồn phân gia súc của chuồng nuôi, anh kết hợp bánh dầu đậu nành, mụn dừa, tro sinh học để ủ phân hữu cơ.

Giới thiệu về quy trình kỹ thuật ủ phân, anh Cường cho biết: “Nguyên liệu ủ là xác bã động vật, thực vật và phân gia súc, gia cầm theo tỷ lệ 3:1 cấy men vi sinh. Tiến hành trải nguyên liệu theo từng lớp, trộn đều với vi sinh đến khi đống ủ đạt 1m. Hệ thống ASP được lắp đặt theo quy chuẩn kỹ thuật, mô-tơ điện vận hành quạt 2 lần mỗi ngày lúc sáng và chiều, mỗi lần 15 phút sẽ thổi khí vào bể ủ, tăng cường không khí cho vi sinh vật hoạt động”.

Điểm mạnh khi ủ phân với hệ thống ASP là đẩy nhanh quá trình ủ phân, cho ra nguồn phân hữu cơ có chất lượng tốt. “Với hệ thống xử lý ASP, mình có thể trộn ủ đa dạng nhiều nguyên liệu hơn so với cách ủ truyền thống. Do đó, phân hữu cơ thành phẩm có hàm lượng dinh dưỡng tốt hơn nhiều loại phân hữu cơ khác hay chỉ là phân gia súc, gia cầm ủ hoai bình thường. Ngoài tận dụng nguồn chất thải gia súc chăn nuôi tại vườn nhà, hệ thống ASP góp phần cải thiện môi trường sinh hoạt của người nông dân” - anh Cường nói.

Hiệu quả kinh tế

Ngoài sử dụng phân dê, anh Cường còn kết hợp sử dụng cả nước thải chăn nuôi để ủ. Anh đầu tư 2 bể ủ, một bể 6m3 và một bể 13m3, trung bình mỗi đợt ủ 45 ngày thu được gần 12 tấn phân hữu cơ. Sau nhiều lần ủ không thành công do chưa biết cách phối trộn các nguyên liệu phù hợp, phân chuồng không tan, không đủ độ ẩm… anh Cường cũng ủ được mẻ phân hữu cơ đầu tiên. Anh gửi mẫu kiểm nghiệm lên Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra chất lượng, đạt yêu cầu sử dụng cho cây trồng.

Nhà anh có vườn sầu riêng chuyên Ri6 80 gốc, tổng diện tích 4.500m2, lượng phân ủ được một phần anh dùng đủ bón cho vườn sầu riêng ở nhà, còn lại đều được nhiều chủ vườn cây ăn trái lớn tại địa phương và cả ngoài tỉnh đặt tiêu thụ hết. Giá bán phân hữu cơ tại cơ sở của anh là 3.500 đồng/kg, rẻ hơn các dòng phân hữu cơ khác ngoài thị trường do tận dụng được nguồn chất thải gia súc chăn nuôi tại gia đình.

Ưu thế của phân hữu cơ đã được khẳng định hơn so với phân hóa học, được nhiều nhà vườn ưa chuộng bởi làm cho đất tốt, cây bền, trái đẹp, chất lượng cao, không bị sượng. Nhiều nông dân cũng chọn cách mua phân dê, phân bò về phơi khô, ủ hoai tại nhà kết hợp xử lý với nấm Tricoderma theo phương pháp truyền thống nhưng phân ủ từ hệ thống ASP vẫn có nhiều tiện lợi hơn. Ông Nguyễn Văn Quới ở ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B cho biết: “Dùng phân hữu cơ giúp tôi tiết kiệm gần một nửa chi phí so với mua phân hóa học hay phân hữu cơ ngoài thị trường”. Ông Quới là hộ chuyên canh cây bưởi da xanh. Hiện vườn ông có gần 200 gốc bưởi từ 1 - 6 năm tuổi đều được bón phân hữu cơ. Mỗi đợt bón mua 300kg phân, trung bình bón 4 đợt/năm, liều lượng cân đối tùy theo cây.

Nhiều nông dân nhận xét, phân hữu cơ giúp giữ độ xanh cho cây lá nên người trồng kiểng lá đặc biệt ưa chuộng. Ngoài ra, người nông dân Chợ Lách còn sử dụng phân hữu cơ kết hợp với mụn dừa để trộn đất vô bầu cho cây giống. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, được Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh chọn để tuyên truyền, giới thiệu nhân rộng đến các hộ nông dân.


Nên sử dụng bột cá nuôi gia cầm? Nên sử dụng bột cá nuôi gia cầm? Người thương binh Người thương binh "mát tay" với nghề nuôi…