Tin thủy sản Vai trò của vôi và đánh giá chất lượng của vôi trong nuôi trồng thủy sản

Vai trò của vôi và đánh giá chất lượng của vôi trong nuôi trồng thủy sản

Author ThS. Nguyễn Nhứt Viện - Nghiên Cứu Nuôi Trồng Thủy Sản II, publish date Friday. June 22nd, 2018

Vai trò của vôi và đánh giá chất lượng của vôi trong nuôi trồng thủy sản

1. Vai trò của vôi:

Bón vôi CaO, CaCO3, SODA, Dolomite cho đất và nước trong ao nuôi trồng thủy sản mục đích điều chỉnh pH, kiềm của nước và nền đáy ao nuôi thủy sản. Hầu như các vi sinh vật tự dưỡng như vi khuẩn hóa tự dưỡng tham gia quá trình chuyển hóa nitrogen lấy nguồn C vô cơ (HCO3, (CO3)2-) làm năng lượng, tảo, tảo bám và rong trong ao nuôi trồng thủy sản sử dụng nguồn CO2 và HCO3 đạt sinh khối.

Cũng như trong xử lý nước thải, trong ao nuôi trồng thủy sản cũng sử dụng CaCO3, CaO, Dolomite và SODA để cải thiện chất lượng nước và đáy ao. Trong ao nuôi, phân , thức ăn dư thừa, chất bài tiết hòa tan trong nước  là nguồn chất thải gây hại cho động vật nuôi trồng thủy sản. Các loại vôi như CaCO3, Dolomite và SODA cần thiết cho việc cung cấp nguồn C vô cơ cho vi sinh vật hóa tự dưỡng và phiêu sinh vật tự dưỡng trong ao nuôi trồng thủy sản một cách tích cực, để khử 1 mol NH4 –N cần tiêu tốn 1.98 mol (HCO3)2-. Chính vì thế trong hệ thống nuôi tuần hoàn sinh học người ta sử dụng các loại vôi này để ổn định pH và độ kiềm và cung cấp cho vi sinh vật hóa tự dưỡng phát triển tối ưu khử ammonium và nitrite hiệu quả mà không cần phải bổ sung chế phẩm sinh học. Trong ao nuôi, các loại vôi CaCO3, Dolomite và SODA cũng sử dụng để kích thích vi sinh vật có lợi hiếu khí thực hiện quá trình nitrate hóa triệt để.  Sản phẩm vôi CaO hay Ca(OH)2 không mang lại lợi ích này chỉ thuần túy làm tăng pH nước và đất và độ kiềm dưới dạng gốc OH- mà vi sinh vật không sử dụng được.

2. Đánh giá chất lượng của vôi

Trong nuôi trồng thủy sản thường sử dụng các chỉ tiêu giá trị trung hòa của vôi (Neutralizing value) và độ mịn kích cỡ hạt ảnh hưởng rất lớn hiệu suất sử dụng vôi. Ở đây tôi xin giới thiệu đến người nuôi 2 tiêu chuẩn chính để đánh giá chất lượng vôi.

2.1. Giá trị trung hòa của Vôi  (Neutralizing value)

Giá trị trung hòa (Neutralizing value) là khả năng trung hòa của vôi đối với a-xít. Thông thường CaCO3 thuần khiết được tính có tỷ lệ trung hòa với a-xít là 100%. Vôi CaO có giá trị trung hòa cao hơn CaCO3 được tính nếu tinh chất là : 56/100 x 100% = 179%, tương tự như thế tính được giá trị trung hòa của Ca(OH)2 là 136% và CaMg(CO3)2 là 109%. Trong thực tế chọn Vôi người ta kiểm tra chất lượng của vôi bằng cách xác định giá trị trung hòa của vôi đối với a-xít. Phương pháp đo giá trị trung hòa của vôi bằng phương pháp chuẩn độ. Cho 500 mg vôi chứa trong Erlenmeyer và 25ml  HCL 1N vừa lắc vừa nung và để phản ứng hoàn toàn thêm 100ml nước cất đun sôi 1-2 phút để nguội và chuẩn độ dung dịch NaOH 1N với chỉ thị màu phenolphthalein và tính theo công thức:

Giá trị trung hòa (%) = [(V-T) (N) (5000)]/S

Trong đó:

V: thể tích của acid HCl (mL)

T: thể tích của NaOH (mL)

N: nồng độ đương lượng gam (nên giống nhau giữa acid và bazơ)

S: khối lượng mẫu (mg)

Ví dụ:

Hòa tan 500 mg CaCO3 trong 25 mL HCL 1N

Chuẩn độ bằng NaOH 1N với chỉ thị phenolphthalein

Giả sử dùng 16 mL NaOH khi chuẩn độ

9 meq H+ đã được trung hòa vởi CaCO3, tương đương với 450 mg CaCO3

Giá trị trung hòa 450/500*100 = 90% .

Kết luận : Vôi này độ tinh khiết không cao

2.2. Hiệu suất sử dụng của vôi

Phù thuộc vào kích cỡ hạt, vôi có hạt càng nhỏ thì hiệu suất tác dụng trung hòa a-xít khi bón càng cao (Boyd 1996).

Bảng 1. Tính hiệu suất của vôi thông qua hạt ( Boyd, 1996)

Phân bố cỡ hạt Hiệu suất
Loại sàng (ASTM) (mm)
Giữ lại trên sàng 10 >1,7 0,036
Giữ lại trên sàng 20 1,69-0,85 0,126
Giữ lại trên sàng 60 0,84-0,25 0,522
Qua sàng 60 <0,24 1,000

3. Kết luận

Vôi được sử dụng rộng rãi với nhiều công dụng khác nhau với số lượng lớn trong nghề nuôi trồng thủy sản. Chúng ta có thể dựa 2 chỉ tiêu nói trên để đánh giá chất lượng vôi của mình cần mua cho chính xác từ đó sẽ tính toán chính xác lượng vôi cần bón cho ao nuôi thích hợp, chống hiện tượng lãng phí và ít hiệu quả.

Chức năng chính của vôi CaO hay Ca(OH)2 làm tăng pH nước và đất, diệt mầm bệnh đáy ao, tăng kiềm tổng cộng ( vi sinh vật tự dưỡng không thể sử dụng để  tham gia quá trình nitrate hóa)

Chức năng chính của Vôi CaCO3, Dolomite và SODA làm tăng kiềm, pH và cung cấp nguồn C vô cơ cho vi sinh vật hóa tự dưỡng tham gia quá trình nitrate hóa làm giảm ammonium, nitrite cải thiện chất lượng nước đáng kể.

Phương pháp tính toán lượng vôi cho từng đặc điểm của riêng ao được xác định bằng phương pháp khoa học rất cụ thể chúng tôi xin sẽ được giới thiệu ở bài viết sau. Kính mong đọc giả hoan hỷ nếu có sai sót nào trong bài.


Tôm – lúa liên tục phát triển Tôm – lúa liên tục phát triển Công nghệ Biofloc: khả năng phòng bệnh trong nuôi tôm Công nghệ Biofloc: khả năng phòng bệnh trong…