Vai trò quan trọng của ao lắng trong nuôi tôm công nghiệp
Mặc dù trải qua nhiều sóng gió trong vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014 nhưng vừa qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại các địa bàn, vùng nuôi trọng điểm như ở huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ và thành phố Vũng Tàu, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ vẫn xảy ra phổ biến, tôm chết chủ yếu ở giai đoạn đầu, sau thả nuôi từ 20 – 30 ngày do các loại bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng…, đã gây thiệt hại khá lớn cho bà con. Ngoài các nguyên nhân làm cho tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng thêm như: nguồn giống không bảo đảm chất lượng, công tác quản lý chăm sóc, công tác phòng trừ dịch bệnh… thì còn có một lý do mà lâu nay bà con nuôi tôm chưa thật sự chú ý quan tâm, đó là ao lắng trong khu nuôi của mình.
Trước tình hình dịch bệnh diễn ra tại một số địa phương chưa có phần thuyên giảm và để giúp cho người nuôi ứng phó với tình hình dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức khảo sát các mô hình nuôi tôm an toàn trong vùng dịch bệnh và kết quả cho thấy có sự khác biệt trong một số khâu kỹ thuật như: Thời gian cải tạo ao, phơi đáy dài ngày hơn theo thông thường, người nuôi chỉ diệt tạp trong ao chứa mà không diệt tạp trong ao nuôi, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất vào trong quá trình nuôi, trong ao chứa có thả cá rô phi nhằm cải tạo môi trường nước tự nhiên, ngoài ra, người nuôi tôm quản lý các yếu tố môi trường và màu nước trong ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, điều đặc biệt quan trọng đó là các cơ sở nuôi tại các nơi đoàn khảo sát đều có hệ thống ao chứa, ao lắng, ao xử lý riêng biệt.
Qua đợt khảo sát vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã tổng kết đánh giá và xây dựng “Quy trình tạm thời nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh” ban hành kèm theo Công văn số 10/TCTS-NTTS ngày 6/1/2015, trong đó đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh ven biển phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn quy trình nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh để người nuôi thực hiện trong các vụ nuôi tiếp theo.
Bước vào vụ nuôi mới 2015, với một niềm tin tưởng vào sự thành công và đạt hiệu quả kinh tế, xin phép mạn đàm sâu hơn cùng bà con về vai trò quan trọng của ao lắng trong nuôi thủy sản tôm nước lợ, một yếu tố tưởng chừng như đơn giản, nhưng chính nó đã góp phần quan trọng trong sự thành công của một số mô hình trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm vừa qua, đơn cử như trường hợp hộ nuôi Đỗ Lương Tịnh tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc là một điển hình, gia đình ông đã liên tục thành công 5 năm liền, chỉ tính riêng doanh thu năm 2014 đạt trên 15 tỷ đồng. Theo Ông Tịnh, với vùng nuôi quanh năm thiếu nước mặn, dịch bệnh liên tục hoành hành, để có được thành công trên, ngoài các yếu tố quản lý chăm sóc tốt thì việc bố trí diện tích ao lắng phù hợp, áp dụng phương pháp tuần hoàn và cải tạo nước trong ao lắng đang là một chứng minh đúng và rất khoa học, qua đó đã giúp hộ nuôi trên thành công liên tục trong các vụ nuôi vừa qua. Vấn đề để lại bao nhiêu diện tích trên tổng diện tích nuôi của mình để thiết kế ao lắng là phù hợp, đang là một vấn đề được sự quan tâm của giới chuyên môn, của các nhà quản lý trên cả nước. Trước đây, các tài liệu thường hướng dẫn người nuôi nên để lại khoảng từ 10 - 15% diện tích của mình để làm ao lắng, còn hiện nay, theo khuyến cáo của Tổng cục Thủy sản diện tích trên là 20-25%. Tại ao lắng, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con nên thả thả 50kg cá rô phi đơn tính trọng lượng 50gr/con vào 3000 m2 ao, cá rô phi góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con và mục đích chính là góp phần cải tạo môi trường nước nuôi, nhờ các loại vi khuẩn có lợi, rong tảo, các giá thể tự nhiên giúp lắng tụ các chất ô nhiễm độc hại lơ lửng hay hòa tan trong nước, để đảm bảo khi cho nước cấp vào ao nuôi tôm được ổn định, an toàn, ngăn ngừa được các loại dịch bệnh nguy hiểm. Mỗi chu kỳ lắng chỉ cần khoảng trên 20 ngày, đảm bảo không có giáp xác, không bị ô nhiễm từ bên ngoài, an toàn và sẵn sàng cho cấp bù vào ao nuôi khi cần.
Cùng thống nhất với nhau rằng: Ao lắng - khu lắng xử lý nước là rất quan trọng và cần thiết, đảm bảo cho nuôi tôm được an toàn, thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, muốn có được nguồn nước sạch phục vụ nuôi thủy sản trong tình hình dịch dệnh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay, mỗi hộ nuôi cần chú ý đầu tư cho khu nuôi của mình một diện tích đất phù hợp, thiết kế ao lắng một cách khoa học, thực hiện đúng khung lịch mùa vụ, sử dụng nguồn giống bảo đảm chất lượng, quản lý chăm sóc đúng theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn./.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao