Nuôi bò Vệ sinh đối với gia súc cái

Vệ sinh đối với gia súc cái

Author NCN, publish date Wednesday. February 17th, 2016

Vệ sinh đối với gia súc cái

Động vật cái không sinh đẻ được thường là do khuyết điểm trong việc quản lý nuôi dưỡng; một số trường hợp do bệnh tật hoặc do phẩm chất tinh dịch của con đực không tốt.

Ở bò sữa, có thể do thời kỳ vắt sữa kéo quá dài.

Nói chung, vì không theo dõi ghi chép, nên không kịp thời phát hiện động vật cái động dục, để lỡ thời kỳ giao phối.

Hoặc cho sinh sản khi con vật còn quá non, hoặc vệ sinh thân thể kém, hoặc vấn đề vệ sinh chuồng trại không được thường xuyên và động vật ít được vận động…

Động vật chửa bị sẩy thai thường do ăn uống không hợp lý, thức ăn bị lẫn chất độc, do đánh nhau, ngã, leo dốc hay ở trên nền chuồng không hợp lý (độ dốc quá lớn), còn có thể do bệnh sẩy thai truyền nhiễm.

1. Vệ sinh cho động vật chửa

Thức ăn cần phải đủ chất dinh dưỡng (protein, khoáng, vitamin).

Nếu bào thai phát dục không tốt, hoặc có thể mắc bệnh mềm xương, con đẻ ra sức chống đỡ với bệnh tật kém.

Thức ăn phải có phẩm chất tốt, tránh thức ăn thiu, mốc, vi sịnh vật gây  bệnh, có chất độc,có chất kích thích, ướt sương…

Vào thời kỳ chửa cuối, vì bào thai phát triển nhanh chóng, cần tăng chất lượng thức ăn.

Trước khi đẻ 2-3 ngày, giảm ít nhất 2/3 lượng thức ăn hàng ngày để tránh tử cung khỏi bị ép.

Động vật chửa phải được uống nước đầy đủ và sạch.

Đặc biệt, ban đêm cho uống nước tự do.

Cuối thời kỳ thai kỳ đối với động vật cày kéo, giảm mức làm và thời gian làm; thông thường cần cho nghỉ hẳn 1 tháng trước khi đẻ.

Những động vật không làm việc thì phải vận động hàng ngày, nếu thiếu vận động có thể sinh phù chân, khó đẻ.

Chuồng trại phải luôn luôn quét dọn sạch sẽ, không ẩm, không nóng quá hay lạnh qúa.

Phải giữ vệ sinh thân thể (lau, chải hàng ngày) cho động vật chửa.

2. Vệ sinh khi đẻ

- Trước khi đẻ một tuần: nên giảm thức ăn tinh và không bắt động vật vận động trước khi đẻ vài giờ và không cho ăn (chỉ cho uống nước ấm và sạch).

Chuồng đẻ phải được tẩy uế, ấm áp, sạch sẽ, không ẩm ướt.

Tùy theo loại động vật mà làm ổ đẻ.

- Khi đẻ: cần đặc biệt giữ yên tĩnh, con đẻ ra phải lau sạch chất nhờn ở mũi, mồm, lau khô khắp thân thể để tránh cảm lạnh.

Cắt rốn và vệ sinh khi cắt rốn.

Mùa đông cần được đóng cửa để tránh gió lạnh.

- Sau khi đẻ: Cho con vật mẹ nghỉ ngơi yên tĩnh và cho uống nước mát.

Nhau rơi ra phải đem chôn ngay, không cho con vật mẹ ăn.

Sau khi đẻ 1-2 ngày, cho ăn thức ăn nhiều dinh dưỡng.

Con mới đẻ phải kịp thời cho bú sữa đầu để có đủ chất dinh dưỡng và nâng cao sức chống đỡ với bệnh tật.

Khi cho bú: Đối với lợn phải cố định bầu vú, con nhỏ cho bú vú trước, con khỏe mạnh cho bú vú sau và vú giữa.

Luôn luôn xem xét vú sữa của con mẹ có được bình thường hay không, luôn luôn giữ cho vú khô sạch, không dính bùn đất.

Lông ở xung quanh bầu vú nếu quá dài thì nên cắt bớt.

Nếu thất vú sữa quá căng thì nên vắt bớt, giảm thức ăn tinh và thức ăn nhiều nước.

Hàng ngày cho con vật mẹ và con vận động đầy đủ.

Máng ăn, chuồng và thân thể con mẹ luôn luôn giữ sạch sẽ.

Bê khoảng 6 tháng, lợn khoảng 2 tháng (tùy điều kiện) thì cai sữa.

Trước khi cai sữa 3-4 ngày, cho con vật mẹ ăn bớt đi 25-30% khẩu phần, đặc biệt là giảm thức ăn nhiều nước có tác dụng kích thích tiết sữa, giảm số lần bú của động vật non.


Bò Brahman trắng và Brahman đỏ Bò Brahman trắng và Brahman đỏ Phương pháp nuôi bò cái cạn sữa Phương pháp nuôi bò cái cạn sữa