Vì sao nông sản địa phương khó vào siêu thị
Vậy, việc vắng bóng những sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương ở một trong những kênh phân phối lớn nhất trên địa bàn là do đâu?
Co.op mart đánh giá cao nông sản địa phương
Một điều dễ nhận thấy là nếu doanh nghiệp (DN), người sản xuất đưa hàng vào tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm với hợp đồng tiêu thụ dài hạn và ổn định, có khối lượng lớn, họ sẽ nhận được sự hỗ trợ, tăng được các mối liên kết để cùng sản xuất sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm của DN còn có cơ hội được nhiều người tiêu dùng biết đến rộng rãi, khi được chuyển đi tiêu thụ trong mạng lưới hệ thống của Co.op mart trên toàn quốc.
Qua trao đổi bàn giải pháp tiêu thụ giữa các DN, cơ sở và hộ nông dân với lãnh đạo Saigon Co.op và siêu thị Co.op Cao Lãnh, thì lãnh đạo Saigon Co.op nhận định, mặc dù Đồng Tháp là tỉnh có khá nhiều đặc sản nổi tiếng như rượu hồng sen tửu, quýt hồng Lai Vung, xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành... và Co.op mart cũng rất mong muốn được tiếp cận với nguồn hàng của địa phương, nhằm giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện cho người nông dân và DN địa phương phát triển. Tuy nhiên, qua làm việc với một số nhà sản xuất tại địa phương hiện nay, có rất ít sản phẩm đáp ứng được yêu cầu.
Mặc dù sản phẩm chất lượng tốt, nhưng số lượng sản phẩm chưa tập trung, sản xuất nhỏ lẻ theo mùa vụ, không đáp ứng được yêu cầu về bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, hóa đơn tài chính... Co.op mart sẵn sàng nhập hàng nông sản của địa phương để làm phong phú danh mục hàng hóa, đổi mới sản phẩm, thế nhưng người sản xuất cần phải đáp ứng được những yêu cầu theo quy chuẩn mà Co.op mart Việt Nam đã thực hiện đối với các nhà cung cấp khác.
Thực trạng “thiếu và yếu”
Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết các cơ sở tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đều ở tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, mang tính thời vụ, phụ thuộc đáng kể vào yếu tố thời tiết nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của siêu thị. Một trường hợp cụ thể là tại THT rau an toàn (RAT) xã Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), thời gian qua thông qua sự hỗ trợ của Sở Công Thương và các đơn vị liên quan, THT đã liên kết được với siêu thị Vinafood và siêu thị Co.op mart Cao lãnh tiêu thụ sản phẩm RAT với số lượng cung cấp mỗi ngày từ 80-100kg rau cải các loại cho Vinafoood mart và trên 200kg rau cho Co.op mart Cao Lãnh, thế nhưng cũng chỉ được một thời gian thì việc cung cấp hàng bị dừng lại...
Ông Trần Thanh Thống - Tổ trưởng THT RAT xã Mỹ An Hưng B cho biết, cái khó của THT là diện tích sản xuất ít, khi hết mùa vụ, bà con phải xử lý lại đất và theo mùa vụ nhất định, nên hiện nay mặc dù đã liên kết với siêu thị trên địa bàn nhưng do chưa tổ chức rải vụ được nên hết mùa vụ là hết hàng, buộc lòng THT phải ngừng cung cấp tại các siêu thị.
Còn tại HTX RAT xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, mặc dù được đánh giá là một trong những HTX có ưu điểm khá lớn về sản xuất RAT khi người nông dân được hướng dẫn đầy đủ quy trình sản xuất RAT và đã được cấp giấy chứng nhận là vùng sản xuất RAT hơn 1 năm qua, thế nhưng hiện nay RAT ở đây vẫn chưa vào được siêu thị với lý do chưa đăng ký sản phẩm theo yêu cầu. Trao đổi với ông Trần Thanh Phú - Giám đốc HTX RAT xã Long Thuận được biết, với những yêu cầu phía Co.op mart đưa ra là ngoài việc phải đăng ký sản phẩm, sản phẩm RAT phải đa dạng, đủ chủng loại...
HTX đang hoàn thiện các thủ tục đáp ứng theo yêu cầu của Co.op mart. Thế nhưng việc đa dạng hơn các sản phẩm cung cấp cho siêu thị thì có lẽ một lộ trình lâu dài HTX mới cung ứng đầy đủ, vì hiện nay việc tổ chức lại sản xuất còn là một khâu khó đối với HTX...
Với những yêu cầu khá “khắc khe” của siêu thị nên hiện nay không chỉ các HTX RAT mà nhiều đơn vị khác trên địa bàn cũng “e dè” bởi những tiêu chí mà người sản xuất chưa đủ tiềm lực để đáp ứng. Anh Huỳnh Thanh Khoa - tổ trưởng THT sản xuất xoài ấp Tân Phát, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành cho biết, mặc dù siêu thị thu mua nông sản với giá ổn định nhưng lại đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng như chỉ lấy sản phẩm loại 1, đúng kích cỡ. Vì vậy, số sản phẩm còn lại rất khó tiêu thụ ở nơi khác.
Thêm vào đó, siêu thị chỉ lấy với số lượng ít, giá cả không chênh lệch hơn so với bên ngoài bao nhiêu, hàng lấy đứt khúc (có khi ngưng 1,2 ngày mới lấy tiếp)..., THT vừa phải bỏ công đem bán tại siêu thị, vừa phải bán cho thương lái bên ngoài, mặc dù cũng bán sản phẩm như nhau, nhưng thương lái sẽ nghi ngờ nông dân chọn những sản phẩm tốt bán cho siêu thị trước nên rất khó cho nông dân THT. Về lâu dài, với cách thức mua bán này, có lẽ THT phải “ngưng để củng cố” một thời gian nữa mới đủ tự tin bước vào “sân chơi” của những kênh tiêu thụ tiện lợi và chuyên nghiệp này.
Giải pháp nào để hàng nông sản vào được siêu thị?
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: “Trên thực tế, người nông dân vốn chỉ quen sản xuất tự phát, chạy theo mùa vụ... cho nên khó đáp ứng được yêu cầu của nhiều siêu thị, trung tâm thương mại. Để những kênh tiêu thụ lớn như Co.op mart thật sự “mặn mà” với hàng nông sản của địa phương và để người nông dân đủ tiềm lực thì rất cần phải có sự hướng dẫn, trợ giúp của các đơn vị, ngành chức năng có liên quan. Đặc biệt là các địa phương và bản thân DN, THT, HTX phải tổ chức sản xuất lại cho phù hợp với yêu cầu sản xuất hiện nay.
“Chúng ta không thể chỉ đơn giản bẻ trái xoài trên cây xếp vào sọt, để lên xe rồi đưa vào hệ thống phân phối mà phải hoàn thiện đủ các khâu. Để làm sao khi vào hệ thống phân phối, hàng hóa đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo đúng yêu cầu sản phẩm và giá thành hợp lý” - ông Sa nhận định.
Theo ông Sa trong khi chờ kết nối để đưa hàng nông sản địa phương vào siêu thị, tỉnh sẽ nghiên cứu mô hình kết nối với một DN địa phương, trong đó nông dân sản xuất sẽ làm vệ tinh cung cấp nông sản cho đơn vị này. Sau đó, đơn vị sẽ đứng ra làm đầu mối kết nối cung ứng trực tiếp cho siêu thị. Hiện ngành đang triển khai thực hiện kế hoạch này.
Ngoài ra, tới đây, Sở Công Thương cũng sẽ hỗ trợ cho các DN, HTX đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, quy hoạch lại vùng sản xuất hàng hóa tập trung và vận động nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp người sản xuất được gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các bên.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao