Mô hình kinh tế Vì tin đồn, lúa Hồng Ngọc tồn kho

Vì tin đồn, lúa Hồng Ngọc tồn kho

Publish date Wednesday. June 3rd, 2015

Vì tin đồn, lúa Hồng Ngọc tồn kho

Khó khăn

Nếu thời điểm này những năm trước, các xã viên HTX NN Phú Dương (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) đã xuống giống lúa Hồng Ngọc gieo cấy cho vụ hè thu thì năm nay nông dân đã không còn mặn mà mới giống lúa mới này nữa khiến diện tích giảm đến 70%. Thay vào đó, họ quay trở lại sản xuất các giống lúa truyền thống như Khang Dân, 4B.

Ông Trần Hữu Toàn, Chủ nhiệm HTX NN Phú Dương cho biết: “Vụ đông xuân 2015 HTX đưa vào sản xuất hơn 40ha giống lúa Hồng Ngọc với gần 200 hộ dân tham gia. Đây là giống lúa được HTX đưa từ phía Nam về qua mấy vụ hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây không biết bắt đầu từ đâu xuất hiện tin đồn gạo đỏ Hồng Ngọc có nhiều tinh bột, ăn vào sẽ bị... tiểu đường nên lúa sản xuất ra bán không được hoặc bán được với giá rất thấp, nông dân rất khó khăn”.

Giống Hồng Ngọc được Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long cung cấp cho HTX Phú Dương sản xuất từ năm 2011. Giống lúa này với đặc tính sinh trưởng tương tự với giống lúa hẻo rằn truyền thống của nông dân. Năng suất đạt 65 tạ/ha, giá bán thời cao điểm lên đến 18 nghìn đồng/kg thóc khô nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các giống lúa khác.

Ông Nguyễn Liễu (thôn Dương Nổ Cồn) lo lắng: “Vụ đông xuân này gia đình chúng tôi trồng 5 sào giống lúa Hồng Ngọc, như mọi năm, giá bán bình quân từ 14 - 15 nghìn/kg, thời cao điểm lên đến 18 nghìn/kg thóc khô, bà con trồng lúa rất có lãi. Nay lúa không bán được, có bán nhỏ giọt cũng chỉ với giá xấp xỉ 6 nghìn đồng/kg thóc, nông dân thua lỗ, hộ nào hòa vốn cũng là may”.

Theo tính toán của ông Liễu, giống lúa Hồng Ngọc một sào cho thu nhập bình quân 3,3 triệu đồng. Tuy năng suất bằng các giống Khang Dân, 4B nhưng do giá trị dinh dưỡng, chất lượng cơm thơm ngon nên giá bán gấp 1,5 đến 2 lần so với các giống lúa này. Hiện, do ảnh hưởng của tin đồn lúa Hồng Ngọc không bán được, bình quân mỗi gia đình ở Phú Dương tồn từ 4 - 5 tấn thóc tại nhà, gây khó cho đầu tư sản xuất cho vụ sau.

Cùng chung cảnh ngộ, hộ ông Nguyễn Mỹ (thôn Dương Nổ Cồn) cũng trồng 4 sào, không bán được lúa, vụ hè thu năm 2015 ông Mỹ đã chuyển sang trồng các giống lúa khác.

Tại HTX NN Phú Thanh 1 (xã Phú Thanh, huyện Phú Vang) cũng diễn ra tình trạng tương tự. Khi đưa giống lúa Hồng Ngọc vào sản xuất, do không bán được lúa nên đến nay chỉ còn 11 hộ dân tham gia trồng với khoảng 3 ha. Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ nhiệm HTX NN Phú Thanh 1 khẳng định: “Giống Hồng Ngọc tuy là giống mới, ban đầu sản xuất hiệu quả nhưng đến nay giá bán rất thấp. Hiện, đa số giống còn trong dân sản xuất chứ không đưa vào cơ cấu giống của HTX. Các xã viên cũng đã chuyển sang gieo cấy các loại giống khác hiệu quả hơn”.

Cần tìm đầu ra bền vững

Theo ông Trần Hữu Toàn, Chủ nhiệm HTX NN Phú Dương, hiện giống lúa Hồng Ngọc còn “tồn kho” tại địa phương khoảng 260 tấn. Từ trước đến nay, đầu ra cho lúa gạo Hồng Ngọc chỉ là thông qua các thương lái, tiêu thụ trong các chợ nhỏ, các hộ gia đình nên chưa có tính hàng hóa lớn. Một phần gạo thương phẩm được bán để nấu cháo dinh dưỡng. Do chưa có sự liên kết bao tiêu sản phẩm từ các doanh nghiệp, các HTX nên sản phẩm lúa Hồng Ngọc của bà con chủ yếu bán trôi nổi, tự phát.

“Hiện do lúa bán không được nên diện tích gieo cấy giống Hồng Ngọc theo cơ cấu vụ hè thu năm nay sẽ giảm 70 - 80%. Việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này hiện đang rất khó khăn. Trước mắt, cần có sự vào cuộc của ngành chức năng nhằm “minh oan” cho giống lúa Hồng Ngọc để người tiêu dùng yên tâm, bà con nông dân tiếp tục có điều kiện đầu tư sản xuất”, ông Toàn cho biết thêm.

“Thông tin sử dụng gạo Hồng Ngọc gây bệnh đái tháo đường hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Đây chỉ là tin đồn thất thiệt bởi, nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường ngoài yếu tố di truyền, bệnh béo phì và các bệnh lý khác thì đến nay nguyên nhân đích thực vẫn chưa tìm ra.”, ThS. BS Nguyễn Trung Huy, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Huế khẳng định.

Ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt và Chăn nuôi (Sở NN&PTNT) cho hay: “Giống lúa Hồng Ngọc đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh qua 5 - 6 vụ rất có triển vọng. Về mặt quản lý Nhà nước, giống này được Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long cung cấp. Tuy nhiên, về thủ tục pháp lý để công nhận một loại giống và đưa vào sản xuất đại trà thì phía viện chưa làm. Hiện, nó mới chỉ đưa vào sản xuất ở một số HTX trên địa bàn tỉnh mà thôi”.

Ông Phước khẳng định, sản phẩm gạo đỏ Hồng Ngọc có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, được dùng để nấu cháo cho bệnh nhân. Vì thế, về việc nói gạo Hồng Ngọc có nhiều tinh bột gây tiểu đường là tin đồn thất thiệt. Sắp đến, Sở NN&PTNT sẽ tiến hành kiểm tra thực trạng này.


Nhiều diện tích ngô ở Anh Sơn, Nghi Lộc bị chết cháy Nhiều diện tích ngô ở Anh Sơn, Nghi… Tiền Giang đạt năng suất lúa xuân hè cao nhất trong 5 năm qua Tiền Giang đạt năng suất lúa xuân hè…