Tin thủy sản Xuất khẩu thủy sản phục hồi tích cực

Xuất khẩu thủy sản phục hồi tích cực

Author Sơn Trang - Thanh Sơn - Minh Sáng, publish date Friday. November 12th, 2021

Xuất khẩu thủy sản phục hồi tích cực

Sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9 do Covid-19, xuất khẩu thủy sản tháng 10 đã hồi phục rõ rệt và hứa hẹn tăng trưởng tốt trong cuối năm.

Việt Nam là nguồn cung hàng đầu về thủy sản cho nhiều thị trường lớn trên thế giới. Ảnh: Sơn Trang.

Tăng trưởng mạnh trở lại

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP (VASEP.PRO), xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 đã ghi nhận sự phục hồi rất tích cực khi giá trị xuất khẩu của hầu hết các sản phẩm chính đều tăng trưởng trở lại.

Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu cá ngừ tăng 18%; mực và bạch tuộc tăng 18%; cua ghẹ tăng 13%; tôm tăng 1,6%. Riêng xuất khẩu cá tra trong tháng 10 vẫn giảm 18% khi chỉ đạt 139 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cá tra nguyên liệu, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra ở các địa phương vẫn cầm chừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sự tăng trưởng trở lại về giá trị xuất khẩu của đại đa số các sản phẩm chủ lực đã giúp cho xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 ước đạt 910 triệu USD, tăng tới 47% so với tháng 9 và gần tương đương với tháng 10/2020. Quan trọng hơn, sự tăng trưởng trở lại xuất khẩu thủy sản cho thấy, sản xuất, xuất khẩu thủy sản đang dần ổn định và hồi phục rõ rệt.

Nhờ kết quả xuất khẩu tích cực trong tháng 10, trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, tôm đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2,6%; cá tra đạt 1,2 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái; cá ngừ đạt 598 triệu USD, tăng 10%; mực và bạch tuộc đạt 475 triệu USD, tăng 4,5%; các loại cá khác đạt 1,36 tỷ USD, giảm gần 1%. Riêng nhuyễn thể hai mảnh vỏ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 39% sau 10 tháng, đạt 113 triệu USD.

Tín hiệu tích cực từ các thị trường

Sự tăng trưởng trở lại của xuất khẩu thủy sản trong tháng 10, có đóng góp lớn từ những thị trường quan trọng. Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã hồi phục ngoạn mục khi đạt mức tăng trưởng tới 31%. Xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 20%, sang Canada tăng 17%, sang EU tăng 9%… Nhờ sự tăng trưởng tốt từ những thị trường này, nên dù thị trường Trung Quốc vẫn giảm mạnh với mức giảm 43%, nhưng xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 vẫn hồi phục một cách tích cực.

Tính chung trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam khi chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng.

Cũng trong 10 tháng qua, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản 1,08 tỷ USD, giảm 7%. Nhật Bản hiện là thị trường lớn thứ 2, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đứng tiếp sau là Trung Quốc và EU, khi đều chiếm 12% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong 10 tháng, với giá trị lần lượt là 872 triệu USD (giảm 24%) và 864 triệu USD (tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái). Tại thị trường lớn thứ 5 là Hàn Quốc, xuất khẩu thủy sản đã đạt đạt 643 triệu USD, tăng nhẹ 2% và chiếm 9% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn cao, sản xuất chế biến thủy sản đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 tháng cuối năm khi tỷ lệ tiêm vacxin ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên nhanh chóng, qua đó hạn chế tác động của dịch Covid-19 đối với các nhà máy chế biến thủy sản ở khu vực này.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cũng cho rằng xuất khẩu thủy sản sẽ phục mạnh hồi trở lại trong quý 4/2021 khi dịch Covid-19 trong nước cơ bản được kiểm soát. Đây là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm từ các thị trường nhập khẩu như Mỹ, EU… Xuất khẩu sang Mỹ và nhiều thị trường tại châu Âu đã tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm khi các nước này thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng vacxin và dần loại bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát dịch.

Gỡ khó để thủy sản phục hồi nhanh

Dầu vậy, ngành thủy sản vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn trong 2 tháng còn lại của năm.

Bà Lê Hằng cho biết, những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp là thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, thiếu vốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa phải chống dịch nên chưa thể phục hồi 100% công suất và chi phí sản xuất tăng đáng kể (chi phí đầu vào, nhân công, vận tải, trang bị phòng chống dịch và phương án sản xuất trong điều kiện mới).

Nếu không được giải quyết, khắc phục kịp thời, sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm sẽ phục hồi chậm. Chính vì vậy, VASEP đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan quyết liệt ngăn chặn hoạt động khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nhanh chóng tháo gỡ thẻ vàng IUU, để giữ và khôi phục thị trường EU cho hải sản Việt Nam.

VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trên chặng đường hồi phục sản xuất, tháo gỡ những bất cập trong chuỗi cung ứng thủy, hải sản đang bị ảnh hưởng, đứt gãy vì Covid-19.

Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản, Nafiqad, Cục Thú y và các cơ quan quản lý địa phương cần tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến thủy sản có nguồn nguyên liệu sản xuất bằng các cơ chế phù hợp và linh hoạt đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

VASEP cũng đề nghị các địa phương quan tâm việc thực hiện hiệu quả và thực tế các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động (ngư dân, công nhân chế biến thủy sản…) để họ yên tâm quay lại sản xuất (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn, hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19…). Thúc đẩy việc triển khai nhanh chóng tiêm vacxin cho người lao động, ngư dân và công nhân tại khu công nghiệp chế biến, các vùng sản xuất trọng điểm thuỷ sản và nghề cá.

Hiện nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long, Long An đang là tỉnh dẫn đầu về tiêm vacxin với 95% người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm đủ 2 mũi vacxin (tính đến ngày 8/11). Đặc biệt, tỉnh Long An ưu tiên tiêm vacxin cho toàn bộ lao động liên quan đến sản xuất, thu hoạch, thu mua vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông, thủy sản.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong cả năm 2021 sẽ đạt 8,4 tỷ USD, tương đương với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3%; cá tra đạt 1,5 tỷ USD, tương đương năm ngoái; hải sản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 3%.

Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn cho nhiều thị trường

Tuy gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu thủy sản do dịch bệnh, nhưng Việt Nam vẫn duy trì vị thế là nhà cung cấp thủy sản hàng đầu cho nhiều thị trường.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong các tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thủy sản các loại của 9/10 quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới tăng so với cùng kỳ năm 2020, riêng nhập khẩu của Trung Quốc giảm nhẹ.

EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, đạt 30,87 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU 7 tháng đầu năm 2021 ổn định so với cùng kỳ năm 2020, ở mức 1,8%.

Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 thế giới, đạt 19 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020. Từ đầu năm 2021 đến nay, nhập khẩu thủy sản của Mỹ liên tục tăng so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu tiêu dùng tăng. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Mỹ và là thị trường có thị phần tăng mạnh nhất trong nhóm 5 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất.

Dự báo nhập khẩu thủy sản của Mỹ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý là nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm thủy sản phục vụ lễ hội cuối năm ở Mỹ sẽ tăng mạnh.

Theo Hải quan Trung Quốc, 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thủy sản của nước này đạt 9,7 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Trung Quốc sau Ecuador, Nga, Canada và Ấn Độ, chiếm 5,31% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc, đạt 515,6 triệu USD, giảm 32,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Hải quan Nhật Bản cho biết, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản trong  8 tháng đầu năm 2021, với 92.071 tấn và 696 triệu USD.


Tôm gai - loài mang và lây nhiễm bệnh WSSV cho tôm nuôi Tôm gai - loài mang và lây nhiễm… Đảm bảo an toàn cho thủy sản mùa mưa lũ Đảm bảo an toàn cho thủy sản mùa…