Mô hình kinh tế 3 cách giảm ảnh hưởng tiêu cực từ TPP

3 cách giảm ảnh hưởng tiêu cực từ TPP

Publish date Saturday. October 10th, 2015

Nhưng những ngành hàng mà Việt Nam vốn không có khả năng cạnh tranh, được bảo hộ nhiều năm, có thể chịu tác động tiêu cực như chăn nuôi, thép, ô tô...

Tìm phân khúc có lợi thế

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định toàn diện không chỉ liên quan đến tự do hóa, thương mại, đầu tư mà còn có những đòi hỏi rất sâu sắc đối với thể chế, chính sách sau đường biên giới, hay trong lòng một quốc gia cũng như cách giám sát thực thi tranh chấp.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cái có thể nhìn được ngay là lợi ích xuất khẩu, thu hút đầu tư, nhưng quan trọng hơn đây cũng là chất xúc tác, áp lực với quá trình cải cách nói chung cũng như cải cách thể chế ở Việt Nam.

Tuy nhiên, hội nhập không có nghĩa là tất cả các nước hội nhập đều được hưởng lợi.

Có những ngành, nhóm xã hội phải chịu thiệt thòi. Hiện chúng ta chưa biết được kết quả cam kết cuối cùng, nhưng về cơ bản các dòng thuế sẽ về 0.

Tuy nhiên, cũng còn những mặt hàng thời gian về 0 là có lộ trình và lộ trình này có thể kéo dài 5-15 năm.

Với tự do hóa cao như vậy, về cơ bản những ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giầy, đồ gỗ, nông sản (loại cây trồng, thủy sản) được xem là những ngành được hưởng lợi rất lớn.

Những ngành Việt Nam vốn không có khả năng cạnh tranh được bảo hộ nhiều năm có thể chịu tác động tiêu cực gồm chăn nuôi, thép, ôtô...

Vấn đề ở đây là làm sao giảm thiểu quá trình chuyển đổi, điều chỉnh những lĩnh vực này.

Và theo vị chuyên gia này có nhiều cách để có thể giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực.

Cách thứ nhất là chính sự phát triển, mở rộng của những ngành nghề có lợi thế cạnh tranh được hưởng lợi từ TPP sẽ là địa chỉ thích hợp hấp thụ, thu hút những nhóm dễ bị tổn thương.

Cho nên, tận dụng tốt cơ hội, lợi thế của mình là điều rất quan trọng.

Cách thứ 2, về tổng thể là khó khăn nhưng điều đó không có nghĩa là không có những phân khúc, phân đoạn trong lĩnh vực ấy doanh nghiệp Việt vẫn có khả năng có sức sống và tạo ra cạnh tranh.

Ví dụ, trong chăn nuôi vẫn có những loại hình sản phẩm, nếu do thị hiếu, cách thức tiêu dùng mà để thay thế nó là rất khó.

Một ví dụ khác, như công ty Việt cùng tham gia vào chuỗi giá trị của những mặt hàng mà đối tác có lợi thế cạnh tranh, ví dụ như nhập bê Australia để vỗ lên thành bò.

Cách thứ 3 là TPP mở ra thị trường rất rộng lớn nên không thể nhìn cạnh tranh với hàng nhập khẩu mà mình vẫn còn những thị trường có thể cạnh tranh.

Ví dụ ngành thép, được xem là sức cạnh tranh chưa tốt nhưng nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu thép ra bên ngoài. Như vậy, trong khó khăn vẫn còn những yếu tố để tồn tại.

Cải cách thể chế- việc số 1

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, quá trình hội nhập quốc tế và các hiệp định thương mại đều mang lại cơ hội mở cửa thị trường xuất khẩu cho Việt Nam.

Nhưng cơ hội cải cách thì chỉ được một số cam kết quốc tế mang lại. Ví dụ như WTO, hiệp định thương mại với EU và TPP. Trong đó, có nhiều cam kết liên quan đến hệ thống thể chế và chính sách.

“Vì vậy, đối với tôi, cơ hội TPP đối với Việt Nam ở cả hai mặt nhưng tôi coi cơ hội về cải cách là quan trọng hơn vì nó có thể mang lại những thay đổi rất cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn của Việt Nam”, bà Lan chia sẻ.

Theo bà Lan, khi tham gia TPP, việc số 1 Việt Nam phải tập trung làm là cải cách thể chế, cải cách hệ thống hành chính ở Việt Nam.

Bà Lan thẳng thắn: “Đại hội Đảng lần thứ 11 đã coi cải cách thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược của nước ta nhưng cho đến nay, kết quả đạt được trong cải cách thể chế vẫn còn rất khiêm tốn.

Nếu không cải cách mạnh mẽ về thể chế và hệ thống hành chính thì chúng ta tự đẩy mình vào vị thế bất lợi so với các quốc gia khác có hệ thống thể chế và hành chính hiện đại hơn".

Việc thứ 2 không thể chần chừ, đó là cả ở cấp vĩ mô cũng như vi mô, phải tập trung hết sức cải thiện năng lực cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam.

Nếu không cải thiện được năng lực cạnh tranh thì chúng ta khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu khi các thị trường khác mở cửa cho ta, khó tận dụng được tốt nhất dòng đầu tư nước ngoài sẽ tràn mạnh vào Việt Nam cũng như khó chống chọi với sức ép cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam khi chúng ta mở cửa thị trường cho họ.


Related news

tpp-va-noi-lo-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-cua-nguoi-viet TPP và nỗi lo an… thi-truong-duong-the-gioi-co-the-thieu-hut-toi-5-6-trieu-tan-do-el-nino Thị trường đường thế giới…