Mô hình kinh tế Bắc Cạn Phát Triển Đàn Lợn Giống Móng Cái Thuần

Bắc Cạn Phát Triển Đàn Lợn Giống Móng Cái Thuần

Publish date Monday. March 10th, 2014

Tỉnh Bắc Cạn tập trung phát triển đàn lợn giống Móng Cái thuần trên địa bàn từ hai năm nay với mong muốn tạo đàn lợn giống để cung cấp đủ con giống nuôi thương phẩm tại chỗ, phòng, chống dịch bệnh, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, để đề án thành hiện thực, tránh lãng phí, đến nay vẫn cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Bắc Cạn là tỉnh miền núi, địa hình rộng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 86% tổng số dân trong tỉnh, dân cư sống phân tán, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng nhỏ lẻ, manh mún. Ðặc biệt, do không sản xuất được giống tại chỗ cho nên những năm qua, việc chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế về giống, đầu tư, kỹ thuật.

Hằng năm, nông dân trong tỉnh thường nhập từ các địa phương khác khoảng 120 nghìn con lợn giống về nuôi thành lợn thương phẩm. Trong số đó có hàng nghìn con lợn không rõ nguồn gốc, làm phát sinh và lây lan nhiều dịch bệnh nguy hiểm như tai xanh, lở mồm long móng..., gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Trước tình hình đó, cách đây gần hai năm, HÐND tỉnh Bắc Cạn ban hành Nghị quyết 08/2012/NQ- HÐND phê duyệt "Ðề án phát triển đàn lợn giống Móng Cái thuần trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015".

Theo đề án, tỉnh hỗ trợ nông dân các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Ngân Sơn và thị xã Bắc Cạn mua 300 con lợn nái giống Móng Cái từ các địa phương, số lợn này vào giai đoạn sinh sản sẽ được hỗ trợ 500 nghìn đồng/lứa để nhân rộng đàn lợn.

Mức hỗ trợ cao nhất không quá hai triệu đồng/con; hỗ trợ toàn bộ tiền mua mười con lợn đực giống Móng Cái, chủ nuôi lợn đực được hỗ trợ bốn triệu đồng để mua thức ăn, mỗi lần lợn đực phối giống được hỗ trợ 150 nghìn đồng.

Mục tiêu đề ra, đến hết năm 2015, toàn tỉnh sẽ có đàn lợn nái giống Móng Cái thuần 5.400 con, sinh sản khoảng 120 nghìn lợn con giống nuôi thành lợn thương phẩm (lợn thịt), cơ bản tự túc được lợn giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn. Tổng kinh phí thực hiện đề án là gần 15 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay từ khi thực hiện đã gặp phải một số khó khăn. Cụ thể là do tình hình dịch bệnh nên đến cuối năm 2012 đề án mới được triển khai. Trên thực tế, chỉ mua được từ các địa phương khác về 284 con lợn nái giống Móng Cái (mục tiêu 300 con), bị chết và thải loại 64 con. Khi xây dựng đề án, do khảo sát, đánh giá chưa kỹ cho nên chính sách ban hành không phù hợp thực tiễn.

Ðó là số lợn đực giống Móng Cái quá ít, có ngày phải phối hai, ba lần, mỗi khi phối giống phải đưa đi xa từ 25 đến 30 km cho nên không đạt hiệu quả. Một số hộ phối giống không phải là lợn đực giống Móng Cái. Mặt khác, tiêu chuẩn lợn nái giống Móng Cái thuần làm giống phải từ 20 kg/con trở lên, giá thành từ 3 đến 3,5 triệu đồng/con, trong khi tỉnh chỉ hỗ trợ cao nhất hai triệu đồng/con, số còn lại người chăn nuôi phải đầu tư (từ 1 đến 1,5 triệu đồng) nên khó phát triển được đàn lợn giống Móng Cái thuần.

Khắc phục những bất cập nêu trên, từ đầu năm 2014, HÐND tỉnh đã sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 08, trong đó cho phép các hộ chăn nuôi thụ tinh nhân tạo, giảm trọng lượng lợn nái giống Móng Cái thuần xuống còn 15 kg một con. Tuy nhiên, hiện nay lại đang xuất hiện không ít khó khăn, bất cập về nơi lấy tinh lợn giống Móng Cái nhân tạo.

Muốn phối giống phải đi sang Trung tâm giống Thái Nguyên, xa cả trăm km. Quy định cho các hộ nuôi lợn nái giống Móng Cái ở tất cả các xã thuộc bốn huyện, thị xã là quá rộng lớn, lợn cái "pha I" để nhân giống đàn lợn nái giống Móng Cái thuần (pha II) cho toàn tỉnh, vì vậy nên quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung, thí dụ mỗi huyện chỉ nên chọn vài ba xã, chọn các hộ có điều kiện để tiện cho việc phối giống, quản lý dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm.

Ðến nay, đàn lợn nái giống Móng Cái đã sinh sản được 941 lợn nái giống Móng Cái thuần, tuyển được 549 con để làm giống, số còn lại chưa bình tuyển, hoặc không đủ điều kiện làm giống. Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo thực hiện đề án, Chi cục phó Chi cục Thú y Bắc Cạn Nông Xuân Hữu cho biết: Ðến hết năm 2015, sẽ không đạt được mục tiêu mà đề án đề ra là có đàn lợn nái giống Móng Cái thuần 5.400 con.

Ðể Ðề án có hiệu quả, các tổ bình tuyển ở các huyện phải thật sự khách quan, công bằng khi chọn lựa lợn nái giống Móng Cái thuần có chất lượng để làm giống, tránh tình trạng sau khi bình tuyển số lượng lợn mẹ bị thải loại chiếm 20 - 30% gây lãng phí cho ngân sách, mất công người chăn nuôi.

Mặt khác, các hộ chăn nuôi lợn nái giống Móng Cái thuần là những địa chỉ cung cấp lợn giống cho nhân dân trong tỉnh nuôi thành lợn thịt, nhưng điều kiện về chuồng trại, kinh tế, tâm huyết của các hộ được nuôi lại không được quy định cụ thể cho nên dẫn đến tình trạng nhiều hộ nhận lợn nái giống Móng Cái thuần về mà không chăm sóc chu đáo, để đói, chuồng trại ẩm thấp, lợn con đẻ ra không được chăn nuôi cẩn thận ngay từ đầu. Cung cấp lợn giống không đạt chất lượng như mong muốn.


Related news

nguoi-trong-ho-tieu-tat-bat-vao-vu-thu-hoach Người Trồng Hồ Tiêu Tất… dong-nai-go-kho-cho-nguoi-chan-nuoi Đồng Nai Gỡ Khó Cho…