Bay Xa Hương Chè Shan Tuyết
Bây giờ, chè Shan tuyết Na Hang đã khiến những người sành trà nhất cũng phải tấm tắc, thèm nhớ, là niềm tự hào của người xứ Tuyên.
Na Hang nghĩa là mảnh ruộng cuối của tỉnh Tuyên Quang. Huyện vùng núi, miền cao này có những tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, bốn mùa mây phủ. Đó chính là nơi cây chè Shan tuyết chiếm lĩnh để tỏa hương thơm đậm, khoe vị ngọt nồng.
Bây giờ, chè Shan tuyết Na Hang đã khiến những người sành trà nhất cũng phải tấm tắc, thèm nhớ, là niềm tự hào của người xứ Tuyên.
Hữu xạ tự nhiên hương
Bậc cao niên ở Na Hang cũng không rõ những “cụ” chè Shan tuyết cổ thụ đã sống cùng rừng núi nơi đây từ bao giờ. Các thế hệ người Mông, người Dao lấy lá chè Shan làm đồ uống như một sản vật của sơn thần ban tặng. Cây chè Shan hợp phong thủy, thổ nhưỡng nơi lưng chừng trời, lại được người dân bản địa đón nhận nên phát triển tự nhiên.
Đó chính là cơ sở để dự án trồng rừng phòng hộ bằng cây chè Shan tuyết được triển khai trên vùng đồi núi dốc với độ cao từ 800 - 1.000 mét so với mực nước biển. Dự án được triển khai từ năm 2000 với quy mô 1.100 ha tại 4 xã Sinh Long, Hồng Thái, Thượng Nông và Sơn Phú.
Chè Shan tuyết đã đặc biệt thích nghi với núi rừng Na Hang nên cho chất lượng trứ danh: Hương thơm, vị đậm, nước xanh. Đặc biệt, do không có sự can thiệp trong quá trình canh tác, thu hái nên chè có hương vị tự nhiên được kết tinh từ đất trời vùng núi cao, quanh năm mây phủ.
Với người Mông, người Dao ở Na Hang, trà Shan tuyết ngoài là một loại đồ uống cho tâm tưởng trong sáng, trí tuệ minh mẫn còn là vị thuốc giúp điều hòa tạng phủ, tránh được các bệnh mỡ máu, huyết áp…
Những năm đầu thu hoạch, chè được bán tự phát, dù không mẫu mã, quảng bá nhưng đã làm ngỡ ngàng người sử dụng bởi chất lượng riêng có. Hương trà Shan tuyết đã thu hút, chinh phục được các doanh nghiệp. Sự kết hợp tự nhiên đó đã giúp thương hiệu trà Shan tuyết vươn xa, xa mãi.
Cây trồng xóa đói, giảm nghèo
Cùng với diện tích trà Shan cổ thụ có sẵn, xã Sinh Long là địa bàn có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất của huyện Na Hang với 985 ha.
Xã Sinh Long cách thành phố Tuyên Quang 200 km. Con đường từ trục chính dẫn vào trung tâm xã dài 11 km ngoằn ngoèo uốn lượn với hai bên đường là những rừng cây cổ thụ khiến người ta có cảm giác đang đi lạc vào khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã. 500 hộ dân người Mông, người Dao của xã sinh sống rải rác, bám vắt vẻo trên các sườn núi, mất nhiều giờ đi bộ để lên bản.
Ông Hoàng Phin (bản Phiêng Ngàm, xã Sinh Long, huyện Na Hang) cho biết, sau 3 năm trồng và chăm sóc, diện tích chè được giao lại cho các hộ bảo vệ, tận thu sản phaẩm. Từ mục đích tối thượng ban đầu là phủ xanh đất trồng đồi núi trọc, cây chè Shan đã mang lại thu nhập cho người dân.
Theo ông Phin, nếu trồng rừng bằng cây keo phải mất 7 - 8 năm mới được thu hoạch và chỉ thu một lần là hết phải trồng lại lứa cây mới, nhưng nếu trồng rừng bằng chè Shan tuyết thì chỉ sau 3 năm là cho thu hoạch. Với diện tích 22 ha chè hiện có, mỗi năm gia đình ông Phin thu được 60 - 70 triệu đồng.
Anh Hoàng Dùng Hiấng (dân tộc Dao đỏ, bản Phiêng Ngàm, xã Sinh Long) có 3 ha chè Shan tuyết cho biết, chè ở đây khác với vùng thấp là thân cây to, tán rộng, lá dày và rất xanh, phần búp to mập và có màu trắng như tuyết.
Do được trồng ở độ cao trung bình khoảng 800 - 1.000 m so với mặt nước biển nên chè hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh. Đặc biệt, toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều đảm bảo chất lượng chè sạch. Mỗi lứa chè hiện nay, gia đình anh Hiấng thu nhập được vài triệu đồng tiền bán chè búp tươi.
Ông Hoàng Văn Phin (Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long) cho biết, xã chúng tôi loay hoay tìm đủ các loại cây trồng nhưng không có cây nào trụ lại được. Bây giờ, cây chè Shan được coi là cây trồng chính của địa phương. Chè Shan được trồng trên diện tích đồi núi trước thường bỏ hoang, vì đó mà cây chè đã giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Trước năm 2000, Sinh Long là xã nghèo nhất của huyện Na Hang với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80% nhưng nhờ có dự án, nhờ chè Shan mà tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống dưới 40%. “Mỗi lao động hái chè có thu nhập từ 100 - 200 ngàn đồng/ngày nhưng nếu đi cày nương thì chỉ có 5 ngàn/ngày thôi”, ông Phin nói.
Nhận thấy giá trị của cây chè Shan tuyết, năm 2009, Cty TNHH Việt Dũng (tỉnh Tuyên Quang) đã đầu tư cơ sở chế biến tại xã Sinh Long với giá trị hơn 3 tỷ đồng, đồng thời thông báo giá thu mua chè búp tươi và hợp đồng tiêu thụ đến từng thôn, bản; trả ngay tiền khi cân chè nên các hộ trồng chè rất phấn khởi. Điều đáng mừng là sản phẩm làm ra đều được khách hàng đặt mua hết.
Cùng thu mua chè tươi để xao sấy, anh Lương Văn Chúc (bản Phiêng Thốc, xã Sinh Long) cho biết, vụ chè năm nay, cơ sở của gia đình anh đã mua khoảng 40 tấn chè búp tươi của nhân dân.
Doanh nghiệp thu mua đã yêu cầu người dân thu hái, bảo quản chè nguyên liệu đúng quy cách nên chất lượng sản phẩm chè được nâng cao. Giá thành vì đó cũng được đẩy lên.
Nâng tầm thương hiệu
Cùng với hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận, bao tiêu sản phẩm chè Shan nguyên liệu cho nhân dân, năm 2010, thông qua quyết định của UBND tỉnh Tuyên Quang, có 715 ha (trong tổng số 1.265 ha chè Shan hiện có) đã được chuyển từ quy hoạch là rừng phòng hộ sang rừng SX.
Thực tế đó giúp đồng bào yên tâm đầu tư, chăm sóc vườn chè để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Động thái trên cũng đã lôi kéo doanh nghiệp vào khai thác tiềm năng của chè Shan Na Hang. Mới đây, Cty CP Chè Sông Lô đã đầu tư dự án phát triển vùng nguyên liệu, SX chè Shan tại xã Hồng Thái.
Để người dân yên tâm gắn bó với cây chè, Cty Chè Sông Lô đã hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc chè. Cty dự kiến đến năm 2020 diện tích trồng mới của công ty là 30 ha, diện tích liên doanh liên kết với nông dân là 70 ha. Sản lượng chè búp tươi thu hoạch đạt từ 10 - 13 tấn/ha/năm, doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng/ha, gấp 6 - 7 lần doanh thu từ việc trồng ngô một vụ của người dân tại địa phương.
Sản phẩm chè búp tươi được Cty thu mua với giá tối thiểu 15.000 - 20.000 đồng/kg, bằng 3,5 - 4 lần giá 1 kg lúa hiện tại ở địa phương.
Ông Đặng Đức Toàn (Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái) cho biết, tuy đất đai có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên nhưng Hồng Thái vẫn còn nhiều hộ nghèo.
Dự án phát triển cây chè đưa về xã thực sự là tín hiệu mừng, mang theo hy vọng thoát nghèo của bà con nơi đây. Toàn xã Hồng Thái hiện có 7 thôn, 271 hộ với 1.461 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông và Dao sinh sống.
Trước đây, kinh tế của bà con chủ yếu là làm nông nghiệp với cây ngô, cây lúa là 2 cây trồng chính, cây chè cũng đã được trồng nhưng kỹ thuật chăm sóc và canh tác còn hạn chế. Vì vậy, khi Cty Chè Sông Lô phát triển dự án chè, bà con đều nhiệt tình hưởng ứng.
Tiếp tục nâng tầm thương hiệu cho chè Shan tuyết, vừa qua UBND huyện Na Hang đã xây dựng đề án phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện Na Hang đến năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Mến (Trưởng phòng NN-PTNT huyện Na Hang) cho biết, mục tiêu của đề án là tiếp tục duy trì sản phẩm trà Shan đặc sản, sạch và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người làm chè, tạo sản phẩm chè an toàn, tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm chè, ứng dụng các biện pháp canh tác tiến bộ trong SX để đảm bảo có nguồn nguyên liệu chè an toàn, xây dựng thương hiệu chè đặc sản Na Hang.
Theo đó, các cơ chế chính sách hỗ trợ đã được xây dựng, việc triển khai đề án góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa, mở ra hướng xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc huyện Na Hang.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao