Tin thủy sản Bình Định: Nông dân làm giàu nhờ nuôi cá lồng

Bình Định: Nông dân làm giàu nhờ nuôi cá lồng

Author Minh Khoa/HND Bình Định, publish date Friday. August 24th, 2018

Tận dụng lợi thế diện tích mặt nước hồ chứa nước rộng lớn ở địa phương, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư nuôi cá lồng bè mang lại hiệu quả cao. Điển hình như gia đình ông Võ Hồng Châu ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo.

Ông Võ Hồng Châu đang cho đàn cá trê ăn 

Năm 2014, ông Châu nuôi 2 bè gồm 12 lồng với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu đồng, gồm tiền mua lồng, cá giống, thức ăn. Giống cá ông chọn nuôi là cá diêu hồng, rô phi, cá trê, mỗi năm nuôi 2 vụ, ông Châu lãi gần 200 triệu đồng.

Theo ông Châu, để nuôi cá lồng đạt hiểu quả cao phải chọn loại cá giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, không dị hình, sây sát, kích cỡ đồng đều, không bị mất nhớt, không bị dịch bệnh, tùy loại cá mà thả nuôi với mật độ khác nhau. Cá diêu hồng, rô phi mật độ từ 80 - 100 con/m3, cá lóc, cá trê từ 100- 130 con/m3, bên cạnh đó cần chú trọng cách sắp xếp lồng cá để đảm bảo đủ oxi, tránh ô nhiễm môi trường nước.

Chủ tịch Hội ND xã Man Thành Năm cho biết. Thời gian gần đây, số lồng cá nuôi ở lòng hồ đã tăng lên đáng kể, hiện có hơn 30 hộ thả nuôi với hàng trăm lồng, thu nhập trừ chi phí đầu tư đạt khoảng hơn 10 triệu đồng/lồng/năm. Nghề nuôi cá lồng đã giúp nhiều hộ dân có việc làm, tăng thu nhập.

Để giúp người dân phát triển nghề nuôi cá lồng, từ nguồn vốn Qũy HTND Trung ương Hội, vừa qua, Hội ND xã Vĩnh Hảo đã xét duyệt, hỗ trợ 400 triệu đồng cho 10 hộ nông dân đang nuôi cá Diêu hồng trên hồ Định Bình.

Bên cạnh đó, Hội ND xã còn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trang bị kiến thức và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho bà con; gắn khai thác thủy sản với các quy ước bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản

Ông Lê Văn Xinh, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Vĩnh Thạnh cho biết. Hội ND huyện đã vận động người dân mở rộng diện tích nuôi cá. Tuy nhiên, để đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, địa phương khuyến khích bà con nuôi nhiều đợt, không tập trung thả nuôi cùng lúc để luôn đảm bảo cá bán cho người tiêu dùng, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Có thể khẳng định, nghề nuôi cá lồng đã góp phần không nhỏ trong việc tận dụng điều kiện tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở nông thôn


Related news

ky-thuat-sinh-san-nhan-tao-ca-khe-van Kỹ thuật sinh sản nhân… hieu-qua-tu-nuoi-ca-be-trang Hiệu quả từ nuôi cá…