Tin thủy sản Hiệu quả từ nuôi cá bè trắng

Hiệu quả từ nuôi cá bè trắng

Author Khánh Hà - Thảo Ngọc, publish date Friday. August 24th, 2018

Những năm gần đây, việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) có nhiều khó khăn do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, một số loài nuôi chủ lực như: cá mú, tôm, cá chẽm bị thất bại. Trước tình hình đó, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi kết hợp với cá vẩu (còn gọi là cá bè trắng), cho thu nhập ổn định.

Bà Phượng kiểm tra cá bè trắng giống trước khi xuất bán. 

Nhiều người nuôi

Ông Nguyễn Văn Phước (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cho biết, trước đây, gia đình ông chủ yếu nuôi cá mú và tôm sú. Tuy nhiên, sau nhiều năm, nguồn nước bắt đầu bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên nuôi những loại này khá bấp bênh. Năm 2012, ông bắt được ít giống cá bè trắng nên đưa vào bè nuôi thử nghiệm, thấy cá dễ thích nghi với môi trường, sinh trưởng tốt, trọng lượng trung bình 1,3kg/năm. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, có nguồn giống ổn định, ông đã đưa cá bè trắng vào nuôi đại trà. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông thả nuôi hơn 15.000 con cá bè trắng và hơn 22.000 cá bè vàng, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Hiện nay, cá bè trắng thương phẩm có giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg và được thị trường đón nhận rất tốt.

Thấy ông Phước nuôi hiệu quả, không ít hộ ở thị xã Ninh Hòa đã chuyển một số diện tích nuôi cá mú, tôm sang nuôi cá bè trắng. Cá bè trắng hiện được nuôi rộng rãi ở một số khu vực: Ninh Hòa, Vạn Ninh, Nha Trang và nhiều nhất là TP. Cam Ranh.

Ông Phạm Y (Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh), người đã có 20 năm trong nghề NTTS cho biết, gia đình ông vừa xuất bán 10.000 con cá bè trắng, lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng và đang tiếp tục thả nuôi hơn 5.000 con. Cách đây 2 năm, qua tìm hiểu thấy cá bè trắng tỷ lệ nuôi sống cao (khoảng 85 - 90%), cá ăn tạp, sống được cả hai khu vực nước lợ và nước mặn, đặc biệt có sức đề kháng tốt nên ông Y đã chuyển một phần diện tích sang nuôi cá bè trắng. “So với cá mú, tôm và cá lù, cá bè trắng lợi nhuận không bằng nhưng tôi thích nuôi vì ổn định, chi phí đầu tư không cao. Hiện nay, khu vực Cam Phúc Nam có khoảng 50 hộ nuôi xen canh giống cá bè trắng, người nuôi ít cũng vài ngàn con. Có rất nhiều người muốn nuôi cá bè trắng nhưng không có giống”, ông Y nói. Tại Cam Ranh, cá bè trắng còn được nuôi ở các khu vực: Cam Phúc Bắc, Cam Phú, Cam Thuận…

Chủ động nguồn cá giống

Với 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu các giống cá như: cá mú, cá bớp…, năm 2012, bà Lê Thị Như Phượng (Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phượng Hải, TP. Nha Trang) tiếp tục sản xuất thành công giống cá bè trắng cung cấp ra thị trường. Bà Phượng kể, năm 2008, tình cờ đến thôn Tân Thành, xã Ninh Ích (Ninh Hòa), thấy bè tôm có những con cá người dân nuôi thương phẩm với trọng lượng khá lớn. Tìm hiểu được biết, đây là loài cá bè trắng, người dân bắt ngoài tự nhiên về nuôi nhưng do không có nguồn cá giống nên chỉ nuôi xen canh cùng tôm. Nhận thấy đây là loài cá sinh trưởng tốt, nguồn thức ăn dễ tìm, trong khi cả nước chưa có cơ sở nào nghiên cứu sản xuất giống cá này. Do đó, bà Phượng đã mày mò nghiên cứu, sản xuất thành công giống cá bè trắng. Năm 2012, những cặp cá bố mẹ đầu tiên sinh sản thành công với hơn 5.000 con.

Từ lứa cá giống đầu tiên được người NTTS đón nhận tích cực, bà Phượng bắt đầu nhân đàn và mỗi năm số lượng ngày càng tăng lên. Đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Phượng Hải đã sản xuất được hơn 500.000 con cá giống bè trắng/năm, với giá 10.000 đồng/con loại 5cm. Doanh nghiệp hiện cung cấp giống cá bè trắng cho một số tỉnh, thành trong cả nước như: Huế, Hà Nội, Vũng Tàu, Ninh Thuận,  Kiên Giang… Còn trên địa bàn tỉnh, tập trung tại các địa phương như: Nha Trang, Cam Ranh, Vạn Ninh, Ninh Hòa. Bà Phượng chia sẻ: “Đây là loài cá xuất phát từ vùng biển Khánh Hòa nên quá trình nghiên cứu nuôi thử nghiệm thuận lợi hơn so với một số loài cá khác. Hiện nay, nhu cầu cá giống khá cao nhưng doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ nhu cầu”.

Ông Phước bày tỏ: “Khi bà Phượng sản xuất thành công giống cá bè trắng, chúng tôi vui lắm. Bởi, trước tình hình một số loài nuôi bấp bênh, nhiều dịch bệnh, có thêm giống cá bè trắng đã góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tăng hiệu quả kinh tế cho người NTTS”.


Related news

binh-dinh-nong-dan-lam-giau-nho-nuoi-ca-long Bình Định: Nông dân làm… phat-trien-nuoi-tom-tren-cat-o-xa-han-quoc Phát triển nuôi tôm trên…