Bộ NNPTNT đối thoại với 15 tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp
Hôm qua (30.11), tại Hà Nội, Bộ NNPTNT phối hợp với Chương trình “Sáng kiến tăng trưởng châu Á (Grow Asia)” đã tổ chức cuộc họp thường niên các Nhóm Công tác ngành hàng công- tư (PPP), trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững (PSAV).
15 tập đoàn lớn cả FDI và trong nước đã tham dự cuộc họp này để bàn về cách nâng cao chuỗi giá trị cho nông nghiệp Việt Nam.
Hình thành nhiều mô hình mẫu trong nông nghiệp
Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trần Quang
Theo Ban Thư ký PSAV, trong giai đoạn vừa qua, Nhóm PPP đã triển khai 256 mô hình vườn mẫu tại 4 tỉnh; đồng thời tích cực tham gia chuyển đổi cây ngô tại một số khu vực với mục tiêu, tăng 30% sản lượng, tăng 30% thu nhập cho nông dân năm 2016. Riêng đối tác Syngenta và Viện KHNN Việt Nam đã trình diễn 100ha ngô ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Kết quả, năm 2015, đã xây dựng mô hình 30ha vụ đông. Phía Syngenta hỗ trợ giải pháp kỹ thuật (giống GMO, đào tạo cho 2.000 nông dân hộ gia đình quy mô nhỏ).
PPP, tức đối tác công (nhà nước)- tư (doanh nghiệp) được thành lập vào tháng 5.2010, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Tổng Giám đốc Công ty Néstle Việt Nam. Đến nay, nhóm này đã thu hút được 13 đối tác tham gia, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, đa quốc gia như Nestlé, Syngenta, Bayer, Baconco…
Ông Ampalavanar Ganesan - Tổng Giám đốc Néstle Việt Nam cho biết: “Néstle Việt Nam đã thành lập Nhóm PPP cà phê thu hút được hơn 3.200 nông dân tham gia triển khai trên diện tích hơn 5.200ha. Nhóm không chỉ hỗ trợ tập huấn cho 60 nhóm trưởng cùng hơn 3.220 nông hộ trên 4 tỉnh thành mà còn đồng thời kết hợp nông dân vào chuỗi giá trị cà phê thông qua mô hình mua chung bán chung”.
Điểm nổi bật của nhóm là đã xây dựng được các vườn cà phê mẫu. Dự kiến, trong 2 năm 2016-17, Nhóm PPP cà phê lựa chọn 60 vườn mẫu theo phương thức tiếp cận mới: Lựa chọn vườn có diện tích vừa và lớn nhằm tối đa hóa các tiềm lực và thúc đẩy nông dân phát triển mô hình HTX kiểu mới. “Trong 5 năm triển khai mô hình vườn cà phê mẫu, năng suất của các vườn này đã tăng 17%, thu nhập của nông dân cũng tăng 14%” - ông Ampalavanar Ganesan khẳng định.
Là một trong những đối tác chủ chốt của nhóm PPP, bà Lê Thị Khánh Hòa - Giám đốc đối ngoại Công ty Syngenta Việt Nam, đại diện cho công ty chia sẻ: “Nằm trong số 8 nhóm ngành hàng PPP, nhóm ngô tham gia chương trình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc. Cụ thể là nhóm đã hỗ trợ giống ngô mới cùng các giải pháp kỹ thuật tốt cho nông dân và bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, phía nhóm ngô của chúng tôi còn thiếu vắng nhóm công (nhà nước), đặc biệt là sự hợp tác của hệ thống khuyến nông. Mong rằng trong thời gian tới, chúng tôi được Bộ NNPTNT quan tâm, hỗ trợ để nhóm có thể tiếp cận giúp các nông hộ được hưởng lợi”.
PPP là công cụ thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Trưởng Phòng Hội nhập và đầu tư, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), đến 2015, Việt Nam mới có 521 dự án (tương đương 2,6%) và 3,63 tỷ USD (1.3%) vốn đăng ký vào ngành nông nghiệp. Đây được coi là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Chính vì thế, phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Một trong những ưu tiên lớn hiện nay của ngành nông nghiệp là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành theo hương gia tăng giá trị và phát triển bền vững, đồng thời tập trung nguồn lực phát triển nông thôn mới. Để thực hiện những nhiệm vụ lớn này, chúng tôi coi trọng vai trò và đóng góp của khu vực doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi coi PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào chế biến sâu”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, cuộc họp này theo kế hoạch thường niên, Bộ NNPTNT có buổi tọa đàm với 15 tập đoàn và doanh nghiệp lớn gồm cả doanh nghiệp FDI và Việt Nam nhằm kiểm điểm lại việc kết hợp giữa Bộ và các tập đoàn, doanh nghiệp này về xây dựng chuỗi sản phẩm.
“Đặc biệt thêm một mục tiêu nữa đặt ra là phải nghiên cứu các chính sách, hoàn thiện theo hình thức đầu tư công - tư PPP, để làm sao mà xã hội hóa nhiều hơn. Ngoài các phần nhà nước đầu tư, để huy động sức dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vào trong quy trình sản xuất chuỗi của chúng ta. Rất mừng là 8 nhóm sản phẩm của Việt Nam bao gồm cà phê, hạt tiêu, thủy sản, ngô… qua thời gian làm thí điểm cùng với các đối tác, với các tập đoàn đến nay một số mô hình đã đạt được kết quả. Ví như nhóm sản phẩm về cà phê, chủ nhóm thực hiện là Công ty Néstle Việt Nam cùng với cơ quan của Bộ hiện nay đã xây dựng được một vùng nguyên liệu mà ở đó đã chuyển giao được các tiến bộ kỹ thuật đến người dân trong toàn bộ các khâu từ quy trình canh tác cho đến thu hoạch, chế biến” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Riêng về kiến nghị hỗ trợ chuyển đổi cây ngô, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã ghi nhận và tiếp thu ý kiến chia sẻ khó khăn với các nhóm ngành hàng này, đặc biệt là với 2 tập đoàn nông nghiệp lớn của quốc tế đang đâu tư vào Việt Nam là Syngenta và Monsanto. “Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1 triệu ha trồng ngô, song 3/4 diện tích này lại nằm ở phần đồi núi, và rất nhiều sông, suối, những vùng có điều kiện canh tác rất khó khăn. mong rằng trong thời gian tới tập đoàn lớn là Monsanto và Syngenta nghiên cứu công nghệ giống và quản trị thuốc BVTV để làm sao có các giống, thuốc phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề về môi trường phải đảm bảo, đó là yêu cầu số một của Việt Nam” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao